Huy động các nguồn vốn giúp hội viên phát triển sản xuất
Chị Lương Thị Luyến ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, từ một hộ nghèo không có việc làm được chị em vận động tham gia tổ chức hội và được vay vốn NHCSXH 10 triệu đồng đầu tư nuôi vịt đặc sản Cổ Lũng. Ban đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, đầu ra, nhưng được chính quyền và tổ chức hội quan tâm nên từ năm 2013 đến nay, việc chăn nuôi của gia đình khá suôn sẻ. Gia đình chị có thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
Là hộ nghèo của xã, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất và là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã, của huyện. Có được thành quả này, chị Thu luôn biết ơn tổ chức hội đã giúp chị tiếp cận nguồn vốn NHCSXH và được chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 25 triệu đồng, chị Thu đã khai hoang đất, trồng 2ha cây cao su, 2ha vải thiều và xen canh với một số loại cây ăn quả, cây keo, nuôi gà… Cần mẫn, chịu khó học hỏi, sau 5 năm, gia đình chị Thu đã trả hết nợ ngân hàng và thoát nghèo. Hiện nay, bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị còn lãi 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động nữ nghèo với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng…
Nhận thức rõ nguồn vốn tín dụng thực hiện chính sách thông qua NHCSXH cho hộ nghèo vay và các đối tượng chính sách là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Thanh Hóa luôn xác định hoạt động hỗ trợ vay vốn cho hội viên phát triển sản xuất là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung chỉ đạo thực hiện bằng cả tình cảm và trách nhiệm với hội viên, phụ nữ, đặc biệt là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo. Cùng với vốn NHCSXH, Hội Phụ nữ tỉnh đã tín chấp với NHNo&PTNT tỉnh cho hội viên, phụ nữ vay phát triển sản xuất, sinh hoạt, đồng thời mở rộng các nguồn vốn vay khác thông qua dự án… Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 8.069 tỷ đồng, cho 213.455 hộ vay, trong đó có 3.593 tỷ đồng vốn vay từ NHCSXH. Tỷ lệ hoàn trả gốc và lãi các nguồn vốn vay đều cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp.
Để giúp hội viên phụ nữ sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp hội định hướng phát triển sản xuất, phối hợp chuyển giao KHKT, tăng cường kiểm tra, giám sát hội viên sử dụng vốn, đồng thời giới thiệu, tạo việc làm cho lao động nữ. Trong năm 2018, các cấp hội đã phối hợp tổ chức khoảng 4.000 lớp tập huấn quản lý các nguồn vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới cho hơn 300 nghìn lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Được hỗ trợ về vốn, kiến thức, nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế và được tổ chức hội định hướng, hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ nhằm liên kết đầu vào, đầu ra, phát triển bền vững, mang lại giá trị thu nhập cao hơn. Năm 2018, Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ thành lập 56 mô hình kinh tế tập thể gồm: 22 HTX, 23 tổ hợp tác, 11 tổ liên kết (vượt chỉ tiêu 18 HTX), nâng tổng số mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ toàn tỉnh lên 248 mô hình, trong đó có 50 HTX, 49 tổ hợp tác, 149 tổ liên kết. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ tỉnh đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng hoạt động của Hiệp hội doanh nhân nữ, các câu lạc bộ doanh nhân nữ, nữ tiểu thương, nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, nữ chủ trang trại. Vì đây là lực lượng có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nữ khác.
Có thể khẳng định, các cấp Hội Phụ nữ đã bám sát chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển sản xuất và luôn hướng về cơ sở hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo. Bằng nhiều hình thức giúp đỡ, năm 2018 các cấp hội đã giúp 3.576 hộ nghèo, trong số đó có nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định, góp phần vào chương trình giảm nghèo chung của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Lê Hà Báo Thanh Hóa
Các tin bài khác
- » Gỡ khó cho thanh niên trên bước đường khởi nghiệp
- » Ninh Thuận hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo
- » Cần mở rộng đối tượng và nâng mức vay xây nhà tránh lũ
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 2: Tháo gỡ bất cập để chính sách thuận đường tới đích)
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 1: “Giấc mơ có thật” ở Quảng Nam)
- » Hội nghị đối thoại định kỳ NHCSXH quý IV năm 2018
- » Gia Lai thực hiện tốt công tác giảm nghèo
- » Đồng bào vùng biên Sơn La phát triển sản xuất nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » NHCSXH nghiệm thu đề tài “Giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông của NHCSXH”
- » Tín dụng chính sách xã hội - tăng vị thế cho đồng bào ở Bình Thuận