Cho vay hộ mới thoát nghèo ở Hà Tĩnh - Niềm vui đón cơ hội mới
Đón cơ hội mới
Ngày biển động, ngư dân không ra khơi, chúng tôi gặp được hầu hết những gia đình vừa được vay vốn hộ mới thoát nghèo ở xã vùng biển Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đồng hành với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Bùi Thị Hải cho biết, mặc dù là địa phương có thế mạnh trong nghề đánh bắt thủy sản nhưng ngoài những ông chủ tàu lớn, còn có hàng trăm ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Nhiều gia đình dẫu không còn là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng rất dễ tái nghèo nếu điều kiện sản xuất không thuận lợi. Vì vậy được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, họ có thêm niềm tin để phấn đấu thoát nghèo vững chắc.
Vào thăm gia đình ông Nguyễn Đình Văn ở thôn Hội Thái, gặp ông cùng một người bạn chung thuyền đang tranh thủ ngày biển động sắp sửa lại những tay lưới vừa mới trang bị được từ nguồn vốn vay của NHCSXH. “Do hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn nên tôi chỉ sắm được con thuyền công suất 15CV đi đánh cá gần bờ. Nhiều năm qua, thuyền đã hư hỏng và ngư lưới cụ cũng cũ nát nhưng gia đình chỉ chắp vá tạm thời để làm nghề bởi để vay vốn với lãi suất theo thị trường đối với chúng tôi là quá sức. May mắn là Nhà nước lại có chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo nên tôi vừa vay 30 triệu đồng để sắm sửa thêm ngư lưới cụ và tu sửa phuơng tiện đánh bắt. Mong sao trời yên biển lặng giúp chúng tôi đánh bắt hiệu quả để không còn lo tái nghèo và trả nợ ngân hàng đúng hạn”.
Niềm hy vọng về hướng phát triển kinh tế bền vững từ sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi cũng đang hiện hữu trong những gia đình được vay vốn ở thôn Hồng Lam, xã Thuận Lộc. Hai anh em Lê Văn Lợi và Lê Văn Trung cùng được vay vốn hộ mới thoát nghèo đã đầu tư mở rộng chăn nuôi bò. “Gia đình anh tôi góp thêm vốn tự có mua được 3 con, còn tôi sử dụng vốn ngân hàng sửa sang lại chuồng trại, mua thêm 2 con bò nữa. Chúng tôi cảm ơn Nhà nước đã hướng dẫn, hỗ trợ, cho chúng tôi thêm cơ hội để mở hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Chắc rằng từ đây, gia đình chúng tôi sẽ “cắt đuôi” hoàn toàn sự đeo bám của đói nghèo”, anh Lê Văn Trung phấn khởi cho biết.
Tăng nguồn lực để thoát nghèo bền vững
Sau hơn 3 tháng triển khai, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã giải ngân được gần 49 tỷ đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với trên 1.600 hộ có dư nợ. Nhiều địa phương đã nhanh nhạy nắm bắt chính sách, tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách hộ thoát nghèo, chỉ đạo các địa phương phối hợp tốt với NHCSXH để triển khai sớm chương trình.
Giám đốc NHCSXH TX. Hồng Lĩnh, Trần Thị Bích Hà cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm khá nhanh nhưng ở nhiều địa phương. Đây là những con số chưa thực sự vững chắc. Hồng Lĩnh lại là địa bàn không được hưởng lợi chương trình cho vay vùng khó khăn nên việc tìm nguồn lực tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo bứt phá khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Vì vậy, khi triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho đối tượng này, cùng với sự ưu tiên của NHCSXH tỉnh cho địa bàn có đặc thù riêng, chúng tôi đã sớm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thị xã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp. Chính sách mới đã được tuyên truyền đến tận hộ dân bằng cách phát huy sự vào cuộc chủ động, hiệu quả của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc xác định đối tượng, dự kiến nhu cầu, xây dựng kế hoạch nguồn đã được hoàn tất sớm, vì vậy, từ đầu tháng 9/2015 những món vay đầu tiên đã đến tận tay khách hàng. Đến thời điểm này, NHCSXH TX. Hồng Lĩnh đã cho vay được hơn 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy nguồn vốn của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu vay của người dân. Ở nhiều địa phương, do nguồn phân bổ còn ít nên nhiều hộ có nhu cầu vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn; một số hộ thì lại chỉ được vay 30 triệu đồng. Bà Cao Thị Toan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hội Minh, xã Xuân Hội cho biết: Thôn chỉ mới có 2 hộ được vay vốn, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác đang chờ đợi ngân hàng được bổ sung thêm nguồn vốn để họ có cơ hội vay vốn ưu đãi. Ngân hàng đã thu xếp tập trung vốn cho vay hộ mới thoát nghèo, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Thực tiễn đang đòi hỏi cần có sự bổ sung nguồn vốn để triển khai chương trình một cách hiệu quả đến các đối tượng được hưởng lợi, góp phần cùng với tỉnh Hà Tĩnh thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh Mai Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách trên quê hương “người gái đảm” anh hùng
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên
- » Đồng vốn nhỏ tạo cơ nghiệp lớn
- » Tiếp sức cho các làng nghề Phú Yên phát triển
- » Đổi thay nhờ vốn chính sách
- » Người kết nối tín dụng chính sách cho người nghèo
- » Đồng hành cùng hội viên CCB phát triển kinh tế
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay diện mạo vùng nông thôn