Cuộc sống tươi vui ở vùng kinh tế mới Tây Nguyên

09/01/2016
(VBSP News) Về thôn 5, xã Hneng, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) giữa mùa thu hái cà phê, hồ tiêu, ai cũng cảm nhận được sức sống mới trên quê hương thứ hai của đồng bào miền xuôi lên cao nguyên xây dựng, phát triển kinh tế mới.
Bà Hoàng Thị Huyền ở thôn 5, xã Hneng vui mừng bên vườn cà phê chuẩn bị cho thu hoạch

Bà Hoàng Thị Huyền ở thôn 5, xã Hneng vui mừng bên vườn cà phê chuẩn bị cho thu hoạch

Trưởng thôn 5, Nguyễn Thị Hương cho biết: Hồ tiêu và cà phê là cây trồng chính của thôn có khoảng 1/3 số hộ dân trở thành triệu phú hồ tiêu, cà phê. Đạt thành tích ấy bởi thôn đã nhận được sự giúp đỡ đầu tư của nhiều chương trình dự án, trong đó đáng kể nhất là nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ kịp thời, đắc lực cho người dân phát triển sản xuất, xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Cũng theo chị Hương, thôn 5 với cái tên thường gọi là làng kinh tế mới bắt đầu khởi công xây dựng cuối năm 2007, chỉ sau thời gian ngắn đã có hơn 180 hộ dân ở các nơi từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đến ngoài Nghệ An, Thanh Hóa lên Tây Nguyên lập nghiệp. Cùng với việc chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ hỗ trợ di dân xây dựng vùng kinh tế mới theo Quyết định của Nhà nước như cấp đất thổ cư, đất canh tác, NHCSXH huyện Đắk Đoa đã chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thành lập 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở làng kinh tế mới, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tham gia sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn các hộ có nhu cầu vay vốn ưu đãi hoàn thiện thủ tục vay vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo việc làm… Đến nay, người dân ở làng kinh tế mới số 5 đã tròn 8 mùa xuân được thụ hưởng tới 8 chương trình tín dụng ưu đãi, với 6,5 tỷ đồng vay từ NHCSXH huyện Đắk Đoa.

Gia đình bà Hoàng Thị Huyền, 1 trong 28 hộ đầu tiên của huyện Nam Đàn (Nghệ An) đi xây dựng kinh tế mới ở thôn 5 đã sử dụng 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo vào việc mua cây giống, phân bón, khoan giếng lấy nước chăm sóc 9 sào cà phê. Với số tiền thu được từ trồng trọt, chăn nuôi, bà Huyền vừa hoàn trả đúng kỳ hạn nợ vay cho ngân hàng, vừa dành dụm để sau Tết Bính Thân này thực hiện kế hoạch mở đất trồng bắp lai và xây thêm chuồng trại nuôi heo nái. “Thời kỳ còn ở ngoài Bắc, kinh tế nhà tôi khó khăn, thiếu hụt quanh năm nhưng từ khi lên làng mới ở Tây Nguyên được chính quyền, hội, đoàn thể, nhất là có nguồn vốn ưu đãi đã tạo động lực rất lớn nên gia đình đã trồng được nhiều cà phê cuộc sống sung túc hẳn lên”, bà Huyền vui mừng nói.

Còn đối với vợ chồng anh Chiến, chị Hòa quê gốc ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã biết cách sử dụng vốn vay chính sách vào thâm canh vườn hồ tiêu và ruộng mía tím có thu nhập cao đủ trả nợ vay và thoát khỏi danh sách hộ nghèo vào giữa năm 2014, vừa rồi lại được Tổ tiết kiệm và vay vốn của làng kinh tế mới bình xét vay tiếp 45 triệu đồng vốn hộ mới thoát nghèo. Số tiền vay được vợ chồng tôi thống nhất đầu tư nuôi lợn thịt, thâm canh vườn hồ tiêu để tăng sản phẩm bán vào dịp Tết Nguyên Đán năm sau và có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững, làm giàu nhanh”, anh Chiến chia sẻ.

Được biết, vụ cà phê, hồ tiêu năm nay, làng kinh tế mới thôn 5 trên cao nguyên Đắk Đoa lại trúng mùa, nhiều hộ dân còn trả toàn bộ số nợ vay của ngân hàng trước kỳ hạn và phấn khởi mua sắm ti vi, sửa sang nhà ở chuẩn bị đón Xuân, ăn Tết.

Thôn 5 hôm nay đổi mới nhiều. Đồng bào nơi đây vẫn tiếp tục vay vốn, sử dụng vốn vay chính sách vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới bình yên, tươi vui.

Bài và ảnh Việt Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác