20 năm NHCSXH huyện Quảng Ninh sát cánh cùng người nghèo (Bài 2: Nhân lên sức mạnh đồng vốn vi mô)

22/07/2022
(VBSP News) Ngay từ khi ra đời, tín dụng chính sách đã chứng tỏ tính nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là chính quyền các cấp, trong đó, có cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), các chương trình đã một lần nữa nhân lên vạn lần sức mạnh, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội và trở thành công cụ đắc lực trong giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
Ảnh bài 2

Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh vươn lên thoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

Cộng hưởng sức mạnh 

Khẳng định vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Quảng Ninh Trần Quốc Tuấn cho biết: Sức mạnh của nguồn vốn không nằm ở mức 5 triệu hay 50 triệu đồng, mà nằm ở sự phù hợp, linh hoạt của từng chương trình; sự quyết tâm của người chuyển vốn, nghị lực của người sử dụng và sự kết hợp, lồng ghép nguồn vốn với các chính sách hỗ trợ khác.

Bởi thế, cùng với việc nâng cao nhận thức, tính chủ động của người dân trong công tác giảm nghèo, huyện Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng về đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; gắn chương trình mục tiêu giảm nghèo với giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo đặc thù với những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân. Huyện đã tập trung tạo điều kiện để gia đình thuộc diện hộ nghèo có vốn sản xuất. Theo đó, các thủ tục vay vốn được NHCSXH huyện niêm yết công khai, minh bạch theo hướng đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn. Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hàng nghìn lượt hộ dân trên địa bàn huyện đã có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ngoài ra, trên cơ sở nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn các chương trình, huyện Quảng Ninh đã phân bổ vào những công trình phục vụ lợi ích thiết thực của người dân, như: đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương, trường học và nhiều công trình phúc lợi khác…

Đơn cử tại xã Trường Sơn - xã miền núi có đông đồng bào DTTS sinh sống, với 19 thôn, bản nằm rải rác; đời sống người dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, được sự trợ lực từ các chương trình tín dụng ưu đãi, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện, xã Trường Sơn đã tập trung triển khai và nhân rộng những mô hình giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mô hình chăn nuôi nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định. 

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh từ 47,6% (năm 2019) xuống còn 38,3% (năm 2021). Xã có 2 thôn Long Sơn, Liên Xuân đạt bộ tiêu chí nông thôn mới đối với thôn, bản khó khăn; đồng thời, khu tái định cư bản Sắt được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện cho người dân địa phương yên tâm phát triển sản xuất.

Tác động sâu rộng tới các đối tượng chính sách 

Qua 20 năm thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; góp phần thay đổi toàn bộ diện mạo và đời sống người dân trên địa bàn huyện.

Các chương trình tín dụng do NHCSXH huyện thực hiện đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên cải thiện cuộc sống, giảm nghèo, thực hiện công bằng trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Nguồn vốn tín dụng được ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục đào tạo, chú trọng đầu tư vốn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, bảo đảm an toàn và trật tự xã hội tại địa phương. 

Qua đó, giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống; thu hút tạo việc làm cho trên 2.000 lao động; hỗ trợ 10.226 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.971 công trình NS&VSMTNT nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây dựng được 998 căn nhà (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); 69 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP…

“Bộ mặt nông thôn, miền núi đã có nhiều thay đổi, một bộ phận hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp dần dần xóa bỏ mặc cảm tự ti, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, tự mình xóa đói giảm nghèo. Đó là lợi ích xã hội lớn nhất do các chương trình tín dụng ưu đãi này đạt được trong những năm qua” - Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh Trần Quốc Tuấn khẳng định.

Bài và ảnh Tuấn Ngọc - Thái Bình

Các tin bài khác