Vốn chính sách dệt nên mùa xuân ấm no ở Quảng Ngãi

04/02/2019
(VBSP News) Quảng Ngãi nổi tiếng khắp cả nước với những danh thắng như nền văn hóa lâu đời Sa Huỳnh, khu du lịch “núi Ấn, sông Trà”, căn cứ Cách mạng lịch sử Ba Tơ - Minh Long. Song, miền quê “lưng tựa vào Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông” này có các dạng địa hình tương đối phức tạp, với nhiều núi đồi sỏi đá và lắm cồn cát ven biển, chiếm hơn 1/2 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cùng với đó là 85 xã nằm ở vùng sâu, vùng DTTS, vùng bãi ngang hải đảo đã trở thành thách thức lớn đối với công cuộc giảm nghèo của Quảng Ngãi. Cũng từ khó khăn đó đã hối thúc những người làm tín dụng chính sách trong 16 năm qua luôn nỗ lực, bền bỉ gieo vốn cho no ấm được nở hoa, kết trái trên vùng đất này.
Ông Đinh Văn Kiên ở xã Long Mai, huyện Minh Long vay vốn nuôi bò

Ông Đinh Văn Kiên ở xã Long Mai, huyện Minh Long vay vốn nuôi bò

Chúng tôi may mắn được NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi dành thời gian đưa lên rừng, ra biển để “mục sở thị” những mô hình sản xuất giỏi, thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là Minh Long, một trong 6 huyện miền núi phía Tây Quảng Ngãi có tới 71% người dân tộc H’rê sinh sống và 100% số thôn, xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Chuyện thoát nghèo cho vùng quê này không phải bây giờ mới đặt ra, mà đã được nhiều cấp ngành trong tỉnh, huyện cùng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhưng hiệu quả đạt thấp, thiếu tính bền vững, để đến tận cuối đông, đầu xuân năm 2011, Đảng bộ, chính quyền huyện mới tìm được hướng đi, mở lối thoát nghèo cho nhân dân.

Từ mùa xuân năm ấy, lối thoát nghèo đã mở hướng làm giàu cũng rõ. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các nguồn lực từ Chương trình 134, 135, xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ưu đãi làm cho đất với người vùng núi cao thức dậy. Chủ trương chính sách đúng, cùng nguồn vốn lớn về đã làm điểm tựa cho Minh Long thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh, nông - lâm nghiệp trên toàn địa bàn. Điển hình là việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi đầu tư xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng theo phương châm “người người trồng rừng, nhà nhà trồng rừng” ở xã Thanh An đã lan tỏa đến các thôn, xã khác để đến xuân mới, toàn huyện có 10.670ha rừng keo lá tràm, nâng độ che phủ của rừng lên 54% tổng diện tích đất lâm nghiệp, đảm bảo cung ứng 80% nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu trên địa bàn.

Đưa chúng tôi thăm những cánh rừng keo xanh ngút ngàn bao quanh sườn đồi, Chủ tịch UBND xã Thanh An, Đinh Ê Hoàng hồ hởi nói: “Hiện tại khoảng 89% số hộ ở 14 thôn trong xã đã vay vốn của NHCSXH huyện trên 15 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào phát triển kinh tế đồi rừng. Đáng chú ý, nhiều gia đình đã lồng ghép tốt đồng vốn vay với ứng dụng KHKT vào lập vườn ươm cây giống, mở rộng diện tích khai hoang trồng rừng nguyên liệu, tạo nguồn thu nhập mỗi năm 70 - 80 triệu đồng”.

Tiêu biểu như gia đình chị Đinh Thị Sóc, dân tộc H’rê ở thôn Diệp Hạ, xã Thanh An trước đây cuộc sống rất khó khăn. Được sự động viên của Hội Phụ nữ địa phương cùng sự hướng dẫn tận tình của NHCSXH, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi trồng 10 nghìn cây keo lai, nuôi 2 cặp trâu sinh sản. Đến nay cuộc sống của gia đình chị đã đủ đầy hơn. Sau khi trả hết nợ vay ngân hàng, gia đình chị dành dụm mua xe ô tô bán tải để vận chuyển giống má, phân bón vào mùa trồng rừng.

Trở lại miền quê “núi Ấn, sông Trà” vào đầu năm mới lúc nắng xuân bừng sáng, chúng tôi không chỉ ghi nhận sự đổi thay rõ rệt trên những con đường, làng mạc, ruộng vườn, bãi biển, cánh rừng mà còn rạo rực ấm lòng bởi tận tai nghe, mắt thấy những mô hình thoát nghèo, những chuyện làm giàu của người dân nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức. Trong “ngàn lẻ một” câu chuyện vươn lên thoát nghèo làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mà bà con làng chài An Thành 2, Bình Phú huyện Bình Sơn xôn xao kể thì chuyện đi lên từ đôi bàn tay trắng của “tỷ phú chân đất” Huỳnh Văn Trung là một tấm gương sáng, xứng đáng được biểu dương khen ngợi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, sau khi xây dựng gia đình, anh Huỳnh Văn Trung chỉ chuyên cấy lúa, trồng khoai và lúc nông nhàn ra bến cá làm thuê, song cuộc sống vẫn nghèo túng. Không cam chịu hoàn cảnh, vợ chồng anh tìm đến vùng đất hoang hóa ven biển lập nghiệp. Khởi đầu từ 20 triệu đồng vốn vay  hộ nghèo năm 2012, cùng với khát vọng, ý chí dám nghĩ, dám làm, anh Trung đã khai hoang và trồng được 1ha rừng cây tràm, 2 khoanh ao ruộng nuôi tôm, cá nước lợ. Không dừng ở đó, sau vài vụ thu hoạch, hoàn trả nợ vay, lại được sự động viên hỗ trợ của anh em, bạn bè, chính quyền địa phương thôi thúc anh Trung vay tiếp 50 triệu đồng vốn hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn để cải tạo chuyển đổi 4ha đất sình lầy sang trồng rừng ngập mặn, thâm canh cây ăn quả và đào ao thả cá, nuôi vịt. Đất không phụ công người, từ năm 2015, mô hình VAC của anh đã cho thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước, từ một trăm triệu đồng đến ngót 1 tỷ đồng. Có kinh nghiệm, có tích lũy, có NHCSXH làm điểm tựa, Huỳnh Văn Trung quyết tâm sang xuân mới mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp chăm sóc đàn vịt 5.000 con, 3 dãy chuồng nuôi heo khép kín, đồng thời xây dựng trang trại trồng trọt 15ha, trong đó có 8ha keo, 4ha cam, bưởi, một vườn ươm cây giống chọn lọc đủ các loại.

Với khát vọng thoát nghèo, những năm qua, các hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn trăn trở, thử nghiệm, xây dựng những mô hình SXKD phù hợp, lại được NHCSXH tiếp lửa, truyền lực nên có được cuộc sống no đủ, tươi vui hơn.

Đánh giá hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH đối với chương trình giảm nghèo bền vững ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Lê Viết Chữ cho biết: “Cùng với các chương trình, dự án khác, vốn tín dụng ưu đãi đã trở thành động lực quan trọng giúp địa phương thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”.

Có thể nói, suốt 16 năm qua, dòng vốn chính sách luôn chảy đều, thấm sâu vào lòng đất, lòng người, để cho cả miền quê “núi Ấn, sông Trà” vơi bớt khó khăn, giảm dần hộ nghèo, tăng trưởng đều kinh tế. Tính đến mùa xuân này, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 3.120 tỷ đồng, với 97 nghìn hộ vay, bình quân mỗi hộ có dư nợ 32 triệu đồng. Những đồng vốn đó đã góp phần thiết thực giúp Quảng Ngãi trở thành tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trung bình của cả nước, với hơn 60 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo và số xã đặc biệt khó khăn từ 85 xã đầu năm 2010 xuống còn 71 xã vào cuối năm 2018.

Ao tôm của gia đình anh Huỳnh Văn Trung được đầu tư từ vốn vay chính sách

Ao tôm của gia đình anh Huỳnh Văn Trung được đầu tư từ vốn vay chính sách

Cuộc hành trình của NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đạt được những thành tích đáng kể đó, trước tiên là luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể đã tạo lực cho nguồn vốn tín dụng ưu đãi tham gia trực tiếp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt từ mùa xuân năm 2015 đến nay đã bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm sâu sát hơn, tạo điều kiện thuận lợi đến mọi hoạt động của NHCSXH, cụ thể đã hỗ trợ cơ sở vật chất, bố trí địa điểm đất đai xây dựng trụ sở làm việc các Phòng giao dịch cấp huyện, các Điểm giao dịch cấp xã. Riêng trong năm 2018, tỉnh bố trí 42 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Với mạng lưới 214 Điểm giao dịch xã đã nâng độ che phủ rộng khắp toàn tỉnh xuống tận các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận dễ dàng nguồn vốn ưu đãi. Tiếp đó là sự đổi mới thủ tục, phương thức cấp tín dụng được thực hiện ủy thác một số công đoạn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và việc củng cố kiện toàn hệ thống 2.900 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn 14 huyện, thành phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc thực sự và chuyển tải kịp thời đồng vốn ưu đãi đến các đối tượng.

Đón xuân mới, nhìn lại cuộc hành trình 16 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi ở Quảng Ngãi rất đáng tự hào, chất lượng tín dụng luôn được củng cố, nâng cao. Bí quyết để có được thành công này chính là toàn bộ hoạt động của NHCSXH đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho nhân dân, giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thời gian cứ trôi, dưới chân núi Ấn, bên dòng sông Trà, những cán bộ tín dụng chính sách vẫn tràn đầy tình yêu nghề, đồng hành với người nghèo và các đối tượng tín dụng chính sách khác, chỉ với ước mong chân thành tạo điều kiện thuận lợi cho họ thoát cảnh nghèo khó, đi tới mùa xuân no ấm, nở hoa rực rỡ sắc màu.

Ghi chép của Minh Uyên

Các tin bài khác