Người nghèo có thể ấm no trên “cánh đồng hội nhập”?

02/02/2019
(VBSP News) Tín dụng chính sách hiện là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Nhờ nguồn vốn này, hàng triệu hộ dân đã thoát nghèo và không ít người trở thành doanh nhân thành đạt. Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, một câu hỏi đặt ra là: Liệu tín dụng chính sách có thể giúp những đối tượng dễ tổn thương này thích ứng với biến động của thị trường và ấm no trên “cánh đồng hội nhập” hay không?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sĩ Lợi: Hoàn toàn có thể!

nguoi-ngheo-co-the-am-no-1

Ngay từ khi thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, Đảng, Nhà nước đã xác định, tín dụng chính sách giúp người nghèo, nhất là đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững là sự cần thiết và có ý nghĩa quyết định. Do đó, tín dụng chính sách hoàn toàn có thể giúp các đối tượng này thích ứng với hội nhập hoặc giảm thiểu những tác động không mong muốn từ hội nhập. Tôi khẳng định như vậy bởi để giảm nghèo nhanh và bền vững cần có 2 yếu tố cơ bản: Nguồn nhân lực và nguồn vốn. Trong đó, ưu tiên quan trọng nhất vẫn là tín dụng để tạo sinh kế, phát triển SXKD.

Hội nhập sẽ mang đến cho chúng ta rất nhiều thách thức nhưng không có nghĩa, nó sẽ làm cho người ta nghèo đói hơn. Song, để người yếu thế vượt qua thách thức của hội nhập, Chính phủ cần bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho tất cả các hộ nghèo có nhu cầu; ưu tiên vốn cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng DTTS, địa bàn thường xuyên bị thiên tai, hạn hán, nhất là các vùng lõi nghèo; tùy theo mức độ khó khăn khác nhau, nên có mức lãi suất khác nhau giữa các địa bàn nhưng bình quân lãi suất không đổi. Đặc biệt, phải tăng cường hiệu quả phối hợp giữa đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, làm sao, nông phẩm của bà con đồng bào DTTS phải trở thành hàng hóa, khắc phục cho được tình trạng sản xuất tự cung, tự cấp.

Bên cạnh đó, việc tăng nguồn vốn tín dụng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững là cần thiết và cũng là nhu cầu khách quan khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, cần tiếp tục tái cơ cấu lại mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay theo điều kiện cụ thể để phát huy hiệu quả của vốn vay và tính chủ động, sáng tạo của người vay. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, việc thiết kế các chính sách tín dụng phải gắn với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, nhằm nâng cao trách nhiệm, khắc phục tư tưởng ỷ lại và trông chờ của hộ nghèo!

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Nguyễn Lâm Thành: Hội nhập đòi hỏi những điều chỉnh phù hợp

