Đồng hành cùng hội viên CCB phát triển kinh tế
Điển hình là Hội CCB các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Tân Sơn… không chỉ làm cầu nối chuyển nhanh hàng trăm tỷ đồng của các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV… về đúng địa chỉ đối tượng thụ hưởng, mà còn góp phần triển khai gần 150 dự án sản xuất tiểu vùng để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ, Lê Quang Đại cho biết: “Đây là cách làm hay, phù hợp để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách. Thực tế thời gian qua, phần lớn các dự án sản xuất tiểu vùng do Hội CCB phối hợp với NHCSXH tổ chức thực hiện đã góp phần thay đổi tư duy làm ăn của hộ vay vốn, khai thác được tiềm năng, lợi thế vùng đất đồi rừng, ao hồ, đưa các giống cây, con mới vào nuôi, trồng đạt năng suất cao, tạo ra khả năng tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh cũng liệt kê những dự án thành công như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng bán công nghiệp ở xã Hồng Đào, huyện Tam Nông, Hội CCB xã rẻo cao thuộc huyện miền núi 30a Tân Sơn đã khôi phục và mở rộng diện tích cây sơn ta lấy nhựa hơn 200ha; dự án cải tạo ao, hồ nuôi trồng thủy sản của Hội CCB xã Vĩnh Châu, huyện Hạ Hòa, xã Hán Cù, huyện Thanh Ba; xã Tiên Lượng, huyện Cẩm Khê cũng góp phần phát triển hàng trăm ha ao tù nước đọng, hoang hóa thành diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản đạt năng suất cao kết hợp với gìn giữ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho cây trồng…
Khoảng 5 năm về trước, gia đình CCB nghèo Phạm Văn Chất ở xã Hồng Đào được NHCSXH huyện Tam Nông cho vay 18 triệu đồng để mua bò về nuôi. Sau 3 năm, gia đình ông bán bò đi lấy tiền trả nợ rồi tiếp tục vay 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để tiếp tục nuôi bò sinh sản. Sau khi trả hết khoản tiền vay này, gia đình đã cơ bản thoát diện nghèo nhưng thu nhập còn bấp bênh. Vừa qua, nhờ chính sách mới của Chính phủ đối hộ mới thoát nghèo và sự giúp đỡ tận tình của Hội CCB địa phương, gia đình ông Chất tiếp tục được vay 45 triệu đồng. Sự đồng hành bền lâu của nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang giúp ông vươn lên làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững. Hiện gia đình ông có 2 con bò mẹ, 2 con bò con và hơn 100 con gà nuôi thả vườn. Hay mô hình SXKD giỏi ở xã Hồng Đà của gia đình CCB Phan Quang Hồng, với 10 triệu đồng vay hộ nghèo năm 2009, có ý chí làm giàu, mong muốn thoát nghèo trên quê hương anh đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại, mua bò sinh sản. “Đến nay gia đình anh đã có 5 con bò, bình quân mỗi con bán cũng được trên 40 triệu đồng” anh phấn khởi cho biết.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng cũng là gia đình CCB nghèo của địa phương. Năm 2013 được Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn bình xét, đề nghị NHCSXH cho vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo. Với số tiền vay được cùng với số vốn dành dụm được của gia đình, bà đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua 1 con trâu, 1 cặp bò laisind về nuôi. “Quả thật nếu không có nguồn vốn chính sách của Nhà nước hỗ trợ thì gia đình tôi khó có cơ hội thoát nghèo bền vững vươn lên có đời sống khá giả. Mong muốn sẽ có thêm nhiều bà con được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này”, bà Hạnh chia sẻ.
Từ thực tế các mô hình CCB vay vốn chính sách và Hội CCB các cấp ở tỉnh Phú Thọ thực hiện ủy thác với NHCSXH cho thấy, các chương trình tín dụng ưu đãi ngày càng tạo được hiệu quả thiết thực, gắn liền với việc giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội. Bí quyết để đồng vốn chính sách đạt hiệu quả ngoài sự cần cù, dám nghĩ, dám làm của mỗi CCB không thể không nhắc tới sự vào cuộc tích cực của các cấp hội trong vai trò định hướng, xây dựng những mô hình hay, phù hợp với từng khu vực để hội viên áp dụng. Được sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội CCB với NHCSXH và các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn, các hội viên vừa được hướng dẫn cùng những hỗ trợ thiết thực về tiền vốn, kỹ thuật nên đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang hướng tập trung, khai thác tiềm năng đất đồi rừng ao hồ.
Phát huy những kết quả đạt được, Hội CCB tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai thực hiện những chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn chính sách, giúp hội viên CCB giảm nghèo một cách bền vững.
Bài và ảnh Diệu Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay diện mạo vùng nông thôn
- » Vì chất lượng cuộc sống
- » Giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
- » Vùng biên giới Vị Xuyên đang đổi thay nhờ nguồn vốn chính sách
- » Yên Sơn xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
- » Phát triển kinh tế từ vốn vay ưu đãi
- » Đổi thay vùng chuyên canh lúa Tứ Kỳ
- » Nguồn vốn để “an cư, lạc nghiệp”
- » Góp phần giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi
- » Đồng vốn chính sách làm thay đổi bản làng