Hành trình đưa vốn chính sách đến vùng khó ở Kon Tum

05/01/2016
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Untitled-2

Củng cố, phát triển mạng lưới tín dụng chính sách

Kon Tum là tỉnh biên giới, có diện tích tự nhiên lớn, dân cư thưa thớt và đa phần các huyện đều có các xã đang hưởng các chính sách vùng đặc biệt khó khăn. Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Kon Tum đã triển khai 102 Điểm giao dịch tại tất cả xã, phường, thị trấn với hơn 1.600 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thời gian qua, đơn vị đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn tín dụng, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Kon Tum đạt 1.615 tỷ đồng (tăng 1.542,5 tỷ đồng so với năm 2003 và tăng 171,5 tỷ đồng (11,9%) so với năm 2014). Hàng năm, ngoài nguồn vốn từ Trung ương chuyển về, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh dành một phần ngân sách của địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay và hỗ trợ, cấp bù lãi suất cho hộ nghèo là người DTTS tại các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn của tỉnh và Đề án phát triển cao su, tiểu điền đối với hộ nghèo.

Từ hai chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay đơn vị đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng chính sách, theo dõi và quản lý trên 61 nghìn hộ vay, tương đương 52,6% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng doanh số cho vay đạt 2.975 tỷ đồng với 200 nghìn hộ được vay vốn. Cùng với đó, tổng doanh số thu nợ đạt 1.437 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng doanh số cho vay, góp phần tạo lập nguồn vốn để cho vay quay vòng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 105 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 129 nghìn lao động; gần 370 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 16 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 49 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân tại vùng nông thôn… Nhờ nguồn vốn này mà nhiều hộ DTTS đặc biệt khó khăn có thêm nguồn vốn để yên tâm đầu tư vào phát triển sản xuất; con em hộ nghèo có điều kiện nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt, từ đó có ý thức chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn và tích cực góp phần trong việc thực hiện mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Năm 2015 thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Những thành tựu đạt được trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhất việc xã hội hóa, công khai hóa hoạt động tín dụng chính sách, nhờ đó nguồn vốn được quản lý và giám sát an toàn, hiệu quả, tạo lòng tin đối với nhân dân và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể các cấp đã có tác động tích cực đến củng cố hoạt động, qua đó các cấp hội, đoàn thể có điều kiện để sinh hoạt được thường xuyên và nội dung phong phú hơn, lồng ghép triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị khác, góp phần tiết giảm chi phí xã hội.

Một trong những giải pháp mà đơn vị triển khai đạt chất lượng tín dụng ngày càng cao đó là chi nhánh thường xuyên quan tâm, chú trọng tới việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, đảm bảo sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, thực hiện theo Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT các cấp đề ra. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, lồng ghép để kịp thời phát hiện, khắc phục những sai sót, tồn tại. Củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Mặt khác, đã tích cực thu hồi nợ đến hạn, xử lý nợ quá hạn, nợ rủi ro, từ đó nợ đã giảm dần qua từng năm.

Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, NHCSXH tỉnh Kon Tum chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, đơn vị đặt mục tiêu phấn đấu đáp ứng cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao; đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt từ 10% - 15% và đưa tỷ lệ nợ quá hạn đến cuối năm 2020 xuống dưới 0,3%.

Bài và ảnh Ngọc Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác