Những dòng vốn chuyển dời nhận thức

18/01/2019
(VBSP News) Nói đến Tây Nam Bộ là nói đến một miền đất mà chỉ cần mở cửa ra là thấy dòng sông lượn quanh trước cửa. Những dòng sông, con rạch cứ nối tiếp nhau chở phù sa vun đắp cho ruộng vườn xanh tốt, ôm ấp xóm làng. Sự hào phóng thiên nhiên cũng tạo nên những con người hào phóng, ít lo lắng cho cuộc sống của mình ở ngày mai và trở thành một tập quán xã hội. Đây chính là một nút thắt trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo, đặc biệt là thực hiện chương trình tín dụng chính sách đặc thù dành riêng cho đồng bào DTTS khu vực Tây Nam Bộ vốn chiếm 8% dân số, song chiếm 25% hộ nghèo trên địa bàn.
Tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng triệu người nghèo trong cả nước cải thiện cuộc sống

Tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng triệu người nghèo trong cả nước cải thiện cuộc sống

Tăng “sức nặng” cho tín dụng chính sách

Nếu nói về cơ hội tiếp cận vốn tín dụng chính sách, thì ngay từ khi thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, đồng bào DTTS đã được tiếp cận với hầu hết các chương trình do NHCSXH triển khai và luôn là đối tượng ưu tiên trong quá trình phân bổ vốn tín dụng. Tuy nhiên, với những tập quán sản xuất canh tác, những hạn hẹp về điều kiện đất đai từ vị trí sinh sống không thuận lợi, việc có thêm những chính sách riêng biệt hỗ trợ đồng bào DTTS đã được Ủy ban Dân tộc và NHCSXH tham mưu Chính phủ để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, kéo gần mức sống của đồng bào DTTS với các vùng miền và khu vực.

Khởi động với chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007, rồi đến Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, riêng đối với  đồng bào DTTS Tây Nam Bộ, có thêm hai “cú hích” vào những “điểm yếu” trong quá trình giảm nghèo. Đó là chương trình cho vay hộ DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ số hộ DTTS trong vùng có đất ở; đa số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất, có việc làm, tạo thu nhập ổn định.

Độ phủ chính sách thêm rộng và sâu với chương trình cho vay hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đối tượng là hộ DTTS nghèo từ vùng Đông Nam Bộ trở ra vùng núi phía Bắc, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đáng nói là các chương trình này đều được kéo dài so với thời gian ban đầu chỉ kết thúc vào năm 2016 để cho ra đời một chương trình mang tầm nhìn rộng và bao quát hơn tại Quyết định 2085/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện cho hộ DTTS có nguồn vốn để tiếp tục, duy trì SXKD ổn định lâu dài, nâng cao điều kiện sống cho hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2017 - 2020, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác trong cả nước.

Để chính sách thẩm thấu nhanh và lan tỏa rộng, NHCSXH đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về con người, cơ sở vật chất, chính sách đặc thù về công tác cán bộ, thi đua khen thưởng, khoán tài chính… cho các Phòng giao dịch huyện có nhiều khó khăn, tập trung nhiều đồng bào DTTS để triển khai tốt tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, toàn khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh Bình Phước thực hiện tổ chức giao dịch tại 1.698 Điểm giao dịch và thành lập 39.767 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% các thôn, ấp…

Giám đốc NHCSXH huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), là người đã gắn bó với tín dụng chính sách trên mảnh đất này từ khi NHCSXH được thành lập kể, dù bây giờ đường nhựa đã trải vào đến trung tâm xã, không còn phải đi xuồng ghe như trước song con đường đến các ấp vẫn chỉ đi giầy được vào mùa khô. Mùa mưa không chỉ cởi giầy mà phải quen mới có thể đi được trên những con đường đất bùn nhão trơn trượt. Ấy thế nhưng đó vẫn chưa phải là cái khó nhất của người làm tín dụng chính sách.

Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Trà Vinh, Lê Hoàng Phi cho biết, cái khó nhất khi triển khai tín dụng đối với đồng bào DTTS đó là bất đồng ngôn ngữ. Bây giờ dù đồng bào đã phần nhiều có thể nói được tiếng Kinh nhưng vẫn còn không ít người không biết hoặc biết ít. Chính vì vậy, để có thể làm tín dụng giỏi, nói cho đồng bào hiểu cái hay, cái tốt, cái lợi của nguồn vốn tín dụng phải là biết tiếng dân tộc. NHCSXH những địa bàn này luôn ưu tiên tuyển cán bộ tín dụng là người địa phương đồng thời khuyến khích cán bộ tự học để gần dân, hiểu dân hơn từ đó hỗ trợ bà con vay vốn phù hợp.

Công tác dân vận được coi là điểm mấu chốt cho thành công của tín dụng chính sách ở khu vực này. Phó Giám đốc Lê Hoàng Phi cho biết ví như trước đây, nhiều xã vận động bà con vay đã khó, nhưng thu nợ cũng chẳng dễ dàng, dù chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể đã vào cuộc mạnh mẽ, phần vì chưa biết sử dụng vốn làm gì, phần vì dân chây ì không chịu trả. Hiểu được lối sống tín ngưỡng của đồng bào Khmer trong tỉnh, Lãnh đạo NHCSXH đích thân xuống thăm và kết nối với các sư trụ trì chùa trong ấp, để chia sẻ về những ưu việt của nguồn vốn tín dụng chính sách cũng như những khó khăn trong việc truyền tải các chính sách nhân văn của Đảng và Chính phủ dành cho đồng bào. Sự thấu hiểu và chia sẻ từ nhà chùa đã giúp NHCSXH có thêm một kênh vận động cho vay cũng như giải ngân hiệu quả. Anh Phi tâm đắc: “Nhiều nơi tín dụng tắc, hay nợ đọng nhiều, có sự hỗ trợ của nhà chùa là được giải quyết hết”.

Cùng với việc mở rộng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH chủ động giám sát và đưa ra các giải pháp kịp thời để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội không chỉ là để góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay mà quan trọng hơn là tối ưu hóa giá trị của từng đồng vốn đưa ra giúp bà con phát triển sản xuất. Như 6 năm trước NHCSXH đã chủ động báo cáo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quyết liệt những giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng đối với những đơn vị có nợ quá hạn cao trong khu vực. Từ đây, với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tạo sự chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tác động đến ý thức của người vay “có vay, có trả của người dân”. Đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các ngành, các cấp góp phần từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS vì thế cứ mỗi ngày được củng cố và không ngừng nâng cao trong 15 năm qua, góp phần quan trọng vào việc bảo toàn nguồn vốn được Nhà nước giao.

Một vốn bốn lời

Đến ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) càng thêm thấm tinh thần và tính nhân văn của các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Mỹ Thuận, Nguyễn Thị Mãnh có thời gian làm Tổ trưởng đúng bằng tuổi của NHCSXH. Lăn lộn từ những ngày đầu đưa đồng vốn đến với bà con, bà Mãnh thấm cái nỗi cơ cực của người dân trong thôn không chỉ không có vốn tích lũy phát triển kinh tế mà còn không biết nuôi con gì, trồng cây gì để có thể vượt qua cái nghèo. Cũng bởi vậy, vừa cùng cấp hội, NHCSXH tuyên truyền hướng dẫn bà con vay vốn, mà còn tận tay dẫn hộ vay đi mua bò, rồi theo sát quá trình chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật để đồng vốn đã vay về là chăn nuôi có hiệu quả. Cái sự tận tình và cầu toàn trong công tác tín dụng đã giúp nhiều hộ gia đình trong thôn thoát nghèo và hình thành nên nghề nuôi bò sinh sản và vỗ béo trong thôn. Hơn 140 hộ trong thôn, hiện còn 51 hộ là tổ viên, trong đó 31 hộ đồng bào Khmer đang có dư nợ tín dụng đang từng ngày gom góp công sức chăn nuôi phát triển kinh tế.