nguoi-ngheo-co-the-am-no-2

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, tín dụng chính sách đang trở thành một kênh hỗ trợ quan trọng cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Một mặt, nó giúp người dân có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất; chuyển từ tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất quy mô lớn hơn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Mặt khác, tạo thành lưới đỡ khi phát sinh rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, yếu tố thị trường cũng như rủi ro cá nhân trong đời sống mà không phải chịu sức ép của cho vay thương mại lãi suất cao, đặc biệt là “tín dụng đen”. Chính sách tín dụng ngày càng hoàn thiện theo hướng từ cho không sang cho vay có điều kiện, đã giúp người dân làm quen với cơ chế thị trường; làm ăn có tính toán và từ bỏ dần nếp nghĩ giản đơn trong sản xuất, chi tiêu gia đình; thúc đẩy sự nỗ lực, sáng tạo vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tuy nhiên, hội nhập không cho phép chúng ta chủ quan cũng như thỏa mãn với những gì đã đạt được. Hội nhập sẽ buộc những mảng tối, yếu kém phải bộc lộ và đó là cơ hội để chúng ta tự điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Đối với chính sách tín dụng cũng vậy. Chúng ta cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chính sách giảm nghèo hiện hành. Trên cơ sở đó, xác định chính sách nào cần tiếp tục thực hiện; chính sách nào cần sửa đổi, bổ sung và chính sách nào nên kết thúc theo hướng gọn chính sách, gọn đầu mối quản lý. Chẳng hạn như, đánh giá mức độ phù hợp về mục đích, định mức, cơ chế lãi suất ưu đãi… của các chính sách tín dụng ưu đãi hiện tại, có biện pháp điều chỉnh phù hợp với tiêu chí nghèo đa chiều; hoàn thiện cơ chế tạo lập nguồn vốn, cơ chế tài chính, tín dụng của NHCSXH theo hướng ổn định và bền vững; bảo đảm chi phí và gắn trách nhiệm quản lý, thực hiện nghĩa vụ vay, hoàn trả nợ; hoàn thiện chính sách cho vay, thời điểm vay, định mức và lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS, vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong quyết định ngân sách hằng năm, cần giao trực tiếp, tăng vốn và linh hoạt vốn cho NHCSXH. Nên quy định một tỷ lệ nhất định từ nguồn vượt thu ngân sách TW hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Bố trí cấp bổ sung vốn thực hiện các chương trình do ngân sách Nhà nước cấp, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo mục tiêu đề ra của chương trình. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp, ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng: Mỗi đồng vốn đều chứa đựng giá trị nhân văn!

nguoi-ngheo-co-the-am-no-3

NHCSXH hoạt động đã được 16 năm, cũng là chừng ấy thời gian tôi gắn bó với ngân hàng đặc biệt này. Vì thế, tôi hiểu rõ giá trị nhân văn và sức mạnh tiềm tàng đằng sau mỗi đồng vốn ưu đãi. Các khoản vay dù chỉ là 5, 10 hay 50 triệu đồng đã mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho rất nhiều người. Nhiều học sinh nghèo, nhờ nguồn vốn vay HSSV mà trở thành nhà giáo, bác sỹ, kỹ sư, doanh nhân, công nhân… Nhiều người “đi làm thuê về làm chủ” nhờ vốn vay xuất khẩu lao động. Hàng triệu người thoát nghèo và không ít trong số đó vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú đã quay lại giúp đỡ người nghèo hơn mình nhờ “thấu cái nhân văn” mà chính sách tín dụng ưu đãi mang lại cho mình. Tôi nghĩ đây là những nền tảng cơ bản giúp họ tự tin trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào kể cả hội nhập.

Cũng chính bởi ý nghĩa đó, mà từ 3 chương trình tín dụng bàn giao (năm 2002) đến nay NHCSXH đang thực hiện 22 chương trình tín dụng chính sách cùng một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức trong, ngoài nước ủy thác sang. Chúng tôi cũng đã thiết lập được mạng lưới hoạt động sâu, rộng tới tận thôn, bản với mô hình tổ chức quản lý đặc thù, như một nhà báo từng nói: “tín dụng chính sách thực sự là cầu nối giữa Dân - Chính - Đảng”.

Tuy nhiên, đúng như những gì hai vị đại biểu Quốc hội đã phân tích, tín dụng chính sách đã cho thấy nhiều điểm không còn phù hợp, cần được sửa đổi, bổ sung. Về phía cơ quan thực thi chính sách, chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ của mình trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của quốc gia. Từ đó, chủ động, tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình; tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường thanh tra, kiểm soát nội bộ; giám sát tình hình sử dụng vốn của người vay… Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đoàn kết thống nhất trong toàn hệ thống để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Doanh số cho vay của NHCSXH đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó:

- Hơn 34 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn;

- Trên 5,6 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3,6 triệu lao động có việc làm; hơn 3,6 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập;

- Trên 119 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài;

- Xây dựng trên 11 triệu công trình cung cấp NS&VSMTNT; gần 700 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và nhà phòng, tránh bão, lụt…

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác