Hội nghị giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2019
Tới dự Hội nghị về phía 04 tổ chức chính trị - xã hội tại TW có Lãnh đạo các Ban chuyên môn, Qũy hỗ trợ phát triển,… Về phía NHCSXH có Trưởng ban Kiểm soát Lê Ngọc Bảo; các Phó Tổng Giám đốc; Kế toán trưởng; Chủ tịch Công đoàn; Giám đốc các Ban CMNV, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm CNTT, Sở Giao dịch và cán bộ chuyên quản công tác nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo báo cáo, tính đến hết năm 2018, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt trên 194 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 19 nghìn tỷ đồng so với năm 2017; Tổng dư nợ đạt trên 187 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ được thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là trên 186 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 99% tổng dư nợ của NHCSXH), với hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Dư nợ tập trung vào chương trình cho vay hộ nghèo là 38 nghìn tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo trên 30 nghìn tỷ đồng; cho vay NS&VSMTNT trên 29 nghìn tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo trên 28 nghìn tỷ đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 21 nghìn tỷ đồng… Đặc biệt, trong năm 2018, NHCSXH đã triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ với dư nợ đạt 905 tỷ đồng.
Trong năm 2018, tín dụng chính sách đã góp phần giúp 0,5 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ vốn đầu tư SXKD tạo việc làm cho gần 245 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn HSSV vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình cung cấp NS&VSMTNT; xây dựng gần 30 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2,8 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100của Chính phủ,… Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng XHCN. Bên cạnh đó, NHCSXH đã cùng với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện tốt công tác duy trì, nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống. Đến 31/12/2018 nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,78% tổng dư nợ.
Tại Hội nghị, đại diện cho TW Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân TW, Nguyễn Xuân Thắng phát biểu, thời gian qua Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương triển khai chương trình ủy thác hiệu quả. Các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Để các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả trong thời gian tới, Hội Nông dân các cấp phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ vay. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, kiểm tra để nâng cao chất lượng ủy thác tín dụng cũng được các cấp hội thực hiện tốt.
Cũng như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong năm qua đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi; kịp thời chỉ đạo các cấp hội cơ sở triển khai đầy đủ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ hàng triệu hội viên có vốn SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống; góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Qua việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách xã hội, vai trò, vị thế của các tổ chức hội được nâng cao.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách nói chung và việc thực hiện dịch vụ ủy thác nói riêng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thể hiện quyết tâm cao trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu, giải pháp, phấn đấu cùng NHCSXH hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng ủy thác, trong đó cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong việc ngăn chặn đẩy lùi cho vay “tín dụng đen” ở vùng nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng cán bộ hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp tổ chức có hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã; thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác, góp phần quan trọng vào thực hiện và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách. Hoạt động của NHCSXH nói chung và công tác ủy thác tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng đã góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2018 của NHCSXH.
Để phát huy những kết quả đạt được, năm 2019,NHCSXH đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho hoạt động giao dịch tại xã; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát hộ vay, đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, đúng quy trình… và phối hợp tuyên truyền không để người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn ưu đãi của Nhà nước phải đi vay nóng bên ngoài
PV
Các tin bài khác
- » Vốn ưu đãi đến tay, thoát ngay cảnh khó
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » Nuôi hy vọng trên miền đất khó
- » Nỗ lực làm giàu
- » Cầu nối vốn chính sách với hội viên nghèo
- » Giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống
- » Góp sức ươm mầm con chữ với trẻ em nghèo hiếu học ở An Giang
- » Vốn chính sách đồng hành cùng nông dân xã Ngọc Mỹ
- » Huy động các nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất
- » Gỡ khó cho thanh niên trên bước đường khởi nghiệp