Vì chất lượng cuộc sống
Tính đến hết tháng 11/2015, dư nợ của chương trình đạt trên 553 tỷ đồng với 61.366 hộ vay. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch ở Hưng Yên đã tăng đến trên 90%. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp các hộ gia đình ở vùng châu thổ sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên này đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình nước sạch, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ sinh hoạt nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Loan ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm nay đã không còn phải lo lắng về nguồn nước sinh hoạt lấy ở giếng khoan bị ô nhiễm nặng như trước đây nữa. Từ năm 2014 chị cùng bà con xung quanh Khu công nghiệp Như Quỳnh - Phố Nối được NHCSXH huyện Văn Lâm giải quyết cho vay vốn ưu đãi 12 triệu đồng để lắp đặt đường ống nước về tận nhà và xây dựng công trình vệ sinh.
Cũng ở xã Lạc Đạo, gia đình bà Trần Thị Gạo đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, bà Gạo cho hay, trước đây nhà chỉ có 1 cái giếng khoan sâu hơn 50m nhưng nước vẫn rất khan hiếm chỉ đủ tắm giặt cho 6 người trong gia đình thôi, còn thổi cơm, uống nước phải tiết kiệm nước mưa đang chứa đựng trong các thùng phi nhựa, chum vại sành. Thế rồi từ mấy năm nay, nhờ vay được 12 triệu đồng cộng với số tiền dành dụm được bà Gạo đã xây dựng được công trình khép kín gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước để quanh đủ nước ăn, nước sinh hoạt.
Chủ tịch Hội CCB xã Lạc Đạo, Vũ Đình Tha cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay chính sách mà bà con trong xã sống yên tâm hơn, vui hơn, không lo lắng bệnh tật nữa, nhất là làm cho đường làng sạch sẽ, nhà ở mát mẻ góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Đúng là từ nguồn vốn vay chính sách đã góp phần không riêng xã Lạc Đạo mà cho hầu hết các làng xã ở tỉnh Hưng Yên có tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh gần 84%, và tỷ lệ gia đình có công trình nhà tiêu hợp chuẩn trên 58%.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân, cho biết: “Tới đây NHCSXH đẩy mạnh cho vay chương trình này để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn và hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường trong lành trên địa bàn vùng đồng bằng Bắc Bộ”.
Tuy đạt được những kết quả khả quan đó nhưng trên thực tế nguồn vốn dành cho chương trình NS&VSMTNT còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu vay vốn, sử dụng vốn chính sách để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh lại rất lớn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tác dụng của chương trình tín dụng này. Bởi vậy, cùng với các vướng mắc cần sớm tháo gỡ những người làm tín dụng chính sách và đông đảo nông dân tỉnh Hưng Yên đều có kiến nghị, đề xuất với các ngành chức năng quan tâm hơn nữa đến hoạt động vệ sinh môi trường cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phù hợp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà tài trợ; bên cạnh đó cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành giữa NHCSXH với ngành Y tế các cấp trong việc triển khai các hoạt động vận động hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi xây dựng và sử dụng các công trình nước sạch hợp vệ sinh.
Bài và ảnh Tuấn Huy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay diện mạo vùng nông thôn
- » Giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
- » Yên Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
- » Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi
- » Đổi thay vùng chuyên canh lúa Tứ Kỳ
- » Nguồn vốn để “an cư, lạc nghiệp”
- » Góp phần giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi
- » Đồng vốn chính sách làm thay đổi bản làng
- » Dự án Nippon tiếp tục được khởi động
- » Giúp đồng bào dân tộc vượt khó vươn lên làm giàu