Cách làm giàu của nông dân Hương Khê

05/12/2018
(VBSP News) Hương Khê - huyện miền núi biên giới của tỉnh Hà Tĩnh nổi tiếng với bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, chè xanh Hương Trà nhưng lại nằm ở vùng “đỉnh lửa, rốn lũ” nên gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Mấy năm trở lại đây, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, trong đó nguồn vốn tín dụng ưu đãi là công cụ đắc lực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

 

Nông dân Hương Khê vay vốn ưu đãi phát triển vườn cây ăn quả

Nông dân Hương Khê vay vốn ưu đãi phát triển vườn cây ăn quả

Cùng với các nguồn lực khác, những đồng vốn từ NHCSXH huyện Hương khê góp phần phát huy tiềm năng về điều kiện thổ nhưỡng, đầu tư mở rộng thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản, chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp sang trồng rừng, trồng cây có giá trị kinh tế cao như trầm gió, keo lá tràm. Đơn cử về hộ chị Nguyễn Thị Mến ở xóm 6, xã Hà Linh trước đây gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đang loay hoay tìm hướng để thoát nghèo, thông qua Hội PN xã, gia đình được vay vốn ưu đãi của NHCSXH đầu tư vào nuôi trâu sinh sản và cải tạo vườn tạp thành vườn trồng giống cam mới năng suất cao. Sự siêng năng lao động của chị Mến đã được đền đáp. Sau 3 năm cam cho quả bói, trâu cũng sinh được 2 con nghé, mang lại thu nhập cho gia đình. Năm 2017, gia đình chị thoát nghèo, trả hết nợ vay cho ngân hàng.

Một điển hình khác về sử dụng vốn vay của NHCSXH mà chúng tôi được “mục sở thị”, đó là hộ anh Trần Văn Đương ở xóm 5, xã Hòa Hải. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, được coi là “rốn lũ” ở huyện Hương Khê, nhà ở, ruộng vườn thường xuyên bị ngập lụt. Không cam chịu hoàn cảnh, vợ chồng anh tìm đến vùng biên giới Việt - Lào khai hoang lập nghiệp. 2ha rừng trồng đầu tiên được họ nâng niu như báu vật, mỗi khoảng đất đều được tính toán chi ly trồng loại cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Đương trồng các loại cây lương thực như sắn, ngô phục vụ cuộc sống gia đình, sau khi có thu nhập mới đầu tư mua gần trăm cây cam, cây bưởi về trồng. Cùng nghị lực bền bỉ của bản thân, sự động viên của anh em bạn bè, có sự giúp đỡ của chính quyền, đặc biệt được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH 2 lần và tham gia tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vợ chồng anh Đương mạnh dạn nhận thêm diện tích đồi trọc trồng 2ha bưởi Phúc Trạch, chuyển đổi 8ha đất trồng keo sang cây ăn quả đặc sản, cải tạo ao đầm nuôi cá, nuôi ngan vịt và làm nhà cao trên lưng đồi để phòng tránh lũ lụt. Đất đã không phụ công người, từ năm 2016, mô hình vườn ao chuồng của anh đã cho thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước.

Đánh giá về hiệu quả của nguồn vốn chính sách, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hải Ngô Thị Huyền cho biết: “Nguồn vốn chính sách luôn đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp nhiều gia đình bớt đi cảnh nghèo khó, phòng tránh lũ lụt tốt, cải thiện rõ rệt cuộc sống, đồng thời góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh trật tự xã hội”.

Bài và ảnh Đông Dư

Các tin bài khác