Ngày mới ở miền biển Xuân Thành
Ở khắp làng, xóm miền biển này đường sá được mở rộng, trải bê tông thẳng tắp, nhà mới xây mọc lên san sát, những đồng ngô, ruộng lúa xanh tốt, hứa hẹn một cuộc sống no đủ, tươi vui trên dải đất hẹp miền Trung.
Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Trước đây, người dân vùng bãi ngang ven biển chỉ trông chờ vào cây lúa ở ruộng cằn cỗi và củ khoai trồng ở tràng cát, vốn liếng lại thiếu nên cuộc sống luôn nghèo khó, nhưng từ khi được vay vốn chính sách, mở hướng làm ăn mới thì làng trên xóm dưới khởi sắc, “khỏe khoắn” hẳn lên.
Theo ông Hồng trong tổng dư nợ 28 tỷ đồng của xã Xuân Thành với NHCSXH huyện Nghi Xuân hiện nay thì số tiền nhiều nhất được bà con dùng vào công việc phát triển chăn nuôi và cải tạo đồng ruộng trồng các loại rau màu, giống mới. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, vườn tược cũng xanh tốt hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 4,2% cuối năm 2015.
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu những điển hình làm kinh tế giỏi, xóa được nghèo khó ở vùng bãi ngang, Chủ tịch xã Xuân Thành đã kể tường tận, chính xác tên tuổi từng hộ dân sử dụng vốn vay chính sách vào việc chuyển đổi sản xuất vừa vượt qua nghèo khổ, vừa gây dựng được cơ ngơi kha khá, tiêu biểu là gia đình anh Nguyễn Hùng Sáng ở thôn Phú Trung tuy sống giữa vùng bãi ngang sình lầy, đất ruộng bị nhiễm mặn nặng, khu vườn lại toàn cát trắng, chẳng cây trồng nào đơm hoa kết quả được, nhưng anh vẫn mạnh dạn vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mua bò về nuôi. Từ cách dùng vốn phù hợp đó và tận dụng bãi chăn thả, thức ăn có sẵn cho chăn nuôi, cặp bò béo khỏe nhanh, bán được giá, anh lại đầu tư nuôi thêm lợn nái, gà, vịt. Đến hôm nay vợ chồng anh nông dân Nguyễn Hùng Sáng đã hoàn tất việc trả nợ vốn vay cho ngân hàng, được địa phương bình chọn đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Cùng địa chỉ với anh Sáng, gia đình bà Lê Thị Việt còn có hoàn cảnh khó khăn hơn, chồng bị nhiễm chất độc da cam, do đó mọi việc nặng nhọc đều đổ dồn lên đôi vai của bà. Hàng ngày, bà phải lặn lội ra phố huyện gánh thuê, vác mướn, những đồng tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Cuộc sống tưởng chừng như không có lối thoát bởi nhà chỉ vỏn vẹn 3 sào đất ruộng mặn phèn cấy lúa một vụ. Trước hoàn cảnh đó, Hội Phụ nữ xã đã giúp đỡ bà Việt vay vốn chính sách để nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, bò mẹ khỏe mạnh, trong 2 năm liền đẻ ra 2 chú bê con. Bà đã bán bớt 1 con bê đủ tiền nộp lãi trả nợ ngân hàng. Tháng trước, bà Việt còn sửa sang lại 3 gian nhà ở để kịp đón Xuân, ăn Tết Bính Thân 2016.
Đến hôm nay, người dân vùng bãi ngang Xuân Thành đã có 13 mùa Xuân được thụ hưởng chính sách tín dụng của Nhà nước và đây cũng là năm thứ 3 được tham gia dự án tăng cường vốn ưu đãi cho vùng đặc biệt khó khăn và các xã điểm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Tĩnh. Bước vào năm mới 2016, với sự vào cuộc thật sự của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội, chắc chắn nguồn vốn chính sách được phát huy hiệu quả, góp phần đắc lực vào chương trình giảm nghèo bền vững và nâng cao cuộc sống.
Bài và ảnh Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Bà đỡ” cho người nghèo
- » Cho vay hộ mới thoát nghèo ở Hà Tĩnh - Niềm vui đón cơ hội mới
- » Tín dụng chính sách trên quê hương “người gái đảm” anh hùng
- » Đồng hành cùng người nghèo
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho đoàn viên thanh niên
- » Đồng vốn nhỏ tạo cơ nghiệp lớn
- » Tiếp sức cho các làng nghề Phú Yên phát triển
- » Đổi thay nhờ vốn chính sách
- » Người kết nối tín dụng chính sách cho người nghèo