Như hộ của bà Thạch Thị Bông, năm 2006, đến cả căn nhà một cứng cũng chẳng có. Cái nghèo, cái khó vây bám khi đồng ruộng chẳng đủ ăn. Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, bà được bình xét cho vay 5 triệu đồng hộ nghèo để nuôi bò sinh sản. Vừa hết vòng vốn ấy, bà được tiếp thêm sức lực với nguồn vốn dành riêng cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn 18 triệu đồng theo các Quyết định 74 và 54 của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những vòng quay vốn ấy, bà không làm gì khác ngoài việc nuôi bò. Cứ mỗi năm bình quân “thu hoạch” được 01 con bò (bán được từ 25 - 30 triệu đồng), chắt chiu 10 năm bà đã ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2017, trả nợ trước hạn để tháng 3/2018 tiếp tục vay vốn hộ cận nghèo nuôi thêm 08 con heo, bán hủ tiếu mỗi sáng. Cùng với nguồn hỗ trợ xây nhà tình nghĩa địa phương 40 triệu đồng, và tiền vay NS&VSMTNT cũng như tích lũy từ chăn nuôi bò 10 năm bà đã thực hiện được ước mơ lớn nhất của đời mình là có được căn nhà ba gian khang trang để ở lúc tuổi già cùng gia đình người con gái út.

Với một người hai bàn tay trắng như anh Thạch Thanh Phong, người dân tộc Khmer, ấp Tân Qui B, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) càng thấm ý nghĩa của một dòng vốn “chuyển dời nhận thức”. Sinh ra trong một gia đình nghèo, không có đất sản xuất, lại đông anh em hằng ngày phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, anh kể tối đến cả nhà lại tập trung rượu chè cho quên ngày tháng. Lấy vợ rồi ra ở riêng, cũng chỉ có hai bàn tay trắng, vợ chồng anh lại bước tiếp con đường ấy, làm thuê kiếm sống qua ngày. “Từng đêm tôi vắt tay lên trán suy nghĩ xem làm gì để vươn lên, nhưng nghĩ mãi mà không tìm được lối thoát”, anh kể. Cho đến một ngày Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Qui B, cùng cán bộ Hội CCB xã Tân Hưng đến mở lối hướng dẫn anh vay nguồn vốn theo Quyết định 54.

“Từ nguồn vốn vay 8 triệu đồng của chương trình và tiền dành dụm được, vợ chồng anh vừa đủ mua được 01 con bò. Nuôi được một năm con bò đã sinh được 01 con bê. Thấy có hiệu quả, tôi quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, xin vay thêm 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo mua thêm 02 con bò và xây dựng mở rộng chuồng trại lấy chỗ nuôi nhốt. Bán đi 01 con bê cùng số tiền dành dụm được, đầu năm anh đã đầu tư chăn nuôi thêm 02 con dê sinh sản, nuôi 400 con gà thịt và mua được hai công ruộng. Cơ ngơi đó cũng đủ thấy anh không chỉ thoát nghèo mà còn khá bền vững.

Ở giữa Khu phố 5, thị trấn thứ 3 huyện An Biên (Kiên Giang). Ngôi nhà mái bằng của gia đình ông Danh Nhượng, người dân tộc Khmer tuy nhỏ nhưng khang trang và đầy đủ tiện nghi cùng chiếc xe máy tậu không lâu vẫn còn láng cóng dựng trong phòng khách. Vợ anh - chị Thị Dẫy chỉ bức ảnh đám cưới đã hoen ố phía dưới tấm kính trên bàn uống nước: “Nhà tôi ngày cưới con gái lớn đó”. Trong ảnh là một “ngôi nhà” mái tranh, căng bạt đủ 4 phía. Chị buồn kể lại gia cảnh trước năm 2011. Không có đất đai, hai vợ chồng chị lang thang thuê ruộng làm hết nơi này đến nơi khác, nhưng vì vay ngoài lãi suất cao nên thu nhập thấp không đủ sống. Cũng bởi cái nghèo và lam lũ ấy, cậu con rể chẳng chịu được mấy hồi bỏ về nhà cha mẹ đẻ.

Tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng triệu người nghèo trong cả nước cải thiện cuộc sống.

Tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hàng triệu người nghèo trong cả nước cải thiện cuộc sống.

