Như Xuân thoát nghèo bền vững
Chủ động, sáng tạo
Anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ bị khuyết tật, gia đình lại thiếu đất canh tác, cho nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trăn trở cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình anh mượn đất để canh tác, tăng thu nhập. Được Nhà nước hỗ trợ vốn, anh vay thêm NHCSXH mua một con trâu sinh sản, động viên các thành viên trong gia đình siêng năng, chăm lo phát triển kinh tế. Dẫu vậy, cái nghèo, cái khó vẫn bám riết bởi nhiều thành viên trong gia đình còn ở tuổi phụ thuộc; bố, mẹ đẻ già yếu và bệnh tật.
Nhờ tiếp cận chính sách xuất khẩu lao động không mất phí, vợ anh Cường đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ nguồn vốn vợ gửi về 10 triệu đồng/tháng, anh Cường đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Gia đình anh đã nhân đàn lên được 20 con trâu, bò. Chăn nuôi an toàn cho thu nhập ổn định, gia đình anh Cường đạt thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng và được công nhận hộ thoát nghèo.
Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, Lê Phúc Hải cho biết: Nắm chắc số lượng, tình hình hộ nghèo, phân tích rõ nguyên nhân nghèo và căn cứ đề xuất của các hộ hưởng lợi, cấp ủy, chính quyền xã hướng nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đẩy mạnh chuyển giao KHKT chăn nuôi đến nông hộ, xã Hóa Quỳ khuyến khích các hộ liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi và đã định hình 24 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa quy mô lớn, an toàn dịch bệnh.
Tiêu biểu như anh Hoàng Ngọc Năm ở thôn Thanh Xuân, cùng các thành viên sáng lập Công ty Cổ phần nông nghiệp sạch Như Xuân, thu hút 40 hộ nông dân cùng đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy trình tạo ra thực phẩm sạch, an toàn. Doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, trợ giúp nông hộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi; điều chỉnh thời điểm, thời gian nuôi nhốt gia cầm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trưởng Trạm khuyến nông huyện Như Xuân, Đồng Văn Thanh cho biết: Ngoài nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo và tiếp cận chính sách phát triển chăn nuôi, các hộ nông dân ở một số xã đã liên kết phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô 2ha chuồng trại và 6ha trồng cỏ, đến nay đã khôi phục được 5.000 con vịt bầu bản địa. Ngoài ra, NHCSXH tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn mua trâu, bò sinh sản; cán bộ huyện, xã đồng hành cùng nông dân tổ chức sản xuất. Theo đó, hộ có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm trợ giúp, hướng dẫn hộ nghèo phát triển chăn nuôi an toàn, hiệu quả, cùng vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng hành cùng hộ nông dân
Thực hiện Nghị quyết số 30a, 10 năm qua, huyện Như Xuân được ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 425 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí 30 tỷ đồng và lồng ghép gần 438 tỷ đồng từ các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Nguồn vốn được ưu tiên bố trí cho đầu tư xây dựng, nâng cấp tám hồ đập, 11 công trình giao thông, 13 trạm y tế, trường học, thiết thực phục vụ sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe người dân.
Huyện hỗ trợ gần 3.260 con lợn giống, hơn 1.480 con dê cái sinh sản, 1.920 con thỏ New Zealand, 34.824 con gà ri, gà lai chọi, hơn 3.820 con trâu, bò sinh sản cho gần 9.500 hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Nông dân trong huyện còn được hỗ trợ gần 33 tấn lúa, giống ngô lai, hơn 2.000 tấn vôi bột, phân bón các loại để thâm canh cây trồng; hỗ trợ mua các loại máy cày, bừa, bơm nước, tuốt lúa, thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và gần 1.500 hộ được hỗ trợ hơn bảy tỷ đồng chăm sóc, bảo vệ hơn 19 nghìn hec-ta rừng phòng hộ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, Phạm Văn Tuấn cho biết: Huyện ban hành các Nghị quyết chuyên đề, dành hơn hai tỷ đồng/năm thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, trồng cây cao-su, rừng gỗ lớn, cải tạo vườn tạp gắn với mở rộng vùng trồng cây ăn quả, kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn…
Ba năm trở lại đây, huyện Như Xuân bê-tông cố hóa được 125km đường giao thông nông thôn, lắp điện chiếu sáng bên 190km đường; sửa chữa, xây dựng gần 40 nhà văn hóa, 14 trung tâm văn hóa, hơn 10 trụ sở xã. Như Xuân đã có 4 xã, 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 13,29 tiêu chí nông thôn mới/xã và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,92%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, Nguyễn Văn Phương cho biết: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, cán bộ các cơ quan, phòng, ban cấp huyện hướng hoạt động về cơ sở, giúp đỡ hộ nghèo bằng những việc làm thiết thực. Hằng tháng, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ công chức xuống thôn, bản hai lần để tư vấn, tuyên truyền về chủ trương chính sách giảm nghèo, hướng dẫn ứng dụng các tiến hộ KHKT vào sản xuất và trực tiếp tham gia chỉnh trang khu dân cư, nhà ở, cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây hàng hóa, giúp nông dân di chuyển, làm chuồng trại xa nơi ở, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn…
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa, Trịnh Ngọc Dũng, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách chương trình mục tiêu quốc gia, trợ giúp thiết thực của doanh nghiệp, các ngành, các huyện đỡ đầu, các cán bộ trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã hướng hoạt động về cơ sở, đồng hành cùng hộ nghèo, khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực vươn lên của hộ nghèo. Đây là giải pháp căn cơ, tạo ra kết quả cụ thể để huyện miền núi Như Xuân thoát nghèo.
Theo Mai Luận Báo Nhân dân
Các tin bài khác
- » Cần mở rộng đối tượng và nâng mức vay xây nhà tránh lũ
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 2: Tháo gỡ bất cập để chính sách thuận đường tới đích)
- » Chính sách cho vay nhà ở xã hội đi vào cuộc sống (Kỳ 1: “Giấc mơ có thật” ở Quảng Nam)
- » Kim Bôi với công tác giảm nghèo
- » Người dân thoát nghèo nhờ vốn vay chính sách
- » Vĩnh Phúc chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Kinh Bắc
- » Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại xã của NHCSXH
- » NHCSXH nghiệm thu Đề tài “Vai trò của Trưởng thôn trong thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở”
- » Sức sống mới trên vùng đất Tây Trường Sơn