Chuẩn nghèo đa chiều sẽ hỗ trợ tốt hơn trong triển khai tín dụng ưu đãi
Phóng viên: Trước tiên, xin ông đánh giá khái quát về vai trò của NHCSXH cũng như hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi những năm gần đây?
Trả lời: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo Đảng và Nhà nước đã đề ra 2 nhóm giải pháp cơ bản: Nhóm giải pháp về các chính sách và Nhóm giải pháp về các chương trình giảm nghèo.
Trong các hệ thống giảm nghèo thì có rất nhiều các chính sách liên quan đến tăng khả năng tiếp cận của người nghèo, các chính sách cơ bản như là: y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ sinh kế, cũng như đào tạo nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ thêm tài chính cho hộ nghèo, trong đó có NHCSXH cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.
Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 có đánh giá các chính sách tín dụng đối với người nghèo là chính sách hiệu quả nhất và góp phần tạo sự thay đổi rõ nét của hộ nghèo; thông qua vay vốn người nghèo có điều kiện được hỗ trợ sản xuất tốt hơn và nó tạo ra thu nhập và thoát khỏi tình trạng nghèo.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách tăng sự gắn kết được các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Việc tổ chức cho vay ủy thác thông qua các hội, đoàn thể cũng tạo thêm hoạt động cho các tổ chức này và gắn kết hơn hội viên với tổ chức đoàn thể.
Để tạo sự công bằng hơn trong hoàn thiện chính sách và hướng tới thoát nghèo bền vững, Chính phủ cũng đã từng bước điều chỉnh các chương trình tín dụng phù hợp hơn. Ví dụ, ngoài chính sách cho vay hộ nghèo, Chính phủ ban hành chính sách cho vay hộ cận nghèo và vừa rồi có chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo. Rõ ràng đây là các chính sách hết sức phù hợp được người dân đón nhận rất tích cực và phấn khởi. Trong những chuyến công tác tại địa phương tôi thấy rằng dù mới triển khai thực hiện, nhưng chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo đã đạt được những kết quả nhất định và các cấp địa phương đánh giá rất cao. Qua báo cáo, tôi được biết đến nay NHCSXH đã cho vay được 3.504 tỷ đồng, với trên 107 nghìn hộ mới thoát nghèo vay vốn.
Hiệu quả của tín dụng ưu đãi còn được thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống NHCSXH ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,33% trên tổng dư nợ. Điều này thể hiện nguồn vốn bỏ ra cho vay là thu hồi được. Ngoài chính sách cho vay hộ nghèo nói chung có những chương trình triển khai khá tốt như chương trình tín dụng HSSV, bước đầu bản thân tôi cũng rất băn khoăn sợ không thu hồi được nhưng vừa rồi qua báo cáo của NHCSXH và những chuyến công tác tại địa phương thì tôi thấy cơ cấu nợ đang được chuyển dịch, dư nợ đang được giảm dần; công tác thu nợ đang thực hiện tương đối tốt mặc dù sinh viên ra trường không phải ai cũng có việc làm ngay nhưng gia đình cũng cố gắng thu xếp để hoàn trả cơ bản là đúng hạn. Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở cũng bắt đầu đến thời điểm thu nợ; chương trình cho vay NS&VSMTNT đang được triển khai và thu hồi nợ rất tốt.
Phóng viên: Như vậy, có thể thấy các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai rất hiệu quả. Vừa rồi một số ĐBQH cho rằng nên chuyển dần những chính sách cho cấp phát không sang cho vay, quan điểm của ông về vấn đề này?
Trả lời: Vấn đề này Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo là chuyển dần các chính sách cho không, không gắn điều kiện sang chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện có hoàn trả. Ví dụ, cho vay hỗ trợ nhà ở cho người nghèo giai đoạn 2, trước đây chương trình này triển khai thì Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng, vay NHCSXH 8 triệu đồng. Nhưng theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định 33) về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) NHCSXH cho vay ưu đãi 25 triệu đồng, ngoài đóng góp của xã hội, gia đình phải thêm nguồn vốn đối ứng nữa để làm nhà.
Các chính sách sau này như hỗ trợ sản xuất sẽ thiết kế theo hướng: Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần về chuyển giao kỹ thuật, đầu tư hạ tầng còn vấn đề áp dụng về mô hình sản xuất thì phải thông qua cho vay lãi suất thấp mới tạo sự công bằng; nếu không chỉ có một đối tượng được hỗ trợ những đối tượng khác không được hỗ trợ và sẽ tạo ý thức ỷ lại, không vươn lên thoát nghèo.
Phóng viên: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 (Quyết định 59) về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông, chính sách này tác động thế nào đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách?
