20 năm NHCSXH huyện Quảng Ninh sát cánh cùng người nghèo (Bài cuối: Cùng chính quyền giảm nghèo bền vững)
Đột phá “lõi nghèo” Vân Kiều
Đến xã Trường Xuân và Trường Sơn - nơi có đông đồng bào Vân Kiều sinh sống mới thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm của người dân và sự quyết liệt của hệ thống chính trị trong giảm nghèo. Từ tập quán canh tác lạc hậu “phát, đốt, cốt, trỉa”, sản xuất tự cung tự cấp, đến nay, bà con Vân Kiều ở 2 xã Trường Sơn, Trường Xuân đã biết sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để thâm canh trồng lúa nước, kết hợp làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; nhận đất rừng để cải tạo vườn đồi, trồng rừng phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình phát triển tổng hợp…
Điển hình như gia đình anh Hồ Nam - hộ gia đình SXKD giỏi của xã Trường Sơn. Anh Hồ Nam sinh năm 1980, người dân tộc Vân Kiều, ở bản Khe Ngang. Trước đây, gia đình anh thuộc diện cận nghèo của xã, cuộc sống lúc đó chỉ biết vào rừng đốn gỗ, săn thú. Từ năm 2015, biết không thể dựa mãi vào rừng để sống, hai vợ chồng bàn nhau chuyển qua trồng trọt, chăn nuôi và lên hỏi chính quyền địa phương cách thức vay vốn để tạo sinh kế.
“Với 30 triệu đồng vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp trồng cao su và nuôi bê” - anh Nam bắt đầu câu chuyện. Sau 7 năm trồng trọt, chăn nuôi, hiện nay, 12ha cây cao su của gia đình anh Nam đã cho mủ, hàng ngày, hai vợ chồng vào vườn để cạo mủ cao su mang đi bán. Kết hợp thêm chăn nuôi, từ 2 con bê ban đầu, đến nay, gia đình anh có 11 con bò và 25 con lợn. Mỗi năm, gia đình anh Nam thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2021, gia đình anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen nông dân SXKD giỏi.
Cũng là người dân tộc Vân Kiều như anh Hồ Nam, anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân từng vào Nam ra Bắc để làm công nhân nhưng cuộc sống vẫn khó khăn vì trình độ học vấn thấp, chỉ làm các công việc nặng nhọc. Năm 2010, anh Minh trở về quê và bắt đầu khởi nghiệp với số vốn 400 nghìn đồng để trồng cây keo trên khu đất 10ha của ba mẹ. Thời gian sau, anh Minh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện Quảng Ninh. Anh mua 10 con trâu cái để phát triển đàn; rồi từ tiền bán trâu, anh Minh đào ao thả cá, nuôi thêm dê… Hiện nay, thu nhập của gia đình đạt 200 triệu đồng/năm. Anh Minh đã xây dựng một ngôi nhà khang trang và 1 quán tạp hóa để vợ anh bán hàng. Người dân trong bản ai muốn nuôi trâu, dê, cá đều được anh Minh hướng dẫn tận tình.
Lan tỏa ý chí thoát nghèo
Những tấm gương đồng bào Vân Kiều làm kinh tế giỏi đã tác động mạnh mẽ đến các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn huyện Quảng Ninh, lan tỏa sâu rộng đến các thôn, bản, tạo khí thế thi đua vươn lên, làm chủ cuộc sống, làm giàu cho bản thân và quê hương trong cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh.
Đơn cử như gia đình bà Vũ Minh Hường ở thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh là một ví dụ. Bà Hường cho biết, môi trường ở Duy Ninh khắc nghiệt lắm, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. Cuộc sống người dân trong xã lại chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng hạn hẹp. Khó khăn trăm bề! Thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông chờ vào trồng lúa. Qua tham gia sinh hoạt tại thôn, được tuyên truyền về chủ trương chính sách của Nhà nước, về chính sách tín dụng ưu đãi và sự giới thiệu của Hội đoàn thể xã, bà Hường đã tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, được NHCSXH huyện cho vay để chuyển đổi 1,5ha sang nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại tập trung trồng dừa Xiêm, ổi, xoài, bưởi da xanh và cây ăn quả khác, bảo đảm thu nhập thường xuyên. Ngoài ra, bà Hường mạnh dạn đầu tư thêm một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại cho gia đình khoản lãi trên 300 triệu đồng/năm.
Ngoài việc được vay vốn để SXKD, NHCSXH huyện Quảng Ninh còn tạo điều kiện cho gia đình bà Hường vay 15 triệu đồng xây nhà chống lũ, 12 triệu đồng nguồn vốn NS&VSMTNT và 15 triệu đồng vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn cho con còn đang theo học đại học. “Gia đình tôi luôn ghi nhận và biết ơn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và NHCSXH huyện đã hướng dẫn, tạo điều kiện giúp chúng tôi thoát đói nghèo. Chúng tôi luôn tâm niệm, phải cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa để không phụ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cán bộ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con, giúp bà con phát triển”, bà Hường tâm sự.
Ông Phạm Văn Hiếu ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh bao nhiêu năm vất vả, xoay xở đủ đường nhưng cái nghèo luôn bủa vây gia đình. Chỉ đến khi người vợ tham gia Hội Phụ nữ xã, hai vợ chồng ông Hiếu mới bắt đầu ý thức được việc thoát nghèo không chỉ dựa vào sự chăm chỉ mà cần phải có vốn, có kiến thức. Năm 2019, được sự dẫn dắt, động viên của Hội Phụ nữ xã Xuân Ninh và sự hỗ trợ vốn của NHCSXH huyện, gia đình ông Hiếu được vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo để xây chuồng trại và chăn nuôi bò sinh sản và 20 triệu đồng chương trình NS&VSMTNT để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Thoát nghèo là cái mừng. Nhưng để không tái nghèo, chúng tôi vẫn cần sự giúp đỡ từ chính quyền và đặc biệt là NHCSXH. Bởi thế, chúng tôi một lần nữa lại mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh. Chúng tôi tin tưởng, con đường phía trước sẽ ngày càng tươi sáng hơn”, ông Phạm Văn Hiếu quả quyết.
Bài và ảnh Tuấn Ngọc - Thái Bình
Các tin bài khác
- » 20 năm NHCSXH huyện Quảng Ninh sát cánh cùng người nghèo (Bài 2: Nhân lên sức mạnh đồng vốn vi mô)
- » 20 năm NHCSXH huyện Quảng Ninh sát cánh cùng người nghèo (Bài 1: Vượt mọi thách thức)
- » Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách nơi mảnh đất nghèo miền Trung
- » Chặng đường 20 năm giúp dân thoát nghèo tại huyện Hương Sơn
- » Phát huy vai trò của NHCSXH trong cung cấp tín dụng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp
- » Mạch nguồn tín dụng thoát nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải
- » Hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở huyện Tháp Mười
- » Hành trình 20 năm đồng hành cùng người nghèo TP Hồng Ngự
- » Tín dụng chính sách 20 năm đồng hành cùng người nghèo Cao Lãnh (THĐT - 20.7.2022)
- » Tập huấn triển khai ứng dụng Mobile Banking