Nguồn lực chính trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
Trước đây, nước sạch và vệ sinh môi trường là hai vấn đề khó khăn ở vùng nông thôn tỉnh Cao Bằng. Tình trạng người dân sử dụng nước sinh hoạt chưa hợp vệ sinh, chưa có nhà tiêu, ô nhiễm nước thải chăn nuôi… còn khá phổ biến. Để cải thiện vấn đề này, vốn tín dụng chính sách xã hội đã tập trung ưu tiên cho vay để người dân đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch và làm nhà vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn. Qua nhiều năm triển khai, tỉnh Cao Bằng đã có hàng nghìn hộ được vay vốn đầu tư, xây dựng công trình về nước sạch, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe người dân.
Bà Đàm Thị Thiện ở xóm Nà Sa, xã Bế Triều, huyện Hòa An cho biết, gia đình bà đã vay vốn NHCSXH để đầu tư thiết bị, hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt và công trình nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ khi có công trình nước sạch, chất lượng cuộc sống gia đình bà đã được cải thiện.
Không chỉ gia đình bà Thiện, cuộc sống người dân xóm Nà Sa, xã Bế Triều cũng đã có nhiều thay đổi. Đường làng, ngõ xóm được đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, chương trình đã làm thay đổi nhận thức, giúp người dân có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình được người dân đặc biệt quan tâm. Mục tiêu giải ngân nguồn vốn cho đối tượng này nhằm tiếp tục hỗ trợ hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, chống tái nghèo và giảm nghèo bền vững.
Gia đình bà Hoàng Thị Bằng ở xóm Nà Sa, xã Bế Triều, huyện Hòa An vừa thoát nghèo cuối năm 2016. Năm 2017, gia đình bà Bằng vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư mua 02 con trâu về chăn nuôi, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bà Bằng cho biết, sau khi được vay vốn, gia đình bà đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, tăng đàn. Số vốn vay được là nguồn lực quan trọng giúp gia đình bà phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong việc bổ sung, tăng cường nguồn vốn cho các địa phương, nâng cao thu nhập của người dân.
Xã Bế Triều, huyện Hòa An là một trong 5 xã điểm của tỉnh Cao Bằng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc thực hiện xã hội hóa huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt chương trình cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn; triển khai các chương trình cho vay có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bố trí cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm.
Ông Bế Xuân Khu - Chủ tịch UBND xã Bế Triều, huyện Hòa An cho biết: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn xã đã đạt 13 tỷ đồng, với 380 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ thực hiện tốt tuyên truyền, vận động, các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; trả vốn, lãi đúng hạn, không có trường hợp nợ quá hạn. Vốn vay chính sách xã hội được người dân dùng để phát triển kinh tế hộ gia đình và đẩy mạnh sản xuất, từ đó góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Nguồn vốn vay của NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Hiện có hơn 340 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt trên 5.900 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần quan trọng vào việc giúp trên 61 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 180 nghìn lao động, xây dựng trên 35 nghìn công trình cung cấp NS&VSMTNT…
Ông Vương Văn Minh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đề ra những giải pháp về huy động vốn, triển khai chương trình cho vay bám sát chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân bổ, bố trí nguồn vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những xã về đích trong năm 2018. Bên cạnh đó, NHCSXH củng cố và phát huy hiệu quả các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn…
Với những định hướng và giải pháp đúng đắn, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đắc lực cho các địa phương trong tỉnh Cao Bằng thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Bài và ảnh Chu Hiệu - Trần Việt
Các tin bài khác
- » NHCSXH gặp mặt cán bộ nghỉ hưu
- » Xuân ấm áp yêu thương
- » Vốn vay ưu đãi, “đòn bẩy” để người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo
- » Những dòng vốn chuyển dời nhận thức
- » TÀI CHÍNH NÔNG THÔN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO: TỪ Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH ĐẾN CÁCH THỨC SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM
- » Hội nghị giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2019
- » Vốn ưu đãi đến tay, thoát ngay cảnh khó
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » Nuôi hy vọng trên miền đất khó
- » Nỗ lực làm giàu