Sử dụng vốn vay ưu đãi trồng rừng, thoát nghèo

02/01/2016
(VBSP News) Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp rộng lớn nhưng chưa được phát huy hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu vốn, trồng rừng quảng canh. Việc đồng bào dân tộc Dao ở thôn Tân Cư, phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn vay vốn chính sách trồng rừng, đến nay cả thôn đã thoát nghèo, dần tiến đến làm giàu, mở ra hướng đi mới để phát huy tiềm năng địa phương.
BKVốn chính sách được đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn đầu tư vào trồng rừng

Vốn chính sách được đồng bào dân tộc tỉnh Bắc Kạn đầu tư vào trồng rừng

Năm 2009, gia đình chị Triệu Thị An ở thôn Tân Cư, phường Xuất Hóa vay NHCSXH 30 triệu đồng để mua giống cây mỡ, phân bón đầu tư trồng hơn 1ha rừng. Chị An cho biết: “Sau gần 8 năm, đến nay rừng cho thu hoạch, khai thác tỉa thưa đã cho thu nhập cho gia đình hơn 60 triệu đồng, trả hết tiền vay ngân hàng. Tới đây khai thác hết diện tích đã trồng, gia đình tôi sẽ có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Nhờ có vốn ưu đãi cho vay trồng rừng lãi suất thấp, thời gian cho vay dài cho nên đất lâm nghiệp của gia đình được phát huy có hiệu quả, giúp giảm nghèo bền vững”.

Ở Tân Cư có 84 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao từ các nơi “hạ sơn” về cách đây khoảng 40 năm. Những năm đầu quy tụ về Tân Cư, đời sống người dân rất khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do không có ruộng, cuộc sống chủ yếu nhờ vào phát nương, rẫy trồng ngô, chặt củi bán lấy tiền mua gạo.

Cách đây gần 10 năm, đồng bào dân tộc Dao trong thôn đã mạnh dạn vay vốn chính sách để trồng rừng. Khi rừng mới trồng, bà con trồng xen sắn, ngô, dứa, phần để chăn nuôi, phần để bán mua gạo “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, bình quân mỗi hộ ở Tân Cư có từ 2 - 3ha rừng mỡ, quế, hồi khép tán, trưởng thành cho thu nhập ổn định với mức 60 triệu đồng/hộ và không còn hộ nghèo, nhiều hộ đã mua xe tải vận chuyển gỗ. Trong thôn hiện có 42 trong tổng số 84 hộ đang dư nợ NHCSXH tỉnh hơn 500 triệu đồng, có thời điểm người dân Tân Cư vay tới 5 tỷ đồng, những năm gần đây số dư nợ giảm dần vì các hộ đã “có lực”. Vay vốn trồng rừng mang lại hiệu quả, người dân có ý thức phát huy hiệu quả cho nên đều trả lãi, gốc đúng hạn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, Hà Sỹ Côn cho biết: “Những năm qua, vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn chủ yếu được vay đầu tư các lĩnh vực phát triển thương mại - dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây ngắn ngày mang tính mùa vụ, chưa mang tính lâu dài, bền vững. Đồng bào dân tộc Dao ở Tân Cư vay vốn trồng rừng là việc làm mới, mang lại hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu là điểm sáng để nhân dân trong tỉnh mạnh dạn làm theo, khắc phục tình trạng lâu nay trồng rừng quảng canh vì không được đầu tư, từ đó góp phần khai thác lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế theo hướng bền vững”.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn sẽ trồng khoảng 32.000ha rừng sản xuất. Do đó, mô hình vay vốn ưu đãi trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững như ở Tân Cư cần được phổ biến rộng rãi để người dân trong tỉnh biết, yên tâm vay vốn trồng rừng để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp ở địa phương, góp phần tích cực giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Minh Chính

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác