Tín dụng chính sách xã hội - tăng vị thế cho đồng bào ở Bình Thuận
Vốn đã đến tay đồng bào DTTS
Trong những năm qua, các hộ đồng bào DTTS cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo đời sống bằng nhiều chính sách thiết thực hiệu quả. Đáng kể, có các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đồng bào DTTS do NHCSXH thực hiện. Chính sách tín dụng ưu đãi ra đời trở thành công cụ đắc lực trong thực hiện giảm nghèo, được chính quyền các cấp trên địa bàn quan tâm chỉ đạo. Qua 16 năm hoạt động, đến nay, ưu đãi này đã phát triển thành 17 chương trình tín dụng, đã và đang từng bước làm thay đổi đời sống, xã hội của khu vực đồng bào DTTS.
Nguồn vốn ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Kết quả này đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Bình Thuận đến nay đạt 2.445 tỷ đồng, có 126.270 món vay đang còn dư nợ. Trong tổng số khách hàng 101.320 hộ, có 14.720 khách hàng là hộ DTTS (chiếm tỷ lệ 14,5%) trên địa bàn tỉnh đang được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 305 tỷ đồng, chiếm 12,4%/tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh. Dư nợ bình quân đạt 20,7 triệu đồng/hộ.
Mặc dù các chính sách tín dụng ưu đãi mang lại sự thay đổi rõ rệt cả về đời sống và nhận thức của đồng bào nhưng trên thực tế, cuộc sống ở khu vực đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có các chương trình tín dụng ưu đãi không phù hợp gây khó khăn trong triển khai và làm giảm giá trị nhân văn của chính sách.
Chính sách cần gắn sát với thực tiễn
Theo ghi nhận, hầu hết đối tượng vay vốn là hộ DTTS tỉnh Bình Thuận đều sinh sống tại những nơi có địa hình hiểm trở dễ bị ảnh hưởng do sự biến đổi cực đoan của thời tiết. Một số địa phương do bị ảnh hưởng lốc xoáy, mưa to ở thượng nguồn các nhánh sông, suối trên địa bàn huyện đổ về, kết hợp với lượng mưa nội đồng đã gây tình trạng ngập lụt, làm thiệt hại cây lúa, bắp và các loại khác. Các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chất lượng và sản lượng sản phẩm làm ra thấp so với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, sự leo thang của giá cả vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và mất giá của các mặt hàng nông sản, đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của đồng bào, dẫn đến một số hộ vay SXKD thua lỗ, khả năng trả nợ cho Nhà nước thấp.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, đối tượng được vay vốn chương trình HSSV phải là hộ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ không thuộc các đối tượng trên nhưng lại khó khăn về tài chính, không đủ điều kiện trang trải cho con ăn học, vì học phí đại học, cao đẳng hiện nay cao cho nên hộ đồng bào DTTS rất cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình tín dụng HSSV.
Ngoài ra, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nhiều hộ đồng bào khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đều gặp phải tình trạng vốn vay quá ít so với giá cả thị trường, vì thế nhiều hộ vẫn khó bứt phá. Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay kém hiệu quả, chưa có ý chí nghị lực thực sự vươn lên để thoát nghèo bền vững.
Xuất phát từ thực tế này, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm tăng nguồn vốn vay và bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương tình tín dụng chính sách mới được ban hành để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả chương trình. Bổ sung đối tượng được vay theo Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV theo hướng tạo điều kiện cho gia đình DTTS có mức thu nhập trung bình được tiếp cận chính sách. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác qua NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách với mô hình SXKD có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Nỗ lực làm tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… để giúp hộ dân nâng cao năng suất, bảo đảm cho đầu ra của sản phẩm.
Bình Thuận là nơi sinh sống và giao thoa văn hóa đặc sắc của 35 dân tộc anh em. Trong đó, DTTS có 86.100 người, chiếm tỷ lệ 7,3% dân số toàn tỉnh, nhiều nhất là dân tộc Chăm 40,3%, dân tộc Raglay 17,9%, dân tộc K’ho 13,1%, dân tộc Hoa chiếm 11,9%. Đồng bào DTTS định cư sinh sống tập trung 17 xã thuần và 32 thôn xen, ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố. |
Bài và ảnh Thái Bình
Các tin bài khác
- » Cần mở rộng đối tượng và nâng mức vay xây nhà tránh lũ
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 2: Tháo gỡ bất cập để chính sách thuận đường tới đích)
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 1: “Giấc mơ có thật” ở Quảng Nam)
- » Khơi mạch nguồn phát triển kinh tế
- » Điểm tựa cho hộ nghèo ở Hòa Bình
- » Đồng bào DTTS ở Đơn Dương làm giàu từ vốn vay chính sách
- » Góp phần cải thiện chất lượng vệ sinh, môi trường
- » Như Xuân thoát nghèo bền vững
- » Kim Bôi với công tác giảm nghèo
- » Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách