Sức sống mới trên vùng đất Tây Trường Sơn

09/12/2018
(VBSP News) Toàn địa phận vùng đất huyện Minh Long, nằm ở phía Tây Trường Sơn mấy năm qua được tỉnh Quảng Ngãi và các chương trình, dự án, đáng kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư mạnh mẽ nên đã tạo chuyển biến mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, đến nay chỉ còn 31,7%, giảm 5,68% so với năm 2017. Đời sống người dân được cải thiện và bộ mặt nông thôn miền núi Minh Long ngày càng khởi sắc.
Cán bộ NHCSXH huyện Minh Long xuống cơ sở động viên hộ vay vốn Ảnh: Quang Cảnh

Cán bộ NHCSXH huyện Minh Long xuống cơ sở động viên hộ vay vốn
                                                                                             Ảnh: Quang Cảnh

Về huyện Minh Long, vùng đất phía dãy Tây Trường Sơn hùng vĩ vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay rõ rệt trên những khu rừng, cánh đồng, nhà ở và công trình phục vụ dân sinh. Ấn tượng nhất là tỉnh lộ và những con đường bê tông rộng thoáng nối liền các xã, huyện trong tỉnh, tạo sự liên kết vùng miền, giao thương hàng hóa cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Bí thư huyện ủy Minh Long Nguyễn Văn Long cho biết, chuyện giảm nghèo ở nơi đây được đặt ra từ lâu, nhưng do khâu triển khai thực hiện, không đồng bộ, thiếu tính bền vững. Do đó, nhiều hộ đã thoát được nghèo nhưng lại tái nghèo, những thôn xã có trên 72% đồng bào dân tộc Hrê sinh sống vẫn không thoát khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn và huyện vẫn là huyện nằm trong danh sách 64 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a… Đây chính là cơ sở chủ yếu để Minh Long xây dựng và thực hiện Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo nhanh, bền vững. Cũng theo ông, một trong những cách làm hay, thiết thực mở hướng giảm nghèo bền vững cho người dân là huyện chủ trương xã hội hóa trong chương trình hỗ trợ người nghèo thông qua tiếp nhận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước và huy động nguồn lực của địa phương của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đặc biệt đổi mới phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng tăng cường cho vay vốn chính sách thay cho cấp phát, cho không, cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện cho người dân để vừa chủ động đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vừa tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Nhìn chung trong 3 năm từ năm 2016 - 2018 với việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới phương thức đầu tư hỗ trợ và các chính sách đặc thù đối với vùng miền núi dân tộc đã tạo điều kiện cho hộ nghèo thiếu vốn, thiếu kỹ thuật được hỗ trợ kịp thời để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống. Sự đổi mới từ cơ chế chính sách hỗ trợ 100% giống cây, vật nuôi sang cho vay vốn chính sách đã nâng dần nhận thức của người dân trong sử dụng đồng vốn vay có kế hoạch, có kết quả, tạo sự chuyển biến về ý thức và tính tự chủ của đồng bào DTTS, tự vươn lên thoát nghèo. Riêng trong 10 tháng năm 2018 huyện Minh Long có trên 660 lượt hộ vay với dư nợ gần 23 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn đạt trên 113 tỷ đồng sau 16 năm hoạt động. Nhiều hộ dân nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình ông Lê Tấn Viên ở thôn Sơn Châu, xã Long Sơn từ số tiền vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, ông Viên đầu tư nuôi bò sinh sản, thả cá trên núi… Nhờ vậy, nguồn thu của gia đình ông ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo. Hay như gia đình chị Đinh Thị Xoan ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An, sử dụng vốn vay của chương trình hộ nghèo cải tạo đất đồi hoang hóa trồng 8.000 cây keo lai, chăn nuôi 5 con bò mỗi năm thu nhập hơn 80 triệu đồng.

Đến thăm gia đình chị Đinh Thị Hợp, dân tộc Hrê ở thôn Mai Lãnh Trung, xã Long Mai, chúng tôi được biết hiện cơ ngơi kinh tế đồi rừng của gia đình chị có 8ha rừng keo nguyên liệu vừa thu hoạch xong, trừ chi phí đầu tư, gia đình đã thu hơn 60 triệu đồng mỗi năm. Chị Hợp khẳng định, trước đây đồng bào chúng tôi trồng lúa, trồng mì chỉ đủ ăn, từ khi NHCSXH cho vay vốn ưu đãi phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cuộc sống ngày càng sung túc. Cũng được hai lần liên tiếp vay vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, gia đình ông Đinh Văn Tuất ở xã Long Mai đã cải tạo vườn đồi hoang sơ trước kia trở thành vườn cây ăn quả xanh tốt, với đủ các loại cây trồng như quýt, bưởi, chanh, măng cần, trong đó nhiều nhất là quýt ngọt, bưởi da xanh với gần 300 gốc. Nhờ biết cách trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất, nên nhà ông Tuất có nguồn thu nhập đến cả trăm triệu đồng mỗi năm, trả nợ ngân hàng trước thời hạn 1 năm và được chọn làm mô hình để giới thiệu cho các hộ dân trong địa phương đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm.

Vùng đất Minh Long nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn đang khởi sắc từng ngày bởi đã được các chương trình dự án, trong đó có nguồn vốn tín dụng chính sách đầu tư, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Đa số người dân ở miền núi cao này đã tiếp cận thuận lợi vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước về tiền vốn, kỹ thuật để phát triển SXKD, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ổn định bền vững, NHCSXH nỗ lực cùng các ngành, đoàn thể trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh chuyển tải nhanh chóng, đầy đủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các thôn, bản xa gần và đến đúng địa chỉ người nghèo cần vốn ở huyện miền núi Minh Long.

Bài Đông Dư

Các tin bài khác