Khi đồng vốn chính sách về với nông dân nghèo

24/01/2019
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La, hàng ngàn hộ nông dân nghèo đã làm chủ, vươn lên thoát nghèo bền vững. Họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tìm tòi hướng làm ăn mới để hiện thực hóa giấc mơ thay đổi cuộc sống của gia đình, tạo bộ mặt mới cho quê hương.
Anh Lý A Đoàn vay vốn đầu tư nuôi bò

Anh Lý A Đoàn vay vốn đầu tư nuôi bò

Những ngày này, chúng tôi có dịp cùng các cán bộ NHCSXH đến Điểm giao dịch tại xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai tìm hiểu về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách càng hiểu thêm ý nghĩa nhân văn mà Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo.

Hành trình 40km từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai đến xã Chiềng Khay được nghe khá nhiều câu chuyện về cuộc sống bà con nơi đây. Chiềng Khay nằm dưới chân ngọn núi Khau Pùm, vốn là nơi heo hút nhất của huyện Quỳnh Nhai nên được mệnh danh là vùng đất khó, đất nghèo. Tuy nhiên, đó là những câu chuyện của những năm về trước, giờ đây Chiềng Khay đang vươn lên trong một thế đi vững chãi. Hình ảnh người dân chỉ biết trồng ngô, trồng lúa đã đi vào dĩ vãng, cảnh thiếu ăn, phải tìm rau rừng, ăn củ sắn, ăn ngô thay cơm giờ đã không còn. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mua được ô tô, xây nhà kiên cố… Cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang ngày thêm ấm no từ dòng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Sinh sống tại bản Táng Luông, gia đình ông Lò Văn Thặt trước kia chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô, sắn cho năng suất thấp, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Mười năm trở về trước cả bản rất nghèo nên ông trăn trở lắm. Rào cản đầu tiên của người nghèo phải tự mình vượt qua chính là tư tưởng và ý chí của bản thân. Không ít người khi bắt tay vào phát triển kinh tế, gặp một số khó khăn về vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật… rất dễ buông xuôi.

Ông Thặt cho biết: “Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, tôi được tư vấn vay vốn, rồi tìm hiểu các mô hình, học hỏi kinh nghiệm của những người đã thành công, tôi vận động anh em họ hàng cùng thành lập HTX Lò Mạnh Sáng với ngành nghề chính là khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng. Năm 2016, 8 thành viên HTX được vay 320 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH, tôi cùng các thành viên HTX đã mua thêm máy móc để phục vụ việc sản xuất vật liệu xây dựng, tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình, trồng thêm cây chanh leo… Để có thêm kinh nghiệm, tôi cùng các thành viên trong HTX đã về Mộc Châu học tập kinh nghiệm trồng chanh leo. Đến nay, HTX có 2ha chanh leo, 4ha chẩu xoan, 4 máy xúc, 3 ô tô và 1 trạm xay đá phục vụ sản xuất; tạo việc làm cho 9 lao động là thành viên HTX với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ năng động trong sản xuất, năm 2017, doanh thu HTX đạt gần 1 tỷ đồng”.

Còn ở huyện Mai Sơn, nông dân Lý A Đoàn ở bản Pá Hốc, xã Chiềng Nơi như hình mẫu của giảm nghèo. Là một người bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm với những trăn trở quyết tâm vượt lên nghèo khó, ông quyết tâm phát triển chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện cuộc sống. Nhận thấy được tiềm năng từ việc chăn nuôi đại gia súc, năm 2010, ông vay 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện mua 1 con bò giống, 3 năm sau gia đình ông trả hết nợ ngân hàng, tiếp tục vay 50 triệu đồng mua thêm 3 con giống để nhân rộng đàn bò. Sau gần 10 năm, đến nay, đàn bò của gia đình ông đã có 23 con, tổng giá trị gần 300 triệu đồng.

Trong căn nhà khang trang, vừa rót trà mời khách, ông Cà Văn Phái ở bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La phấn khởi cho biết: “Trước đây, 8 nhân khẩu của gia đình tôi sống chung trong ngôi nhà sàn ọp ẹp, mùa mưa đến là cả nhà lại thấp thỏm, lo lắng. Năm nay, gia đình được vay 25 triệu đồng hỗ trợ làm nhà ở cộng với tiền gia đình tích cóp, vay mượn của anh em họ hàng, tôi đã cất được căn nhà mái bằng kiên cố. Thời hạn vay trong 15 năm, nên chúng tôi đang tập trung chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả để trả dần tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng theo quy định”.

Với người nghèo, họ không chỉ thiếu vốn, điều kiện mà còn thiếu cả phương pháp, kinh nghiệm làm ăn. Ngoài việc chỉ đạo cho vay đúng quy định, đối tượng, cho vay tín chấp thông qua tổ chức hội, không thu phí, đưa vốn đến tận nơi giao dịch, bản thân cán bộ tín dụng phải nhiệt tình, trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn hiệu quả, hoàn trả gốc, lãi đúng kỳ hạn, bảo đảm luân chuyển vốn cho hộ khác vay để thoát nghèo.

Để thuận lợi cho người nghèo, NHCSXH tỉnh Sơn La đã bố trí 204 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; phối hợp củng cố, kiện toàn 3.932 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Không chỉ hoạt động ổn định và hiệu quả, các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh cũng đang đóng vai trò như những “cầu nối” giữa NHCSXH với người dân trong tuyên truyền chính sách, giải ngân và quản lý vốn vay. Hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở được quản lý hiệu quả, việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay được thực hiện dân chủ, công khai từ cơ sở, có sự tham gia giám sát của người dân, của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở và trưởng bản, tiểu khu, đảm bảo cho nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Các tổ chức nhận ủy thác các cấp đã tích cực phối hợp với NHCSXH tỉnh đẩy mạnh các chương trình tín dụng tại địa phương.

Một mùa xuân mới lại về, những cán bộ NHCSXH tỉnh Sơn La tiếp tục hành trình đem mùa xuân ấm áp và hạnh phúc cho người nghèo. Hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH mang lại đã góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn ấy không chỉ mang mùa xuân đến cho người nghèo mà còn đồng hành cùng nhân dân xây dựng một cuộc sống no đủ từ những sinh kế đầu tư bài bản, dài hạn.

Theo Nguyễn Yến Báo Sơn La

Các tin bài khác