Lắng nghe từng “nhịp thở” của chính sách
Gieo chính sách nở hoa no ấm
Đến cuối năm 2017, số hộ nghèo toàn xã Tà Cạ - một xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tiếp giáp với nước bạn Lào, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới 54,1%; hộ cận nghèo chiếm 6,94% trong tổng 1.073 hộ, thu nhập bình quân đầu người là 9 triệu đồng/người/năm. Song đó là bước tiến lớn so với ngày đầu thành lập NHCSXH với 78% hộ không bước qua được ngưỡng thu nhập bình quân 400 nghìn đồng/hộ và là đối tượng của NHCSXH.
Ngày ấy con đường giảm nghèo của Tà Cạ như “mịt mù”. Địa hình đồi núi dốc, thiếu đất sản xuất, một số hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 94% đồng bào là DTTS (người Khơ Mú với 419 hộ, Thái 467 hộ, dân tộc Mông 74 hộ) vốn đã quen sản xuất tự cung tự cấp nên dù NHCSXH về tới bản, người dân cũng e dè vì vay tiền về cũng chẳng biết đầu tư vào việc gì. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ NHCSXH và các Ban, ngành đoàn thể, chính quyền địa phương cùng định hướng đầu tư phát triển từng mô hình cụ thể, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, Vừ Vả Chá cho biết: “Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để SXKD tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ SXKD và quản lý vốn. Có những hộ đã vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ hàng trăm triệu đồng. Đồng vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được những nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống, giúp đồng bào bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nạn “tín dụng đen” tại các vùng dân tộc miền núi và cuộc sống dần được nâng cao”.
Nhìn lại hơn 15 năm, đã có 412 lượt hộ thoát nghèo từ vốn chính sách. Những hộ còn lại, ngoài 4 chương trình riêng cho người DTTS với 170 hộ, dư nợ 2.124 triệu đồng, còn có cơ hội tham gia các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn. 1.237 thành viên với tổng dư nợ tín dụng chính sách 28 tỷ đồng đến nay cho thấy hầu hết các hộ dân của xã đều được tiếp cận tín dụng phát triển sản xuất, cho 251 HSSV đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; Tạo việc làm và đi xuất khẩu lao động nước ngoài 51 lao động; Xây dựng 308 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người dân; Xây dựng 247 ngôi nhà cho hộ nghèo.
Bức tranh kinh tế đang sáng dần nơi đồng bào DTTS sinh sống. Như Sóc Trăng, dù là một tỉnh ven biển thuộc ĐBSCL trù phú, song tổng số hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2017 là 38.304 hộ, chiếm tỷ lệ 11,85%. DTTS chiếm 35,87% dân số của tỉnh (chủ yếu là dân tộc Khmer chiếm 30,8%, Hoa chiếm 5,03%) nhưng chiếm tới 49,65% tổng số hộ nghèo. Trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân khu vực nông thôn và đồng bào DTTS còn lạc hậu, khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào kinh và đồng bào DTTS ngày càng tăng làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị của tỉnh.
Chính vì vậy, “vốn vay không những giúp người DTTS làm quen với việc vay vốn SXKD mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn”, ông Lý Bình Cang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Tại tỉnh Sóc Trăng, NHCSXH đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, trong đó có 12 chương trình có đối tượng là hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng và 2 chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS là cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 54; Quyết định số 29. Qua hơn 10 năm thực hiện, doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS là 1.793,4 tỷ đồng, với 150.561 lượt hộ vay. Hiện đang có 52.648 hộ đồng bào DTTS (chiếm 45,4% số hộ DTTS trên địa bàn tỉnh) còn dư nợ, chiếm 33,6% số hộ dư nợ tại NHCSXH, với dư nợ là 1.022,3 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng dư nợ, dư nợ bình quân hộ DTTS đạt 19 triệu đồng/hộ. Quy mô tăng trưởng vốn cho hộ đồng bào DTTS gấp 6,1 lần so với cuối năm 2007, bình quân mỗi năm tăng 26,3%.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 36,46% còn 13,6%; giai đoạn 2016 - 2017 giảm từ 24,52% còn 16,39%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm của tỉnh từ 3% đến 4%, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Khi chính sách được cộng hưởng từ nhiều phía
Tâm sự cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng trong lần khảo sát tại Trà Vinh vừa qua, ông Thạch Hoài Phong ở ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang khẳng định, nguồn vốn của NHCSXH có ý nghĩa với những hộ vùng đồng bào DTTS nói riêng và các hộ vay ở những vùng nông thôn nói chung. Như với bản thân ông, năm 1999 khi lấy vợ và tách hộ ra ở riêng, tài sản duy nhất mà ba mẹ cho là 500m2 đất vườn. Đất đai hữu hạn, đi lái máy gặt thuê kiếm thêm thu nhập mà vẫn gần chục năm đói nghèo đeo đẳng. “Năm 2009 gia đình tôi lúc đó là hộ nghèo và được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, NHCSXH cho vay 4 triệu đồng để trồng màu. Tích lũy qua nhiều lần vay vốn NHCSXH, thuê thêm ruộng để làm, đến nay gia đình tôi đã có nhà khang trang để ở và có hơn 5.000m2 đất trồng màu, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định”, ông Phong xúc động nói. Khoe con đi học Trung cấp kỹ thuật cũng từ nguồn vốn vay HSSV của NHCSXH, ông Phong còn chỉ chiếc máy gặt lúa Kubota còn mới nằm bên hiên nhà, “Giờ tôi không còn phải đi lái máy thuê nữa. Mua cái máy này 100 triệu đồng, vụ đầu tiên vừa rồi trừ chi phí thu lãi được khoảng 30 triệu đồng”.
Những chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh càng tô đậm nét hiệu quả của các chương trình tín dụng đối với đồng bào DTTS. Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH tỉnh Trà Vinh đã thực hiện cho vay 519.915 lượt khách hàng vay vốn là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng doanh số cho vay 6.199 tỷ đồng, đã thực hiện triển khai cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS 2.064 tỷ đồng, với 182.716 lượt hộ vay. Đến nay vẫn còn 63.416 khách hàng là hộ đồng bào DTTS chiếm 36,62% số khách hàng, dư nợ là 791 tỷ đồng, chiếm 36,3% tổng dư nợ. Trong đó có trên 3.066 hộ DTTS vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, 57 hộ vay trên 100 triệu đồng.
Đáng nói là nhiều mô hình chuyển đổi vật nuôi cây trồng, làm ăn hiệu quả đang được tiếp tục triển khai nhân rộng trong đồng bào người dân tộc: Mô hình trồng ớt, cải bẹ xanh, bắp lai ở ấp Trẹm, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, ở ấp Leng, xã An Quãng Hữu, huyện Trà Cú; mô hình nuôi heo sinh sản kết hợp trồng màu ở ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị trấn Định An, mô hình nuôi ba ba ở ấp Lưu Cừ 1, xã Lưu Nghiệp Anh; mô hình trồng môn sáp ở ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi không chỉ giúp cho trên 165 nghìn lượt hộ DTTS được vay vốn, giúp cho trên 36 nghìn hộ thoát nghèo, mà còn là điểm tựa tương lai cho con em đồng bào Khmer vươn tới cuộc sống tri thức với trên 15 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; tạo việc làm mới cho trên 49 nghìn lao động; gần 800 người đi lao động ở nước ngoài…
Chứng kiến những thành quả giảm nghèo cho bà con DTTS của xã Thuận Hòa cũng như tại tỉnh Trà Vinh, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thêm một lần nữa khẳng định: “Người dân nào có ý thức vươn lên cùng với đồng vốn NHCSXH và mạnh dạn làm ăn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đánh giá: “Đó là những điển hình tô điểm thêm thành tích trong công tác tín dụng chính sách xã hội… Điều đó cũng khẳng định, thực hiện các chính sách đối với hộ đồng bào DTTS là vấn đề chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có nguồn vốn của NHCSXH đã giúp bà con các dân tộc đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, vươn lên trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, những khó khăn trong công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS vẫn còn đó với hộ nghèo DTTS luôn chiếm tỷ lệ cao và thậm chí là ở “tâm” lõi nghèo, không dễ chuyển dịch. Như ở Trà Vinh có dân số gần 1,1 triệu người (274.425 hộ), trong đó hộ dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ trên 32%. Tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 8,41% tổng số hộ, nhưng trong đó hộ nghèo dân tộc Khmer chiếm tới 60,05% (13.859 hộ). Hộ cận nghèo dân tộc Khmer 11.894 hộ, chiếm 13,47% so với tổng số hộ dân tộc Khmer (chiếm 49,96% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh). Cùng với đó là những khó khăn về thiếu đất sản xuất, thiếu chương trình hỗ trợ chính sách dạy nghề gắn với hỗ trợ SXKD cho các hộ đồng bào DTTS.
Một trong những đề xuất mà từ lãnh đạo tỉnh, địa phương, cho đến người dân được thụ hưởng tín dụng chính sách kiến nghị chung với Đoàn giám sát đó chính là có thêm nhiều vốn hơn nữa để cho vay hộ DTTS. Những kiến nghị trong thẩm quyền tại các đợt khảo sát đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng xử lý kịp thời như: Bổ sung cho xã Thuận Hòa 1 tỷ đồng cho vay hộ đồng bào DTTS và 3 tỷ đồng để cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn. Kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm với NHCSXH bố trí thêm nguồn vốn cho địa phương, được Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, NHCSXH đã bố trí thêm 40 tỷ đồng để Trà Vinh giải ngân cho các hộ vay.
Hay như ở Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã quyết định bổ sung 5 tỷ đồng vốn cho xã Tài Văn để đáp ứng nhu cầu về vốn để các hộ gia đình phát triển kinh tế. Trước đó tại Nghệ An, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: “Về các kiến nghị, đề xuất của địa phương, yêu cầu NHCSXH tỉnh thành lập Tổ công tác rà soát xử lý dứt điểm những một số món nợ rủi ro. Trước mắt bổ sung nguồn vốn 20 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kỳ Sơn”.
Về những nhu cầu vốn khác, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết NHCSXH sẽ cố gắng cân đối nguồn vốn để giải quyết những kiến nghị của địa phương tốt nhất trong điều kiện cho phép. “Tuy nhiên, khi có nguồn vốn của NHCSXH, rất mong Lãnh đạo chính quyền, hội, đoàn thể địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con vay vốn sử dụng hiệu quả, qua đó có thêm nhiều hộ thoát nghèo và khá giả”, Tổng Giám đốc nhắn nhủ. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cổ vũ tinh thần chịu thương, chịu khó, không quản ngại khó khăn của cán bộ NHCSXH, hội, đoàn thể nhận ủy thác đang gặp phải trong quá trình chuyển vốn đến tay bà con DTTS. Nhìn nhận “cuộc chiến giảm nghèo đang rất vất vả không phải ngày một, ngày hai mà hoàn thành, đòi hỏi sự kiên trì cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đồng hành của cả cán bộ NHCSXH - ông tâm sự - Trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục kiên trì vận động bà con, hỗ trợ xây dựng mô hình và nhân rộng điển hình để tạo động lực, kích thích bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn. Một khi bà con còn nghèo, địa phương còn hộ nghèo thì chúng ta vẫn phải có trách nhiệm nỗ lực cùng bà con tìm ra giải pháp thoát nghèo”.
Chung tay cùng Chính phủ, đồng chí Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, thời gian tới địa phương tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và ưu tiên bố trí ngân sách để chuyển qua NHCSXH cho bà con DTTS vay vốn, nghiên cứu xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ KHKT dành riêng cho đồng bào DTTS để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay.
Trên phương diện của nhà quản lý và xây dựng chính sách, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu các ý kiến của chính quyền địa phương để có những tổng hợp, đề xuất các ngành chức năng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng bổ sung vào các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi nhằm giúp các hộ dân vùng đồng bào dân tộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, tập trung nguồn lực cho vùng dân tộc, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS. Bộ trưởng đề nghị khi có dự thảo hoàn thiện chính sách đối với hộ đồng bào DTTS do Ủy ban Dân tộc soạn thảo trình Trung ương sẽ nhận được đóng góp ý kiến tham gia thiết thực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chính sách được hoàn thiện, đáp ứng tình hình hiện nay với hộ đồng bào DTTS.
Bài và ảnh Việt Hải
Các tin bài khác
- » NHCSXH gặp mặt cán bộ nghỉ hưu
- » Xuân ấm áp yêu thương
- » Vốn vay ưu đãi, “đòn bẩy” để người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo
- » Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » Nguồn lực chính trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
- » Những dòng vốn chuyển dời nhận thức
- » TÀI CHÍNH NÔNG THÔN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO: TỪ Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH ĐẾN CÁCH THỨC SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM
- » Hội nghị giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2019
- » Vốn ưu đãi đến tay, thoát ngay cảnh khó
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo