Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Giúp người dân có nước sạch
Vì không có điều kiện để mua bồn đựng nước nên những năm trước đây, gia đình chị Trương Thị Hồng Châu ở thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) dùng thùng phuy để đựng nước sinh hoạt. Theo chia sẻ của chị, do thùng phuy không có nắp đậy nên nước hay bị nhiễm bẩn và xuất hiện lăng quăng, bọ gậy. Vì thế, nhiều lần chị và người thân bị nổi mẩn ngứa sau khi tắm. Sử dụng nguồn nước này để nấu ăn, con gái của chị hay bị viêm đường ruột. Do đó, năm 2016, sau khi được NHCSXH huyện hỗ trợ vay 12 triệu đồng, chị quyết định xây công trình vệ sinh và mua ngay chiếc bồn để trữ nước. “Từ khi có bồn đựng nước, nguồn nước sạch sẽ hơn nên gia đình cảm thấy rất yên tâm khi sử dụng”, chị Châu chia sẻ.
Tương tự, từ năm 2014 đến nay, nhờ được vay 8 triệu đồng từ NHCSXH huyện Phú Thiện để xây dựng công trình vệ sinh và làm giếng khoan, 06 người trong gia đình bà Rmah H’Buát ở Plei Tel B2, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bà H’Buát vui vẻ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi phải đi xin nước của các hộ dân trong làng để sử dụng nên rất bất tiện. Đó là chưa kể nước được trữ lâu ngày trong các thau nhựa không đảm bảo vệ sinh. Sau khi được vay vốn, gia đình đã bỏ thêm 24 triệu đồng để khoan giếng và làm nhà vệ sinh. Từ đó đến nay, mọi sinh hoạt của gia đình thuận tiện hơn nhiều”.
Ông Siu Kơn - Trưởng thôn Plei Tel B2 cho biết, những năm trước đây, nhiều hộ dân trong thôn vì không có giếng nước nên đã tự đào một hố sâu khoảng 4m để lấy nước sinh hoạt. Nguồn nước này không đảm bảo nên nhiều trường hợp sau khi tắm bị nổi mẩn ngứa hoặc dẫn đến đau bụng, tiêu chảy khi dùng để nấu nướng. Thời gian gần đây, nhờ NHCSXH huyện đẩy mạnh cho vay ưu đãi theo chương trình NS&VSMTNT, 15 hộ trong thôn đã được vay trên 120 triệu đồng để làm nhà vệ sinh và khoan giếng. Nhờ đó, đến nay, 100% hộ dân trong thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh. “Có giếng khoan, người dân không chỉ bớt được thời gian, công sức đi lấy nước như trước đây mà còn yên tâm về nguồn nước”, ông Kơn cho biết.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
“NHCSXH đã triển khai thực hiện đúng Quy định 1205/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Chính phủ về nâng hạn mức cho vay tối đa mỗi công trình nước sạch, vệ sinh lên 10 triệu đồng/hộ, từ đó tạo thuận lợi để người dân xây dựng các công trình đạt chuẩn, nâng cao chất lượng cuộc sống”, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Gia Lai, Đinh Văn Nghĩa thông tin.
Theo ông Đinh Văn Nghĩa - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, tính từ năm 2006 đến nay, dư nợ cho vay chương trình NS&VSMTNT trên địa bàn tỉnh đạt 685 tỷ đồng, giúp trên 75.000 lượt hộ vay xây mới và sửa chữa 142.374 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, trong chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh có 61.426 lượt hộ được vay 552 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa 121.384 công trình. Điều này cho thấy, chương trình cho vay không chỉ giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần giúp các địa phương xây dựng NTM.
Dẫn chúng tôi thăm một số hộ dân trong xã, ông Huỳnh Thái Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ia Hrú cho biết, tính đến nay, NHCSXH huyện Chư Pưh đã giải ngân trên 1,4 tỷ đồng giúp hơn 115 hộ trong xã xây mới và sửa chữa 222 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh. Kết quả này đã góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả tiêu chí số 17 về môi trường, an toàn thực phẩm và số 11 về hộ nghèo. Ông Nghiêm bày tỏ: “Những năm trước đây, do chưa có điều kiện nên đa số các công trình cung cấp NS&VSMTNT của các hộ dân đều được xây dựng tạm bợ. Từ khi được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ đã xây mới và sửa chữa các công trình nước sạch, vệ sinh đảm bảo hơn. Nhờ đó, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh toàn xã đạt trên 95,5%, hộ nghèo giảm còn 6,9%. Cùng với thực hiện tốt các tiêu chí khác, tháng 2/2018, xã được công nhận đạt chuẩn NTM”.
Tương tự, nhờ NHCSXH huyện Phú Thiện đẩy mạnh cho vay chương trình NS&VSMTNT, cuối năm 2017, xã Ia Sol có 98% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Ông Ksor Soan - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 2.245 hộ, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 42%. Những năm trước, vì chưa có giếng, nhiều hộ dân trong xã thường ra sông lấy nước về sử dụng nên chất lượng nguồn nước không đảm bảo. Được đơn vị hỗ trợ vay trên 3,8 tỷ đồng, hơn 500 hộ đã xây và sửa chữa được trên 900 công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp chuẩn. Nhờ đó, đời sống hộ dân được cải thiện đáng kể và giúp xã hoàn thành được tiêu chí số 17 về môi trường, an toàn thực phẩm. Vừa rồi xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài và ảnh Hồng Thương
Các tin bài khác
- » NHCSXH gặp mặt cán bộ nghỉ hưu
- » Xuân ấm áp yêu thương
- » Vốn vay ưu đãi, “đòn bẩy” để người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo
- » Nguồn lực chính trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
- » Những dòng vốn chuyển dời nhận thức
- » TÀI CHÍNH NÔNG THÔN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO: TỪ Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH ĐẾN CÁCH THỨC SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM
- » Hội nghị giao ban ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2019
- » Vốn ưu đãi đến tay, thoát ngay cảnh khó
- » Sơn Hà bước ra từ huyện nghèo
- » Nuôi hy vọng trên miền đất khó