Nâng cao chất lượng cuộc sống vùng cao biên giới
Xã Bản Qua, huyện Bát Xát có 18 thôn trải dài và bị chia cắt nhưng lại là xã dẫn đầu toàn tỉnh Lào Cai về nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Đến nay, dư nợ chương trình NS&VSMTNT trong xã đạt trên 3,5 tỷ đồng. Đặc biệt từ năm 2014, mức vay tăng lên 12 triệu đồng/hộ/2 công trình đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đã giúp cuộc sống của nhiều hộ dân tiện nghi hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua, Lý Khánh Lâm cho biết: “Từ khi các hộ gia đình tiếp cận vốn vay ưu đãi, vệ sinh môi trường tại địa phương được cải thiện, đến nay 90% nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% người dân được dùng nước sạch. Trước đây, mỗi buổi chiều, trong xã lại diễn ra cảnh nhà nhà, người người lục đục băng rừng để lấy một can 20 lít nước suối về sử dụng. Việc làm nương đã mệt, về muộn, cộng với đi lấy nước mất khoảng 30 phút, nên hầu hết các gia đình trong thôn phải đến hơn 9 giờ tối mới được ăn cơm. Nếu trời nắng thì nước suối còn trong, khi có mưa nước đục ngầu, nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác. Nay thì không còn chuyện đó nữa, nước máy đã về đến tận nhà. Cũng nhờ có nguồn nước sạch này mà người già, trẻ em trong thôn không bị những bệnh về tiêu hóa, đau mắt, bệnh ngoài da… như trước đây”.
Để chứng minh cho những đổi thay đó, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi vào thăm gia đình chị Hoàng Thị Nhọt ở thôn Tân Bảo. Trước đó nhiều năm gia đình chị Nhọt phải sống trong cảnh lụp xụp, tạm bợ, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. Năm 2013, được Hội Nông dân xã tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và nhà vệ sinh khép kín, gia đình chị Nhọt đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi NHCSXH cộng với vốn tự có để xây mới nhà vệ sinh và lắp đường ống dẫn nước sạch về nhà. Ngôi nhà mái bằng ngay mặt đường của gia đình chị Nhọt trở nên khang sang, sạch sẽ, mỗi lần có khách đến chơi chị không phải ngại về chuyện nhà vệ sinh đầy tế nhị nữa. Chị Nhọt chia sẻ: “Nhờ vốn vay, gia đình chúng tôi có cuộc sống tiện nghi hơn, nguồn nước hợp vệ sinh được dẫn về nhà cũng giúp các thành viên đảm bảo sức khỏe”.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH và cấp uỷ, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào DTTS thay đổi tập quán sinh hoạt, mạnh dạn vay vốn để lắp đặt đường ống đưa nước sạch về tận nhà, xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Đồng thời, thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn giám sát mục đích sử dụng nguồn vốn, tránh xâm tiêu, thất thoát. Chương trình NS&VSMTNT được giải ngân với thủ tục đơn giản, thu nợ tại ngay Điểm giao dịch các xã nên người vay dễ dàng tiếp cận và trả lãi.
Đánh giá về việc triển khai cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai, Trần Duy Đông cho biết: Đến thời điểm này, dư nợ đạt trên 131 tỷ đồng, với trên 13 nghìn hộ còn dư nợ và hàng nghìn công trình nhà vệ sinh, nước sạch được nâng cấp, xây mới đạt chuẩn quốc gia. Tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, cuộc sống thêm phần tiện nghi từ đó nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Đây là một trong những chương trình được tỉnh Lào Cai quan tâm. Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích tu sửa, cải tạo, xây mới công trình vệ sinh, nước sạch.
Mặc dù được triển khai sâu rộng và tuyên truyền đến từng hộ dân nhưng chương trình tín dụng NS&VSMTNT vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Vấn đề vệ sinh môi trường ở vùng cao luôn nhức nhối, tỷ lệ hộ DTTS vay vốn xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch lại ít khiến môi trường tại khu vực này chưa thực sự được cải thiện. Bên cạnh đó, số tiền cho vay vẫn còn thấp, để hoàn thiện công trình hầu hết các hộ dân đều phát sinh chi phí, vì vậy chỉ có các hộ không khó khăn mới có thể mạnh dạn vay vốn đầu tư. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, tín dụng chính sách cho vay chương trình tín dụng NS&VSMTNT đã và đang góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn.
Bài và ảnh Minh Thùy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cuộc sống tươi vui ở vùng kinh tế mới Tây Nguyên
- » Tăng việc làm và giảm nghèo bền vững
- » Hành trình đưa vốn chính sách đến vùng khó ở Kon Tum
- » Một vốn 4 lời
- » Vốn chính sách “khơi nguồn” nước sạch
- » Đổi thay trên vùng Đất Đỏ
- » Sử dụng vốn vay ưu đãi trồng rừng, thoát nghèo
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên quê hương Kinh Bắc
- » Đón xuân mới trong “ngôi nhà 167”
- » Niềm vui của hộ mới thoát nghèo ở vùng đất mũi Cà Mau