20 năm NHCSXH huyện Quảng Ninh sát cánh cùng người nghèo (Bài 1: Vượt mọi thách thức)

22/07/2022
(VBSP News) Nhân lực mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, nguồn vốn ít ỏi nhưng NHCSXH huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, từng bước kiện toàn bộ máy, mạng lưới hoạt động; đưa Phòng giao dịch dần lớn mạnh và trở thành trụ cột giảm nghèo của chính quyền địa phương.
Ảnh bài 1

Dù dịch bệnh, hay mưa lũ, vốn tín dụng chính sách vẫn được NHCSXH huyện Quảng Ninh giải ngân đều đặn, kịp thời

Phát huy sức mạnh tổng hợp 

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng từng nhấn mạnh, ở đâu chính quyền địa phương quan tâm, ở đó công tác tín dụng chính sách triển khai hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mỗi cán bộ tín dụng và từng cá nhân người thụ hưởng nguồn vốn nỗ lực vươn lên.

Nhớ lại 20 năm trước (năm 2002), NHCSXH huyện Quảng Ninh được thành lập và nhận bàn giao 2 chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm với dư nợ trên 31 tỷ đồng. Thời điểm ban đầu, việc vận hành bộ máy non trẻ và triển khai một chính sách đặc thù khó khăn rất vất vả khi nhân sự chỉ có 3 người. Tuy nhiên, lòng yêu nghề, trách nhiệm với những người yếu thế đã giúp các cán bộ tín dụng NHSXH huyện Quảng Ninh cùng nhau đảm đương và từng bước kiện toàn bộ máy dưới sự chỉ đạo của NHCSXH Trung ương. Đến nay, NHSXH huyện Quảng Ninh đã có 13 cán bộ làm chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo, rèn luyện, xây dựng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa NHCSXH, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đã cùng với chính quyền giúp dân lập thân, lập nghiệp; khơi dậy ý chí thoát nghèo, vươn lên.

Đáng chú ý, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã vận dụng thành công phương thức hoạt động đặc thù để trở thành cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền và ngược lại. Với 25 thành viên tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, bao gồm: Phó Chủ tịch UBND huyện (Trưởng ban); lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc UBND huyện; 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các cán bộ tín dụng đã kết nối cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với những người khó khăn bằng phương thức: Cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã tại 100% các xã, thị trấn; xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 100% các thôn (xóm) trên địa bàn.

Sự gắn kết giữa NHCSXH huyện Quảng Ninh với hệ thống chính trị địa phương đã giúp cho nguồn vốn phát huy sức mạnh, là động lực và chỗ dựa vững chắc của người nghèo; là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo của chính quyền địa phương. Điều này có thể thấy rõ từ việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội của Huyện ủy Quảng Ninh; việc cải thiện các chính sách, công cụ để tối đa hóa nguồn vốn nhân văn của Nhà nước.

Sẵn sàng về nguồn vốn

Xác định hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; coi người yếu thế như người thân của mình, các cán bộ tín dụng chính sách NHCSXH huyện Quảng Ninh đã toàn tâm, toàn ý tập trung nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; không để bất cứ người người nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách nào phải thiếu vốn sản xuất, kinh doanh.

Với phương châm hành động trên, ngoài hơn 325,8 tỷ đồng nguồn vốn cân đối chuyển từ Trung ương, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã huy động được hơn 44,4 tỷ đồng từ tổ chức và cá nhân; huy động tiền gửi tiết kiệm đạt hơn 21,2 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn là hơn 23,1 tỷ đồng; có 100% số tổ viên vay vốn đã gửi tiền tiết kiệm. Bằng việc triển khai huy động nguồn vốn tiết kiệm từ cộng đồng người nghèo và người thu nhập thấp, với số tiền rất nhỏ đã góp phần chuyển biến nhận thức, suy nghĩ và cách thức tiết kiệm cho hộ nghèo, giúp người nghèo tự tin và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước quen dần với hoạt động tài chính ngân hàng. 

Đặc biệt, đến hết tháng 5/2022, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Quảng Bình và ngân sách huyện Quảng Ninh chuyển sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hơn 13,1 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh hơn 7,9 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 5,1 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 3,3% tổng nguồn vốn. Kết quả của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã đưa tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Quảng Ninh đến 31/5/2022 đạt hơn 383,3 tỷ đồng; tăng gấp 13,5 lần so với năm 2003.

Nguồn vốn đã phủ sóng đến 100% hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách có nhu cầu với 13 chương trình tín dụng (tăng thêm 11 chương trình mới so với ngày đầu thành lập). Đến 31/5/2022, tổng dư nợ đạt hơn 383,3 tỷ đồng, trên 7.580 hộ đang vay vốn (dư nợ bình quân trên 51 triệu đồng/hộ), tăng hơn 354,9 tỷ đồng (gấp 13,5 lần) so với năm 2003.

Nguồn vốn phục vụ nhu cầu SXKD, tạo sinh kế và việc làm cho bà con thông qua các chương trình: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm… với dư nợ đạt hơn 251,3 tỷ đồng, chiếm 65.5% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, nguồn vốn còn phục vụ đời sống, sinh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế như chương trình: Cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay NS&CSMTNT, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội… với dư nợ đạt hơn 131,9 tỷ đồng, chiếm 34,5% tổng dư nợ. 

Bài và ảnh Tuấn Ngọc - Thái Bình

Các tin bài khác