Tín dụng chính sách ở vùng đất mỏ Quảng Ninh

06/02/2019
(VBSP News) Triển khai thực hiện tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, những năm qua đã có hàng chục nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đây, tạo động lực, khuyến khích các hộ nghèo chủ động phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
NHCSXH TX Quảng Yên đang giao dịch với bà con tại xã Tiền An

NHCSXH TX Quảng Yên đang giao dịch với bà con tại xã Tiền An

Để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, NHCSXH từ tỉnh đến các huyện đã phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và các tổ, nhóm giao dịch tại cơ sở trong hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn. Một trong những tổ chức hội thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo phải kể đến các cấp Hội Phụ nữ.

Ở thôn Hà Tràng Đông, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên có gia đình chị Lương Thị Hương được biết đến là gương sáng vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Chị Hương đã được Hội Phụ nữ xã tín chấp với NHCSXH huyện vay 50 triệu đồng hộ nghèo để phát triển, mở rộng mô hình trồng cam, bưởi kết hợp chăn nuôi ngan, gà vịt hiệu quả. Cùng với gia đình chị Hương còn có 4 hội viên phụ nữ trong xã đã viết đơn tự nguyện thoát nghèo trong năm nay nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.

Hay như gia đình chị Hoàng Thị Dung ở thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, từ một hộ nghèo phải lo ăn từng bữa, đến nay gia đình chị đã vươn lên làm giàu, xây được nhà cửa khang trang. Chị Dung chia sẻ: Năm 2013, với sự giúp đỡ, định hướng của Hội Phụ nữ xã, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi diện tích đất ruộng và vườn tạp sang trồng 100 gốc cam. Qua các năm, vườn cây phát triển tốt và liên tục mở rộng, đến nay có trên 500 cây cam đường canh cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ số tiền này, gia đình tôi đã trả được vốn vay NHCSXH đúng kỳ hạn và tiếp tục đầu tư cho vụ tới và tăng thêm diện tích cây trồng.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể triển khai và quản lý hiệu quả 16 chương trình tín dụng trong tổng số 18 chương trình tín dụng đang triển khai thực hiện tại Quảng Ninh. Đến hết năm 2018 tổng dư nợ đạt 2.729 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể quản lý là 2.679 tỷ đồng cho 71.011 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay. Trong năm 2018, nguồn vốn ưu đãi đã giúp 4.327 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm trên 7.000 lao động; 107 HSSV vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng hơn 13.100 công trình cung cấp NS&VSMTNT,…

Chị Lương Thị Hương vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình

Chị Lương Thị Hương vay vốn chính sách phát triển kinh tế gia đình

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, các hội, đoàn thể còn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm tạo ý thức cho hội viên tiết kiệm, làm quen với các dịch vụ tài chính, từ đó tạo thêm những vốn tự có để tái đầu tư SXKD. Đến cuối năm 2018, đã có 67.684 thành viên tại 2.336/2.338 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện gửi tiền tiết kiệm với tổng số tiền 199,2 tỷ đồng, tăng 24,1 tỷ đồng so với đầu năm.

Không chỉ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng theo các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo sớm hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, các hộ dân còn được vay vốn ưu đãi theo chương trình tín dụng NS&VSMTNT. Qua đây, đã giúp rất nhiều hộ dân có nguồn vốn để cải tạo hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh khép kín… góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Nguyễn Dung

Các tin bài khác