Thấy cơ cực quá, mẹ chồng chị gọi vợ chồng chị về cho một công ruộng. Không nằm trong diện được vay vốn đặc thù cho đồng bào DTTS. Gia đình chị vay vốn từ Chương trình tín dụng GQVL 20 triệu đồng năm 2011, chị dốc lực đầu tư trồng rau màu. Không cho đất ngơi nghỉ, mùa nào thức ấy từ dưa chuột đến rau má, rau cải bầu bí, anh chị còn gom góp thu mua hàng nông sản của bà con trong khu chuyển cho các đầu mối thu mua lớn hơn lên thành phố. Rồi lại học thêm nghề muối dưa chuột để vừa giải quyết để đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giải quyết bài toán giá thu mua thấp giữa vụ, cũng như gia tăng thêm nguồn thu những lúc nông nhàn. Những nguồn thu nho nhỏ, chắt chiu hàng ngày 200 nghìn đồng ấy đã giúp chị thoát nghèo vào năm 2012 và xây được ngôi nhà ở hiện tại. Con gái thứ 2 của chị cũng nhờ nguồn vốn vay HSSV 22 triệu đồng, học xong Cao đẳng Y tế cộng đồng và có việc làm trên TP Rạch Giá. Ba năm sau, chị mua thêm một công đất và xây hoàn thiện khu nhà phía sau với công trình phụ và bếp khép kín. Hai công ruộng trồng màu, rau má, dưa leo, khổ qua, theo mùa, trung bình mỗi ngày mang về cho vợ chồng anh 600 nghìn đồng chưa kể phần thu mua nông sản.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Thạch Thị Thương ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết, hiện tổ có 42 hộ vay với dư nợ 500 triệu đồng chủ yếu trồng rẫy nuôi heo. Nhờ vốn nguồn vốn đa dạng của NHCSXH mà tỷ lệ nghèo của tổ từ 80%, trong đó có cả thiếu đói, giờ còn 30%. Những hỗ trợ từ NHCSXH phù hợp với từng đối tượng chính sách đã góp phần đưa Đại Tâm trở thành xã nông thôn mới từ năm 2015. Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, Lâm Sơn Hiển cho biết, với người dân tộc trước đây, không có nhiệt tình trong lao động nhưng nay có chuyển biến lớn. Thu nhập bình quân của xã năm 2017 đạt 38 triệu đồng, trong khi đó 5 năm trước chỉ là 28 triệu đồng. Với việc bị đưa ra khỏi danh sách nông thôn mới năm 2017 do tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí năm 2016 lên đến trên 20%, Đại Tâm đang đặt mục tiêu tái công nhận nông thôn mới vào năm 2019 với việc giảm tỷ lệ nghèo từ 12% năm 2017 xuống còn 4 % năm 2019 và xa hơn nữa là mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng vào năm 2020.

Nhìn lại hành trình thực hiện các chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS ở khu vực Tây Nam Bộ và Bình Phước, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong khu vực. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 33.508 tỷ đồng, với hơn 2,1 triệu món vay của trên 1,7 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, trên 166 nghìn khách hàng là hộ DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 3.184 tỷ đồng (chiếm 9,5%/tổng dư nợ cho vay tại khu vực). Dư nợ bình quân một hộ DTTS tại khu vực đạt 19 triệu đồng/bình quân chung trong khu vực là 19,5 triệu đồng. Trên 41% số hộ DTTS trong vùng Tây Nam Bộ đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng. Vốn tín dụng chính sách xã hội trong khu vực đã góp phần giúp hơn 521 nghìn hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 262 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 172 nghìn lao động (trên 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 24 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 292 nghìn công trình cung cấp NS&VSMTNT; xây dựng hơn 35 nghìn căn nhà ở… Cộng hưởng vào giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực giảm từ 13,48% xuống còn 3,98%; giai đoạn 2016 - 2017 giảm từ 9,5% xuống còn 6%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trong khu vực từ 1,5% đến 2%. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tập trung hóa “sức mạnh” giảm nghèo

Những thành quả của các chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS vùng Tây Nam Bộ có thể cảm nhận rõ trong đời sống, song vẫn còn đó những thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS nơi đây tuy chỉ có 8% của tổng dân số toàn vùng nhưng tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 vẫn còn 24%. Nguồn vốn tín dụng mới chỉ đến được với 41% hộ đồng bào và nguồn vốn đặc thù cho đồng bào DTTS ở Tây Nam Bộ và Bình Phước rất ưu việt nhưng còn quá nhỏ trong tổng cơ cấu nguồn vốn cho vay.

Những câu chuyện từ thực tế cũng đang cho thấy những nút thắt lớn việc mở rộng tín dụng cho đồng bào DTTS không chỉ vì thiếu vốn. Chủ tịch MTTQ xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn (An Giang), ông Kim Seng cho biết, tính điểm chưa hợp lý dẫn đến nhiều hộ nghèo mà không được xét là nghèo. “Một người có một ngôi nhà vừa xây 100 - 200 triệu đồng nhưng trong nhà không có gì thì vẫn là nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhưng nhà dù cũ nhưng có cái ti vi và điện thoại chỉ 100 - 200 nghìn đồng thì điểm đã vượt ra khỏi ngưỡng nghèo. Cũng bởi vậy tỷ lệ hộ nghèo hiện tại 10% chưa phản ảnh hết con số hộ nghèo trong xã Lăng Châu”, ông nói.

Không có vốn, thiếu đất sản xuất và giá trị kinh tế chăn nuôi, trồng trọt thấp dẫn đến việc ly nông, ly hương, đi làm thuê ngoại tỉnh gia tăng. Nhiều địa bàn, người trong thôn ấp còn lại phần lớn là người già, phụ nữ. Chăn nuôi, mua đất trồng trọt để thoát nghèo vốn là đáp án quen thuộc với hộ nghèo. Nhưng dù nguồn vốn cho vay hộ nghèo đã tăng lên 50 triệu đồng và thời hạn 10 năm, chỉ đủ mua một công đất hoặc đôi bò sinh sản giúp các hộ thêm thắt vào cuộc sống, chưa trở thành lực đẩy mang tính đột phá giúp các hộ dân có sinh kế lâu dài. Vì vậy chưa khuyến khích được các hộ vay vốn. Chưa kể, nguồn vốn phân bổ quá ít, nên các hộ vay trở thành “cá biệt” trong thôn ấp cũng như trong cơ cấu nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS. Ông Kim Seng tâm sự trong 28 triệu đồng thu nhập bình quân đầu người của xã, cũng như các hộ dân thoát nghèo thời gian qua có phần không nhỏ từ nguồn thu ngoài địa phương.

Ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhận định: “Tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn hỗ trợ đồng bào vượt lên khó khăn. Cả nước đã thực hiện chương trình này hiệu quả, góp phần giúp đồng bào giảm nghèo tốt. Đời sống bà con DTTS vùng Tây Nam Bộ được nâng lên. “Qua sự giám sát của mình, từ tiếp xúc cử tri, đặc biệt đồng bào DTTS rất phấn khởi với chương trình và mong muốn tiếp tục kéo dài và có thêm nhiều nguồn vốn để hỗ trợ bà con vươn lên trong cuộc sống”. Ông cho biết và kiến nghị thời gian tới các chính sách cho đồng bào DTTS cần giảm dần cho không, hướng tới cho vay với lãi suất ưu đãi, để thúc đẩy người dân vươn lên trong sản xuất từ đó thúc đẩy tốt hơn chính sách tín dụng này.

Ông đề xuất các Bộ, ngành quan tâm thêm, bổ sung thêm nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách. Đồng thời nên lồng ghép các chương trình tín dụng chính sách với chương trình mục tiêu quốc gia khác như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới để nguồn vốn tín dụng chính sách mở rộng và nâng lên hơn nữa. Cũng từ thực tế kiểm tra giám sát, ông mong muốn cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đến tín dụng chính sách thực hiện Chỉ thị số 40. “Trong này có một nội dung theo tôi quan trọng đó là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm có thể chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay phát triển kinh tế”.

Đặt trong bối cảnh tương lai gần với tác động lớn của biến đổi khí hậu, của cuộc cách mạng công nghệ 4.0…, đồng bào DTTS là một trong những nhóm đối tượng chính dễ bị tổn thưởng, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhiều lãnh đạo địa phương và NHCSXH đề xuất Chính phủ ban hành chính sách tín dụng mang tính đột phá cho đồng bào DTTS như: Mở rộng đối tượng hộ DTTS có mức sống trung bình (không giới hạn hộ DTTS nghèo) được vay vốn, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, với thời gian dài hơn (trên 10 năm) để phù hợp SXKD có hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong vùng DTTS; Xây dựng Quỹ khuyến nông, hỗ trợ KHKT dành riêng cho đồng bào DTTS để chủ động kết hợp với hoạt động hỗ trợ vốn tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay; Xây dựng Quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên là đồng bào DTTS.

Quan trọng nhất là nguồn vốn phải đủ để bao phủ đến các hộ đồng bào DTTS nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ mới đây “từ nay kiên quyết không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực, nợ kinh phí để thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc”.

Bài và ảnh Minh Ngọc - Trần Việt

Các tin bài khác