Vĩnh Phúc chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

19/12/2018
(VBSP News) Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 - 2018 vừa diễn ra, Vĩnh Phúc nằm trong danh sách 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn lớn ủy thác sang NHCSXH cho vay giải quyết việc làm tại địa phương.
Nhiều gia đình ở Vĩnh Phúc thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Nhiều gia đình ở Vĩnh Phúc thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm

Hai lần được “vinh danh”

Thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định, muốn xóa nghèo bền vững phải chăm lo GQVL; muốn GQVL hiệu quả ngoài nguồn vốn tín tín dụng chính sách, chính quyền các cấp phải vào cuộc một cách quyết liệt. Với một quyết sách tích cực, nguồn vốn ủy thác của tỉnh Vĩnh Phúc chuyển sang NHCSXH năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2017, tỉnh đã bổ sung kinh phí cho NHCSXH trên 60 tỷ đồng, huy động nguồn lực tại công ty Honda 31,1 tỷ đồng, điều chuyển hơn 17 tỷ đồng cho vay XKLĐ năm 2016 chuyển sang, nâng tổng số nguồn vốn ủy thác của tỉnh cho vay GQVL thông qua NHCSXH lên 221,4 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Vĩnh Phúc là một trong 16 tỉnh, thành phố có vốn ủy thác trên 100 tỷ đồng. Một năm sau - tháng 10/2018, Vĩnh Phúc lại được “vinh danh” là một trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn lớn ủy thác sang NHCSXH cho vay GQVL tại địa phương.                                    

GQVL gắn với XKLĐ

Theo số liệu từ Sở LĐTB&XH, năm 2017, thông qua nguồn vốn ủy thác qua hệ thống NHCSXH, toàn tỉnh đã có hơn 2.000 dự án vay vốn GQVL với tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng; đồng thời có 248 hộ vay vốn XKLĐ với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 41 cơ sở dạy nghề, trong đó có 7 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Công tác dạy nghề ở Vĩnh Phúc gắn với tạo việc làm bền vững, học nghề để tạo việc làm tại chỗ; tăng cường giải pháp liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, thông qua hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo, đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách mới liên quan đến GQVL và XKLĐ.

Nhờ thực hiện tốt chính sách tín dụng, huyện Tam Dương luôn là một trong những địa phương đứng đầu về XKLĐ của tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến tháng 9/2018, dư nợ cho vay XKLĐ của huyện đạt gần 4 tỷ đồng với hơn 70 khách hàng. Cùng với XKLĐ, dạy nghề để GQVL cho nhiều lao động nông thôn được xác định là một nhóm giải pháp quan trọng. Với mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Đơn cử như gia đình anh Lê Văn Tứ ở thôn Kiên Tràng, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo do không có vốn để đầu tư chuồng trại anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình GQVL của NHCSXH huyện. Với số tiền tích lũy của gia đình, anh mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà thịt, nay anh nuôi hơn 5.000 gà thương phẩm, trung bình mỗi lứa gà đem về thu nhập cho gia đình trên 80 triệu đồng. Theo báo cáo của NHCSXH huyện Tam Đảo, dư nợ cho vay GQVL trên địa bàn huyện đến nay là 23 tỷ đồng với 659 hộ vay vốn.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đường CNH - HĐH, nhiều người kỳ vọng rằng tương lai không xa GQVL sẽ trở thành chương trình vay vốn trụ cột trong các chuong trình tín dụng ưu đãi khác của tỉnh Vĩnh Phúc.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác