Đổi thay vùng chuyên canh lúa Tứ Kỳ
Cùng cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Tứ Kỳ thăm xã An Thanh, chúng tôi đã mắt thấy tai nghe được việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi của các hộ dân đầu tư cải tạo cả khu đồng trũng 158ha trước đây trồng lúa năng suất thấp, thành những dãy ao đầm nuôi tôm cá, rươi, thả cáy và những vườn chuối tiêu hồng, đu đủ không hạt xanh tốt quanh năm. Gia đình anh Phan Văn Thắng ở thôn An Định, 5 năm về trước còn thuộc diện nghèo, nhưng nhờ được vay vốn ưu đãi đã đứng ra thầu cả khu đất chua phèn, thuê mướn máy san ủi mặt ruộng thành 5 cái ao có diện tích hơn 2.000m2 để nuôi rươi, thả cáy và trồng lúa sạch, để đến năm vừa rồi thu lãi gần 60 triệu đồng, thoát cảnh nghèo khó, vừa đã trả hết nợ vay đến kỳ hạn cho ngân hàng.
Còn đối với gia đình ông Phan Văn Vương, bà Phan Thị Thắng cũng ở xã An Thanh, nhờ phát huy nguồn vốn vay đầu tư vào chăn nuôi lợn nái, đến giữa năm 2015, gia đình đã hoàn trả nợ cho NHCSXH và được xét ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mới đây, gia đình ông Vương lại được Tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội nông dân bình xét cho vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo. Ông Vương tâm sự: “Với số vốn 40 triệu đồng mới được vay này, gia đình tôi sẽ đầu tư thâm canh ao cá, chuồng lợn để tăng sản phẩm bán vào dịp Tết nguyên đán và có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững”.
Gia đình anh Thắng và ông Vương chỉ là 2 trong số 14 nghìn hộ dân huyện Tứ Kỳ được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tính đến tháng 11/2015, tổng dư nợ 8 chương trình tín dụng ưu đãi trên toàn huyện đạt gần 238 tỷ đồng.
Với phương châm vốn vay phải nhanh chóng chuyển đến tận tay đối tượng có nhu cầu và đúng đối tượng thụ hưởng, đến nay NHCSXH huyện Tứ Kỳ đang quản lý 390 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín tới tất cả các thôn, xóm cùng với sự phối hợp quản lý của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.
Công tác chuyển tải nguồn vốn ưu đãi được chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác quan tâm và chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tổ chức bình xét công khai dân chủ, trong họp bình xét cho vay có sự chứng kiến của Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư nên việc xác nhận đối tượng vay vốn của Chính quyền xã, thị trấn được chính xác hơn. Các hội, đoàn thể luôn nỗ lực cùng NHCSXH đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả và thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ quá hạn, phấn đấu không để phát sinh nợ quá hạn.
Giám đốc NHCSXH huyện Tứ Kỳ, Vũ Tiến Mạnh cho biết: Cùng với việc kiểm tra giám sát vốn vay sau giải ngân, NHCSXH huyện còn phối hợp với các hội, đoàn thể thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, định hướng người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung cho vay quay vòng, không để tồn đọng vốn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hộ mới thoát nghèo được tiếp cận kịp thời chính sách mới để phát huy hiệu quả tín dụng chính sách, tránh tái nghèo.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Hoàng Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nguồn vốn để “an cư, lạc nghiệp”
- » Góp phần giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi
- » Đồng vốn chính sách làm thay đổi bản làng
- » Dự án Nippon tiếp tục được khởi động
- » Giúp đồng bào dân tộc vượt khó vươn lên làm giàu
- » Đổi đời nhờ vốn vay ưu đãi
- » Chắp cánh ước mơ cho những học trò nghèo khó trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Tín dụng NS&VSMTNT trước nhu cầu thực tế tại địa phương
- » Thời điểm “chín muồi” để nâng mức cho vay tín dụng HSSV
- » Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều