Sắc xuân ở vùng quê giữa Đồng Tháp Mười

29/01/2016
(VBSP News) Vào một ngày năm mới 2016, theo con sông Vàm Cỏ Đông chúng tôi đến xã Tân Lập, vốn là vùng căn cứ cách mạng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ của Khu ủy Đồng Tháp Mười, nay thuộc huyện Tân Thạnh (Long An).
Tín dụng chính sách tiếp sức cho phụ nữ nghèo ở huyện Tân Thạnh có điều kiện trồng hoa để bán trong dịp Tết Nguyên đán

Tín dụng chính sách tiếp sức cho phụ nữ nghèo ở huyện Tân Thạnh có điều kiện trồng hoa để bán trong dịp Tết Nguyên đán

Điều dễ dàng nhận thấy về sự đổi thay của làng trên, ấp dưới và từng nhà dân nơi đây đều có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ TW đến cơ sở, trong đó có sự chung tay góp sức rất hiệu quả của NHCSXH. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Đặng Thúy Lệ hồ hởi cho chúng tôi biết, nhờ các chương trình 134, 135 và nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo bước chuyển biến căn bản về bộ mặt nông thôn.

Theo năm tháng đến mùa xuân này, vùng quê cách mạng Tân Lập tươi vui, no đủ dần. Nhiều công trình thủy lợi như đê bao ngăn lũ cùng hệ thống mương máng nội đồng đã làm “nền tảng” giúp người dân yên tâm thâm canh tăng vụ hơn 2.000ha lúa thơm cao sản; cả 6 ấp, 3 làng trên địa bàn đã xóa xong cảnh nhà ở tạm bợ, dột nát, thay vào đó là những ngôi nhà ở kiên cố của 449 hộ nghèo giữa vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng chí Phó Chủ tịch xã cho biết thêm, suốt 13 mùa xuân qua, NHCSXH đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gần nhất là hộ mới thoát nghèo vay vốn để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh, chăm lo việc học hành cho con em, làm nhà tránh lũ… Bà con vùng sâu Đồng Tháp Mười này đã được vay vốn chính sách thuận lợi, nhanh chóng, từ vài ba chục triệu đồng, đến hàng trăm triệu đồng để đầu tư SXKD, vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống. Tính đến hết năm 2015, dư nợ NHCSXH đầu tư tại xã Tân Lập đạt trên 14 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn chính sách, năm 2015, diện tích gieo trồng lúa, bắp toàn xã vượt kế hoạch, đúng thời vụ. Vào mùa nước nổi, nhờ có đê bao ngăn lũ và biết cách sử dụng vốn chính sách vào cải tạo đồng ruộng, mua vật tư, giống tốt phù hợp nên các loại cây trồng đều đạt năng suất cao. Cùng với nguồn thu nhập từ ruộng đồng, chăn nuôi ở xã Tân Lập phát triển mạnh, đúng hướng. Đơn cử như ở ấp Kinh Nhà Thờ, nông dân đã sử dụng tiền vay xây dựng mô hình chăn nuôi gia đình. Hiện tại ấp có tổng đàn gia súc gia cầm lên đến 7.800 con, trong đó heo bột và vịt chạy đồng là gần 5.000 con.

Tiêu biểu có gia đình ông Huỳnh Văn Nhấn trước đây rất nghèo. Nhà có 6 sào đất ruộng nhưng ông phải đem cầm cố rồi mưu sinh bằng nghề gánh thuê, tráng bánh canh gia công. Năm 2011, được Hội Nông dân xã giúp đỡ, ông Nhấn đã vay 30 triệu đồng về nuôi 2 cặp heo nái. Sau một thời gian ngắn, nhà ông thu lãi hơn 20 triệu đồng từ heo giống. Nhân thành quả ban đầu, ông mạnh dạn vay tiếp 50 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để mở rộng cơ sở chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp. Chả mấy chốc, kinh tế gia đình khấm khá, vừa tháng trước ông hoàn trả hết trước hạn vay cho ngân hàng và còn sửa sang lại ngôi nhà cũ nát kịp đón xuân, ăn tết.

Ở xã Tân Lập có nhà chị Lê Thị Thu Hòa, nguồn vốn chính sách làm “bà đỡ’ mát tay, nên đã thoát hết cảnh nghèo khổ, gây dựng được cơ ngơi với 5 công đất trồng chanh không hạt cùng đàn vịt chạy đồng 800 con. “Đến nay, cuộc sống gia đình tôi khấm khá rồi. Trong sản xuất, người dân vùng ngập lũ thường gặp khó khăn, nhất là thiếu tiền vốn. Nhưng nhờ NHCSXH cho vay vốn kịp thời, bà con có điều kiện chủ động làm ăn, phát triển kinh tế”, chị Hòa phấn chấn nói.

Giám đốc NHCSXH huyện Tân Thạnh, Nguyễn Thành Kết cho biết, các chương trình tín dụng chính sách đã và đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo đà cho người dân vùng căn cứ cách mạng Tân Lập nói riêng, và toàn huyện Tân Thạnh nói chung phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đồng vốn chính sách được bình xét công khai, dân chủ tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn nên đã đáp ứng kịp thời, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và từng gia đình.

Cùng với đó, các cấp chính quyền, đoàn thể còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai hiệu quả Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội, thông qua những công việc cụ thể như tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, và lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến ngư để vừa đạt hiệu quả trong sản xuất, vừa tăng thu nhập để trả nợ, lãi đúng hạn cho ngân hàng. Nguồn vốn chính sách đang là động lực chính cho vùng căn cứ cách mạng Tân Lập đổi thay, tô thắm sắc xuân.

Bài và ảnh Châu Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác