Khi chính sách đi vào cuộc sống ở quê hương Đồng Tháp Mười

07/02/2019
(VBSP News) Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Gia đình anh Mai Văn Nhàn ở khóm Tân Hiệp, TP Sa Đéc vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn địa phương cải tạo lại vườn hoa cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán

Gia đình anh Mai Văn Nhàn ở khóm Tân Hiệp, TP Sa Đéc vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn địa phương cải tạo lại vườn hoa cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động của NHCSXH. Đến nay, đã có 144 Chủ tịch UBND xã tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện (đạt tỷ lệ 100%). Với sự tham gia trực tiếp của người đứng đầu cơ sở, việc chỉ đạo, quản lý, công tác kiểm tra giám sát các chương trình tín dụng chính sách được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 đã huy động được sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý, đôn đốc và kiểm tra các hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tăng trưởng dư nợ, nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đạt 3.088 tỷ đồng, tăng 955 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40 với 160.300 khách hàng đang còn dư nợ của 12 chương trình tín dụng đang được chi nhánh triển khai thực hiện, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,29%/tổng dư nợ, đây quả là một con số đáng tự hào cho những người làm tín dụng chính sách trên địa bàn một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đồng Tháp.

Thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt gần 313 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 273 tỷ đồng, ngân sách các huyện gần 40 tỷ đồng, trong đó có một số thị xã, huyện có nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH cao như huyện Lấp Vò, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, TX Hồng Ngự, Châu Thành.

Gia đình ông Nguyễn Thụy Bình ở ấp An Hòa, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò là một trong những hộ có sự chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo lời ông Nguyễn Thụy Bình, trước đây gia đình rất khó khăn. Năm 2015, ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, sau khi được tập huấn chuyển giao KHKT nuôi bò của Phòng Nông nghiệp huyện. Với số tiền này, ông đã đầu tư mua 4 con bò giống sinh sản. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào ở khu vực nông thôn, cũng như tích cực chăm sóc, đàn bò của gia đình ông phát triển tốt. Đến nay, trong chuồng bò của gia đình ông luôn duy trì từ 8 - 12 con bò. Trong đó có 5 con bò trong giai đoạn sinh sản. Mỗi năm, ông bán 2 - 4 con, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, nhờ trang trại của gia đình, ông đã tạo việc làm cho một người con và còn thuê thêm một lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức lương chi trả 3 triệu đồng/người/tháng.

Giám đốc NHCSXH huyện Lấp Vò, Phùng Thanh Vinh Quang khẳng định: “Sau khi thực hiện Chỉ thị số 40, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu bình xét, cho vay, sử dụng vốn, thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt… Không những thế, sự phối hợp chính quyền xã, các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện chặt chẽ hơn. Đặc biệt là việc đưa Chủ tịch UBND xã tham gia là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Điều này không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp NHCSXH “cập nhật” những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.

NHCSXH tỉnh Đồng Tháp giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH tỉnh Đồng Tháp giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã

Còn tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò sau khi thực hiện Chỉ thị số 40, xã không còn nợ quá hạn và điều kiện kinh tế của các hộ nằm trong diện được vay vốn ưu đãi cũng từng bước được cải thiện, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Ông Mai Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Định Yên cho hay: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã (xét theo tiêu chí mới) giảm còn 2,2%. Toàn xã có gần 100 hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH, với dư nợ hơn 3,4 tỷ đồng”.

Theo ông Mai Văn Lập, để có được kết quả này, công tác kiểm tra, giám sát, cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức nhận ủy thác được địa phương chú trọng. Đi đôi với đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao tiến bộ KHKT để người dân phát huy hiệu quả các dự án khi đầu tư vốn. Trong đó, xã ưu tiên quan tâm đến những ấp còn nhiều hộ nghèo, nhằm hướng dẫn, tuyên truyền bà con sử dụng vốn đúng mục đích, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn xã không có nợ quá hạn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp, Lại Văn Bé Chín cho biết: “Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, chúng tôi đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, các Ban, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản, kế hoạch… nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40. Tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, NHCSXH tham mưu giúp huyện ủy, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức triển khai tới từng đơn vị. Về phần mình, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động nghiên cứu, học tập, nắm bắt nội dung của Chỉ thị số 40 để làm công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện gắn với nội dung công việc cụ thể. Chỉ đạo cán bộ tín dụng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 40 tại địa bàn mình phụ trách và tham mưu giúp cấp ủy địa phương triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất; coi việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động mỗi đơn vị trực thuộc”.

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách luôn tăng theo từng năm. Hằng tháng, vào ngày giao dịch tại xã, Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia họp giao ban, từ đó, quán triệt, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, chú trọng khâu giám sát, kiểm tra hướng dẫn bà con sử dụng vốn hiệu quả, ông Lại Văn Bé Chín cho biết thêm.

Lê Hồng Cúc

Các tin bài khác