Trả lời: Nghèo là một hiện tượng đa chiều, tình trạng nghèo cần được nhìn nhận là sự thiếu hụt hay không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người. Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020: đưa ra các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Có 2 nhóm tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Nhóm thứ nhất, các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: tiếp cận dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Nhóm thứ hai: Các chỉ số đo lường: gồm 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm (1) trình độ giáo dục của người lớn; (2) tình trạng đi học của trẻ em; (3) tiếp cận các dịch vụ y tế; (4) bảo hiểm y tế; (5) chất lượng nhà ở; (6) diện tích nhà ở bình quân đầu người; (7) nguồn nước sinh hoạt; (8) loại hố xí/nhà tiêu; (9) sử dụng dịch vụ viễn thông; (10) tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Theo tiếp cận đa chiều thì hộ nghèo, là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ chuẩn nghèo chính sách trở xuống; hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu và thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Hộ cận nghèo, là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao hơn chuẩn nghèo chính sách nhưng thấp hơn chuẩn mức sống tối thiểu, và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Như vậy thì xét về nghèo đa chiều thì số hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ tăng lên.
Phóng viên: Quyết định 59 này có hiệu lực ngay từ đầu năm 2016 sẽ tác động đến tín dụng chính sách như thế nào, thưa ông?
Trả lời: Khi chuẩn nghèo tiếp cận theo đường đa chiều thì nó có lợi thế phân loại đối tượng rất rõ, rất cụ thể theo mức độ thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận các chỉ tiêu cơ bản và lúc đó không phải tất cả hộ nghèo đều có nhu cầu hỗ trợ như nhau. Và trong chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu địa phương cũng phải bóc tách đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội. Với đối tượng đã hết tuổi lao động, chưa đến tuổi lao động, đối tượng là người tàn tật… thì những đối tượng đó vẫn xác định là hộ nghèo nhưng sẽ lồng chính sách riêng để thực hiện chính sách hỗ trợ xã hội. Còn lại những đối tượng nghèo khác có khả năng lao động thì mới áp dụng chính sách hỗ trợ tạo sinh kế ngoài chính sách an sinh. Ví dụ, như đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, vay vốn tín dụng chính sách để tạo việc làm, tạo ra thu nhập thì mới thoát nghèo được.
Việc bóc tách đối tượng sẽ rất tốt cho NHCSXH trong việc xác định rõ đối tượng nào có khả năng lao động, có đủ điều kiện tham gia sản xuất có thể vay vốn thì ngân hàng thực hiện cho vay.
Phóng viên: Trong những chuyến công tác địa phương cũng có ý kiến cho rằng nên chăng phân chia mức vay theo vùng. Ví dụ, khu vực đồng bằng sông Hồng mức vay khác với khu vực miền núi phía Bắc. Xin cho biết quan điểm của ông về vấn đề này?
Trả lời: Trước khi bàn đến đề xuất này, chúng ta phải xác định các chương trình cho vay của NHCSXH là tín dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, chứ không phải tín dụng thương mại. Khi tôi đi một số địa phương điều quan trọng các chương trình tín dụng mà NHCSXH đang thực hiện được các cấp địa phương và hộ vay vốn đánh giá ưu đãi từ phía ngân hàng dành cho họ không chỉ là vấn đề ưu đãi lãi suất mà là tạo khả năng tiếp cận vốn đối với người dân.
Do đó, nếu ở những khu vực như đồng bằng sông Hồng, khả năng sử dụng vốn cao hơn, mong muốn vay nhiều hơn để phục vụ nhu cầu SXKD lớn thì người dân có tiếp cận kênh vay vốn của NHTM.
Trong tổ chức thực hiện khi triển khai tín dụng ưu đãi tôi chỉ lưu ý tới việc hỗ trợ, phối hợp của các ngành khác, chẳng hạn không nên để tín dụng đi một đằng, chuyển giao kỹ thuật đi một nẻo thì hiệu quả sẽ không cao. Đây là vấn đề mà Chính phủ cũng đang nghĩ, chắc chắn trong thời gian tới khi mà tổ chức thực hiện tín dụng chính sách thì cần phải có một sự gắn kết hơn nữa, có thể thông qua dự án SXKD. Ví dụ có Dự án phát triển sản xuất cho một nhóm hộ thì liên quan đến dự án này là phải chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, gắn với cả vốn vay và những hỗ trợ khác tạo ra được hiệu quả. Điều này chắc chắn sau này Bộ LĐTB&XH cũng có những hướng dẫn và sẽ thực hiện theo hướng đó. Phải xây dựng dự án và chúng ta sẽ phải dồn các nguồn vốn vào chung dự án: có một phần vốn ngân sách, một phần vốn vay và một phần vốn đối ứng để gắn trách nhiệm của hộ vay, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, công tác giảm nghèo thực sự là bền vững và ý nghĩa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quang Lương thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiết kiệm để Xuân về, Tết đến được vui hơn
- » ĐÃ THẤY XUÂN VỀ TRONG GIÓ ĐÔNG
- » Sắc xuân ở vùng quê giữa Đồng Tháp Mười
- » Tam Đảo nỗ lực giảm nghèo
- » Cuộc sống mới ở một huyện phía Đông Trường Sơn
- » Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng thăm và làm việc tại xã H’Ra
- » No ấm là do biết cách làm
- » Niềm vui của người nghèo ở miền quê châu thổ sông Hồng
- » “Cặp lá yêu thương” đến với huyện nghèo Ba Bể
- » Tín dụng chính sách trên quê lúa Thái Bình