Tín dụng ưu đãi hỗ trợ làng nghề
Chạy dài hai bên kinh Mương Bàu thuộc khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt là những cánh đồng lúa xanh ngát. Trên mặt bờ đê, nhiều hộ dân khéo léo tận dụng trồng các loại hoa cúc, thọ đơm hoa rực rỡ. Theo ông Từ Hòa Khải - Chủ tịch Hội Nông dân phường Thốt Nốt, nghề trồng hoa ở đây đã có hơn chục năm nay, giúp bà con tăng thêm huê lợi. Ban đầu chỉ trồng vài loại hoa cúc, thọ phổ biến để bán cho người dân trong vùng. Dần dà, một số hộ mạnh dạn đầu tư trồng hoa chuyên nghiệp, phục vụ ngày Tết. Nhận thấy nghề trồng hoa đem lại hiệu quả kinh tế khá, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, quận Thốt Nốt chủ trương hỗ trợ các nông hộ phát triển nghề, trong đó có việc tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH.
Ghé nhà anh Văng Phú Sĩ ngụ khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, chúng tôi không khỏi trầm trồ trước những chậu hoa cúc cao hơn nửa người đang xum xuê nụ. Chỉ tận dụng diện tích bờ đê quanh nhà, năm nay anh Sĩ trồng hơn 2.500 giỏ hoa các loại. Anh Sĩ cho biết: “Tết này, được quận hỗ trợ nhà màng và 5 loại cây giống hoa để trồng thử. Nhờ 40 triệu đồng vốn vay từ NHCSXH, tôi hoàn toàn yên tâm khi đầu tư chi phí phân bón, vật tư để thử sức các giống hoa mới. Lãi suất thấp nên tôi cân đối thu nhập, trả lãi, đóng tiền tiết kiệm hằng tháng rất dễ dàng”. Chị Lê Thị Lình, vợ anh Khải vui vẻ chia sẻ, với khoảng 2.500 giỏ hoa, tổng chi phí đầu tư phân rơm và chậu cũng đã khoảng 20 triệu đồng. Được NHCSXH cho vay tiếp sức, vợ chồng chị đỡ lo hơn nhiều. Thời tiết thuận lợi, hoa nở tốt, đúng ngày, bán được giá, lợi nhuận thu được Tết này của anh chị có thể đạt từ 50 - 60 triệu đồng. Được vậy thì những vụ hoa sau vợ chồng chị không phải lo chuyện vốn liếng ban đầu nữa.
Ông Từ Hòa Khải cho biết: “Đầu năm 2018, quận chọn phường Thốt Nốt làm thí điểm xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị. Trong đó, mô hình trồng rau sạch và hoa được ưu tiên đầu tư, phát triển trước. Tính đến nay, Tổ hội nghề nghiệp trồng hoa hiện có 28 thành viên với diện tích canh tác khoảng 3,8ha; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn có 16 thành viên, canh tác khoảng 1,6ha. Ngoài hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật và cây giống, quận tranh thủ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH để hỗ trợ bà con chi phí canh tác. Hội Nông dân phường đang nhận ủy thác cho vay khoảng 12 tỷ đồng, với 560 hộ vay, trong đó, 2 mô hình này chiếm khoảng 30 hộ vay vốn với tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ này, bà con yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô trồng trọt. Đến thời điểm này, các thành viên ở 2 mô hình đều đã sẵn sàng cung ứng sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019”.
Rời phường Thốt Nốt, chúng tôi đến phường Thuận Hưng, cảm nhận không khí lao động tất bật, chuẩn bị hàng Tết của bà con làm nghề sản xuất bánh tráng truyền thống. Tính toàn phường, hiện có khoảng 60 hộ làm nghề sản xuất bánh tráng và hủ tiếu ở các khu vực: Tân Thạnh, Tân An, Tân Phú và Tân Phước.
Đã hơn 5 giờ chiều, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu vực Tân Thạnh vẫn còn tranh thủ gỡ bánh tráng. Chị cho hay, làng nghề bánh tráng hoạt động quanh năm và rộ nhất là 2 tháng cuối năm âm lịch. Như lò bánh nhà chị, ngày thường, 3 thành viên trong gia đình làm được khoảng 1 thiên bánh. Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, chị Hạnh phải thuê thêm 2 lao động phụ giúp mới làm được 3 thiên bánh mỗi ngày. Và để kịp đơn đặt hàng của khách, hơn 1 tháng nay, ngày nào chị Hạnh cũng thức từ 12 giờ khuya, nhóm lò tráng bánh. Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ làm bánh Tết, chị Hạnh thường tranh thủ mua lúa lúc giá còn thấp, vựa sẵn để dành. Vài ba tháng chị lại đem lúa đi xay gạo rồi xay bột, làm bánh, đảm bảo lợi nhuận cao hơn so với mua gạo hoặc bột xay sẵn. Chị Hạnh cho biết: “Ngoài các nguyên liệu chính để làm bánh, tiền trấu đốt lò đã hơn 200.000 đồng, thuê thợ gần 400.000 đồng/ngày. Nhờ địa phương giới thiệu, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho tôi vay được 27 triệu đồng làm vốn, lò bánh của tôi hoạt động thuận lợi hơn. Vốn vay lãi suất thấp, thời gian vay dài, cách trả linh hoạt nên gia đình tôi không bị áp lực, dễ dàng trả lãi, đóng tiết kiệm đầy đủ, đúng hạn”.
Chị Hạnh chuyên tráng bánh tráng ngọt, cung cấp khắp các tỉnh trong vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Theo chị, hiện nay, mỗi ngày tráng khoảng 6 thiên bánh vẫn không đủ giao. Vì thế, chị mong muốn sau đáo hạn lần vay này, tiếp tục được hỗ trợ vay để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hiếu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng cho biết: “Tổ đang quản lý 54 hộ vay vốn NHCSXH, số tiền từ 8 - 40 triệu đồng/hộ. Trong đó, số hộ vay để phục vụ làm nghề bánh tráng chiếm khoảng 20 hộ. Nguồn vốn vay NHCSXH đã hỗ trợ các hộ làm nghề thuận lợi; qua đó, giữ gìn và phát huy hiệu quả kinh tế nghề truyền thống tại địa phương”.
Theo Mỹ Tú> Báo Cần Thơ
Các tin bài khác
- » Khi đồng vốn chính sách về với nông dân nghèo
- » Một năm nỗ lực vượt bậc của hoạt động tín dụng chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Lắng nghe từng “nhịp thở” của chính sách
- » NHCSXH gặp mặt cán bộ nghỉ hưu
- » Xuân ấm áp yêu thương
- » Vốn vay ưu đãi, “đòn bẩy” để người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo
- » Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » Nguồn lực chính trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
- » Những dòng vốn chuyển dời nhận thức
- » TÀI CHÍNH NÔNG THÔN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO: TỪ Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH ĐẾN CÁCH THỨC SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM