Xuân ấm no của người nghèo
Đất nước đang vào xuân, chúng tôi có dịp trở lại những vùng quê yên ả, trù phú của tỉnh Nam Định để tìm hiểu về các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.Ven theo Quốc lộ 21, chúng tôi đến xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tìm gặp anh Nguyễn Văn Kham là hội viên nông dân ở xóm 16. Không hẹn mà gặp, anh Kham tiếp chúng tôi tại xưởng sản xuất của mình. Được chứng kiến cảnh sản xuất khá sôi động, tiếng máy cắt, máy tiện chạy liên tục, khiến chúng tôi không thể hình dung được chỉ vài năm trước thôi anh Kham còn là hộ nghèo của xã. Khá vui vẻ và niềm nở khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình lập nghiệp của mình. Anh Kham kể: Sinh ra và lớn lên tại vùng quê có nghề cơ khí truyền thống nên cái “máu nghề” từ lâu đã ăn sâu vào trong mình. Nhà nghèo nên không có điều kiện ăn học như các bạn cùng trang lứa ở địa phương mà vừa học hết cấp 2, anh đã phải nghỉ học để tìm việc làm thêm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Suốt hơn chục năm lăn lộn làm thuê cho các xưởng sản xuất cơ khí trong và ngoài xã anh đã học được nhiều điều, trình độ tay nghề trở nên vững vàng. Cuối năm 2010, anh quyết định ra làm riêng để thỏa sức sáng tạo và khẳng định bản thân. Ban đầu, anh nhận làm gia công các loại cửa sắt, hàng rào sắt… cho các hộ gia đình ở trong và ngoài xã. Chăm chỉ, chịu khó và cẩn thận nên các sản phẩm anh Kham làm ra luôn được khách hàng đánh giá cao về hình thức, chất lượng. Vì thế, anh làm không hết việc. Vừa làm vừa đầu tư nên uy tín, khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng đã không ngừng tăng. Tuy nhiên càng phát triển sản xuất, anh Kham càng thấy thiếu vốn. Thế rồi anh được tư vấn, hỗ trợ tìm đến NHCSXH vay vốn. Đầu năm 2013, anh được vay 100 triệu đồng chương trình GQVL. Nguồn vốn vay ưu đãi, cùng với nguồn vốn vay mượn anh em, họ hàng, anh Kham đã quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng rộng hơn 100m2, trang bị các loại máy phay, máy bào, máy tiện… để phục vụ sản xuất các loại máy chế biến nông sản cung cấp cho thị trường các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên. Nhờ tập trung đầu tư đúng hướng, cơ sở sản xuất của anh Kham luôn có đủ việc làm cho 7 lao động địa phương, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Công việc, thu nhập ổn định nên anh Kham luôn trả tiền vay ngân hàng đúng thời gian quy định… Giờ thì anh Kham đã thực sự không còn là hộ nghèo của xã. Chắc chắn tết này sẽ là cái tết no đủ và hạnh phúc nhất đối với gia đình anh.
Rời xã Xuân Kiên, chúng tôi mang theo mình cái cảm xúc lâng lâng hạnh phúc của những người nghèo đã thực sự thoát nghèo nhờ được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tiếp sức để vươn lên trong cuộc sống. Tìm đến huyện Hải Hậu - vùng đất Anh hùng và là một trong 7 huyện đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Huyện nông thôn mới” của cả nước, chúng tôi được Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phú, huyện Hải Hậu, Vũ Văn Đình dẫn tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Cúc ở đội sản xuất 14, xóm Nguyễn Vượng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đây, gia đình chị Cúc là hộ nghèo của xã, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn do không có nguồn thu, bản thân hai vợ chồng lại thường xuyên đau ốm… Đầu năm 2010 chị được vay 15 triệu đồng hộ nghèo để đầu tư xây thêm chuồng trại mở rộng chăn nuôi lợn thịt, ngan, gà… Nhờ sự nỗ lực quyết tâm của bản thân cùng sự đầu tư đúng hướng, bước đầu gia đình chị Cúc đã thu được kết quả khả quan. Thành quả ban đầu là cơ sở giúp chị Cúc càng thêm quyết tâm năm 2014 sau khi trả nợ cho ngân hàng chị lại được vay tiếp 30 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ. Vốn đã có kinh nghiệm làm ăn, lại có thêm nguồn vốn trong tay, chị Cúc tiếp tục vượt lập khu ruộng gần nhà để làm vườn và đào ao nuôi cá. Trên vườn chị trồng lạc xuân, vừng hè thu và rau củ cải đông; dưới ao chị nuôi các loại cá truyền thống. Chăm chỉ làm ăn, tập trung phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, đến nay gia đình chị Cúc đã có thu nhập ổn định hàng tháng và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với nguồn thu nhập ổn định, chị có điều kiện cho các con ăn học và thực hiện trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng thời gian quy định. Cô con gái đầu của chị Trần Thị Lệ hiện đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Sư phạm mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo TW; cậu con trai Trần Đình Chiểu là học sinh chăm ngoan, học giỏi. Chị Cúc tâm sự: Nguồn vốn vay ưu đãi thực sự đã làm thay đổi cuộc sống gia đình chị, giúp những người nghèo như chị từng bước vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội… Năm nay, tết thật sự đến sớm với gia đình chị Cúc.
Có thể nói, chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định. Hầu hết các hộ sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư vào sản xuất, có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống và có điều kiện cho các con ăn học, tiếp tục giấc mơ đèn sách. Gia đình ông Hoàng Văn Lịch ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu thuộc diện hộ khó khăn của xã. Từ trước đến nay hai vợ chồng chỉ trông vào mấy sào ruộng và đi làm thuê, công việc nay có, mai không nên thu nhập cũng “lúc nắng, lúc mưa”. Nhưng dù khó khăn đến đâu hai vợ chồng ông cũng quyết tâm phải cố gắng nuôi các con ăn học để trưởng thành, hy vọng sau này các con sẽ có việc làm để thoát khỏi cảnh đói nghèo như bố mẹ. Không phụ công bố mẹ, bốn con của gia đình ông bà luôn học tập rất chăm chỉ và ngoan ngoãn. Năm 2006 gia đình ông nhận giấy báo nhập học của cháu đầu thi đỗ vào trường Đại học Tài chính; đến năm 2008, cháu thứ hai thi đỗ vào trường Đại học Hàng Hải; rồi năm 2011, cháu thứ ba thi đỗ vào trường Đại học Tài Chính. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lịch nhớ lại: Ngày ấy, khi liên tiếp nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường đại học của các con, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì các con đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, luôn chăm chỉ, học hành và thi đỗ đạt, nhưng lo vì gia đình quá khó khăn không biết kiếm đâu ra tiền để cho các cháu nộp học phí, thuê nhà và trang trải sinh hoạt hàng tháng. Với gia đình tôi đó thực sự không phải là một số tiền nhỏ có thể dễ dàng xoay xở, nhiều đêm hai vợ chồng thao thức không ngủ được vì phải suy nghĩ kiếm tiền để chu cấp cho các con ăn học… Đang lúc gia đình lo lắng, không biết làm thế nào để có tiền cho con ăn học thì thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông được biết Chính phủ có chương trình cho vay HSSV. Ngay sau đó, ông được sự hỗ trợ, hướng dẫn cách làm thủ tục vay vốn của cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tây Cát và NHCSXH giúp đỡ, ông đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn được giải ngân cho vay kịp thời. Nhờ đó, các con của ông đã có thể yên tâm học hành thành đạt. Hiện nay, các con của ông đã học xong, đi làm và đang trả nợ ngân hàng theo đúng quy định. Ông Lịch chia sẻ: Từ trong sâu thẳm đáy lòng mình, ông và gia đình luôn biết ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách tín dụng HSSV. NHCSXH thực sự là điểm tựa vững chắc về tài chính đối với những HSSV có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông. Có lẽ chưa tết nào, vợ chồng ông Lịch vui như tết này.
Tạm biệt các gia đình mà trong tôi vẫn thầm khâm phục sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống hôm nay của những hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Dường như tết đến sớm với những hộ nghèo, gia đình khó khăn trên khắp mọi miền quê Nam Định.
Bài và ảnh Khôi Nguyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Kiến tạo sức bền cho nông thôn mới
- » TRỌN VẸN 20 MÙA XUÂN VỚI NGƯỜI NGHÈO
- » Kết hợp giải ngân vốn và hướng dẫn nông dân cách làm ăn
- » Chuẩn nghèo đa chiều sẽ hỗ trợ tốt hơn trong triển khai tín dụng ưu đãi
- » Tiết kiệm để Xuân về, Tết đến được vui hơn
- » ĐÃ THẤY XUÂN VỀ TRONG GIÓ ĐÔNG
- » Sắc xuân ở vùng quê giữa Đồng Tháp Mười
- » Tam Đảo nỗ lực giảm nghèo
- » Cuộc sống mới ở một huyện phía Đông Trường Sơn