Xuân tươi vui khắp miền quê Hưng Yên trù phú

09/02/2019
(VBSP News) Vào một ngày đầu xuân năm mới, về làm việc tại tỉnh Hưng Yên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Đỗ Tiến Sỹ đều có chung một nhận xét, đánh giá cao sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong 16 năm qua đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong cả nước, trong đó có tỉnh Hưng Yên. Đây chính là động lực quan trọng, trực tiếp cho địa phương khai thác tiềm năng của một vùng trọng tâm tam giác kinh tế đồng bằng Bắc Bộ, trong đó đạt kết quả rõ nét là thúc đẩy sản xuất, chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, nâng cao đời sống của nông dân, góp phần thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH tỉnh Hưng Yên cho vay đúng đối tượng.

Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH tỉnh Hưng Yên cho vay đúng đối tượng

Đến đầu mùa xuân Kỷ Hợi 2019, NHCSXH tỉnh đang cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ là 2.512 tỷ đồng, 81.662 hộ còn dư nợ.

Nguồn vốn ưu đãi bấy lâu nay được chuyển tải nhanh chóng đến đúng địa chỉ người dân nghèo khắp miền quê tả ngạn sông Hồng và đã được họ sử dụng hiệu quả vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình trang trại kinh tế, mở mang ngành nghề, tạo việc làm trong nước, ngoài nước, sửa chữa nhà ở, cải tạo công trình cung cấp nước sạch…

Cùng sự phấn đấu nỗ lực của các cấp ngành và nhân dân, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã góp phần chuyển đổi gần 900ha đất trồng lúa hiệu quả thấp ở các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Yên Mỹ sang trồng cây hàng hóa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, nâng giá trị mỗi ha đạt trên 162 triệu đồng/năm.

Trên vùng đất bãi sông Hồng, sông Luộc, đồng vốn ưu đãi đã tiếp sức, truyền lực để hàng nghìn hộ nông dân siêng năng, say sưa thâm canh sản xuất, triển khai nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGap, phát triển thêm giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao như lúa lai, nhãn đầu dòng, bưởi Hoàng Trạch và xây dựng được nhãn hiệu cho các sản phẩm nổi tiếng gồm nhãn lồng Hưng Yên, quất cảnh Văn Giang, vải thiều chín sớm Phù Cừ, chuối tiêu hồng Kim Động, gà Đông Tảo Khoái Châu, mật ong hoa nhãn Tiên Lữ, tương bần Mỹ Hào, làng trăm nghề huyện Văn Lâm.

Hơn nữa, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, liên tục những năm qua, NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã kịp thời đầu tư, ưu tiên đầu tư “phủ sóng” vốn tín dụng ưu đãi đến các xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay có 87/145 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn hơn 35 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nguồn vốn ưu đãi cũng tạo đà thúc đẩy Hưng Yên phấn đấu đến năm 2020 về đích “tỉnh nông thôn mới”.

Từ hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mảnh đất Hưng Yên trù phú và giàu truyền thống đã đổi thay không ngừng, đang có “tiếng lành” vang xa khắp đất nước, để đến ngày tiết xuân ấm áp đầu năm Kỷ Hợi chúng tôi được sự hướng dẫn trực tiếp của Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thị Xuân tới thăm mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Quảng Châu, TP. Hưng Yên đảm bảo quy trình sản xuất hàng hóa với sản phẩm sạch, an toàn. Chủ tịch UBND xã Phan Văn Tam cho biết, 10 năm qua xã đã tổ chức dồn điền đổi thửa, vận động nhân dân vay vốn ưu đãi, tập trung vốn vay, công sức chuyển đổi đất trồng màu hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả. Đến nay, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được vay vốn ưu đãi, gần 18 tỷ đồng đầu tư trồng 180ha cam Vinh, cam canh, cam chín muộn, sản xuất theo chuẩn VietGap. Cùng với nhãn lồng, táo thiện phiến, cam là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, mang lại cho nông dân hiệu quả cao về kinh tế, hàng năm mỗi héc - ta cho lãi hơn 400 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Còn theo hộ trồng cam Vũ Văn Toản ở xóm Cao Xá, xã Quảng Châu, hiện gia đình có 1.500 cây cam các loại. Những ngày Tết Nguyên đán này, vườn cam đã cho gia đình anh thu ngót 600 triệu đồng để dư dật tiền nong trả nợ trước thời hạn cho ngân hàng và tiếp tục thực hiện kế hoạch nâng diện tích cây ăn quả.

 Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân Hưng Yên đã phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái

Từ nguồn vốn ưu đãi, nông dân Hưng Yên đã phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái

Rời xã Quảng Châu sang huyện Khoái Châu, nơi có diện tích canh tác lớn nhất tỉnh và nhiều nông dân tiêu biểu sử dụng vốn vay ưu đãi chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chúng tôi trò chuyện với anh Phạm Năng Thành, hộ đi đầu đưa cây chuối tiêu hồng về vùng đất bãi ven sông Hồng và có nhiều diện tích trồng nghệ ở xã Chí Tân, anh Thành cho biết, nhờ 2 lần vay vốn của NHCSXH huyện, gia đình đã chủ động cải tạo cả khu đất sình lầy, trồng 15ha chuối tiêu hồng theo quy trình VietGap và mở 4 cơ sở chiết xuất tinh bột nghệ, mỗi năm làm ra gần 20 tấn bột nghệ thành phẩm, từ đó không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động trong thôn, xóm.

Tương tự, việc sử dụng vốn vay ưu đãi vào trồng dưa vàng thơm trên diện tích 30 mẫu tại xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi đã giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, mở ra hướng sản xuất an toàn theo chuỗi sản phẩm. Gia đình anh Đỗ Văn Chuyên ở xã Trai Trang đã sử dụng 100 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Yên Mỹ mở trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín. Anh Chuyên chia sẻ, vay vốn ưu đãi rất thuận lợi, kịp thời, kích thích người vay lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, hiệu quả. Nhờ nguồn vốn vay, vợ chồng tôi đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi khép kín từ chăn nuôi đến, chế biến, tiêu thụ, do đó giúp người sản xuất kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, phát hiện, loại bỏ kịp thời các nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Trong chuỗi sản phẩm, cũng như giảm khâu trung gian cung ứng trực tiếp thành phẩm cung ứng cho cửa hàng thực phẩm sạch và người tiêu dùng giá bán ổn định. Sản phẩm thực phẩm của trại chăn nuôi khép kín đạt chất lượng, có uy tín, được khách hàng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hộ gia đình.

Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi đối với chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định ở Hưng Yên. Từ nguồn vốn ưu đãi, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Nhiều khu vực trang trại, hộ sản xuất có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng. Từ đó, đời sống nông dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn khoảng 3%.

Đón chào xuân mới trong tiết trời giao hòa ấm áp, NHCSXH tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, hiệu quả vững chắc, tập trung huy động nguồn lực, tăng trưởng dư nợ, thực hiện cho vay đúng đối tượng, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm để lúa ngô trên đồng xanh ngắt, hoa quả trong vườn vàng rực, cùng niềm vui rộn ràng khắp miền quê Hưng Yên trù phú, giàu truyền thống.

Bài và ảnh Đông Dư - Quốc Việt

Các tin bài khác