Niềm vui của người nghèo ở miền quê châu thổ sông Hồng

21/01/2016
(VBSP News) Đầu năm 1996, tỉnh Hưng Yên được tái lập từ tỉnh Hải Hưng. Gần 20 năm qua, cùng với bộn bề công việc sắp xếp xây dựng và phát triển về kinh tế - xã hội, công tác tín dụng chính sách đã được chú trọng triển khai trên địa bàn nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Những cán bộ Ngân hàng Phục vụ người nghèo tỉnh Hưng Yên trước đây, nay là NHCSXH cũng vừa trọn vẹn 2 thập niên vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bền bỉ, nhiệt huyết đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiếp tục đạt kết quả xuất sắc...
Nông dân Hưng Yên vui mừng phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi của Chính phủ

Nông dân Hưng Yên vui mừng phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi của Chính phủ

Trong niềm vui đón chào năm mới, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân cho biết, hoạt động giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có nhiều lợi thế về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nhưng cũng có những khó khăn rất đặc thù như sự phân hóa kinh tế, giàu nghèo không đồng đều, vốn đầu tư thiếu, do đó trong suốt 13 năm qua, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã chủ động đề ra và thực hiện các giải pháp phù hợp, đóng góp thiết thực vào chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Đặc biệt, thời gian gần đây, NHCSXH 8 huyện trong tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể đưa Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng và văn bản chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tạo ra bước chuyển động mới về tín dụng, phương pháp đầu tư tín dụng cho tất cả số đối tượng thụ hưởng. Cụ thể đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2015 lên trên 2.100 tỷ đồng, tập trung cho vay có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các xã, phường tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, thâm canh cây trồng, vật nuôi đặc sản, mở mang ngành nghề truyền thống.

Chúng tôi dễ nhận thấy cả vùng quê này trù phú, bát ngát với những vườn cam vàng, quýt đỏ, bưởi xanh… rộn ràng vào vụ, chăm sóc phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân. Tại xã Mễ Sở, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đông Bình hồ hởi nói: Mễ Sở tuy là nơi đất chật người đông nhưng có thành tích về gìn giữ trật tự an ninh và làm kinh tế giỏi, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và đổi mới, đồng thời rất quan tâm việc động viên nhân dân sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước vào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu thật nhanh. Theo Chủ tịch Nguyễn Đông Bình, riêng năm 2015, toàn xã Mễ Sở có hơn 100 hộ dân được vay vốn chính sách chương trình tín dụng GQVL, tín dụng dành riêng cho hộ mới thoát nghèo, nâng tổng dư nợ với NHCSXH lên trên 11 tỷ đồng. Nguồn vốn đã được bà con tập trung đầu tư vào phát triển nghề làm vườn, cây ăn quả, hoa cảnh.

Rời Mễ Sở, xe chúng tôi đi qua những khu vườn hoa quả dọc con đê sông Hồng, ngược lên xã Liên Nghĩa. Chủ tịch Hội CCB, Đỗ Đức Hoài đã tới đây từ sớm để đón tiếp đoàn. Tuy xa làng quê hơn 30 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường, nhưng ông Hoài lại am hiểu tường tận về các thôn xóm, nhất là về việc vay vốn sử dụng vốn vay chính sách của từng gia đình đầu tư vào phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Xã Liên Nghĩa khoảng 10 năm về trước tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, cây trồng năng suất thấp, bấp bênh, vườn tạp nhiều, nhưng từ khi được NHCSXH đầu tư theo dự án trọng điểm phát triển nghề vườn triền đê sông Hồng cùng với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân, diện mạo vùng quê nghèo khó khởi sắc với những vườn cây ăn quả, đặc sản trù phú, tươi xanh bốn mùa. Đến xuân này, toàn xã Liên Nghĩa đã sử dụng 16 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH, trồng được gần 900ha vườn cam, quýt, bưởi, nhãn và chuối.

Nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân các huyện ven đô Văn Giang, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên có những vườn cây cảnh mang lại thu nhập ổn định

Nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân các huyện ven đô Văn Giang, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên có những vườn cây cảnh mang lại thu nhập ổn định

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều gia đình nơi đây đã tích cực làm giàu, dựng xây cơ ngơi khang trang. Gia đình anh Nguyễn Văn Thiện ở xã Liên Nghĩa bắt đầu với 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo vào năm 2013 đã kịp thời mua cây giống, thuê nhân công gánh đất phù sa đắp lên ruộng trũng cải tạo thành vườn, ao để trồng cam vàng, bưởi hồng, doanh thu năm 2014 đạt ở mức kỷ lục 450 triệu đồng. Đây là con số mơ ước đối với người dân Hưng Yên khi tham gia dự án đầu tư vốn chính sách phát triển vườn cây ăn quả.

Những mùa xuân qua, đã có nhiều, rất nhiều nông dân ở huyện Văn Giang nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung được vay vốn chính sách thuận tiện, kịp thời và sử dụng đồng vốn vay làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả đáng mừng đó có phần chung tay góp sức của cán bộ, viên chức và người lao động  NHCSXH đã và đang tiếp tục tận tâm, đổi mới công tác, góp phần thiết thực hơn vào chương trình giảm nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi đẹp như mùa xuân.

Bài và ảnh Ngọc Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác