Như “Cánh én” dệt mùa xuân tươi vui
Gia đình ông Nguyễn Thành Chót ở ấp 2, xã Long Trị, TX Long Mỹ (Hậu Giang) là một trong những gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH. Năm 2015, gia đình ông được vay ưu đãi theo chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền 15 triệu đồng. Từ số tiền này, gia đình ông đã mạnh dạn mua 2 con bò giống sinh sản. Với đức tính cần cù, chịu khó, ông đã chăm sóc 2 con bò phát triển ổn định, sinh sản đều mỗi năm. Đến nay, gia đình ông đã có 7 con bò, thu nhập từ việc chăn nuôi cũng ổn định 50 triệu đồng/năm và mang lại hiệu quả, đời sống gia đình từng bước được cải thiện. Năm 2017, gia đình ông thoát nghèo và hoàn trả đủ số vốn lại cho NHCSXH. Tiếp đó, trong năm 2017 gia đình ông tiếp tục vay 45 triệu đồng hộ mới thoát nghèo đầu tư nâng cấp và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi bò, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo bền vững và có cuộc sống khá giả, ông còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trong ấp cùng học tập làm theo.
Gia đình chị Trần Thị Ngọc Uyên ở khu vực 3, phường Thuận An được NHCSXH TX Long Mỹ cho vay số tiền 15 triệu đồng hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi. Chị đã mạnh dạn đầu tư vốn vay nuôi cá chạch thương phẩm và nuôi gia cầm, thu nhập từ việc chăn nuôi đạt 48 triệu đồng/năm, chị đã hoàn trả đủ vốn vay NHCSXH và xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị dự tính, năm 2019, gia đình chị sẽ tiếp tục vay vốn NHCSXH theo diện hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi.
Gia đình ông Nguyễn Thành Chót, chị Trần Thị Ngọc Uyên là 2 trong số hàng nghìn gia đình được thụ hưởng vốn vay từ NHCSXH tỉnh Hậu Giang. Qua thực tế, có thể thấy những đồng vốn tình nghĩa từ NHCSXH đã thực sự đem lại ấm no, hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn và chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng thoát nghèo.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đang thực hiện 16 chương trình cho vay ưu đãi, có tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 2.195 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2017, với hơn 97 nghìn hộ còn dư nợ.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Thanh Triều cho biết: “Khi vay vốn ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được cán bộ tín dụng hướng dẫn và cung cấp đầy đủ hồ sơ vay vốn miễn phí; được tham gia các lớp tập huấn, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm tại địa phương; được hưởng lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ và nhận tiền vay, trả nợ vay tại Điểm giao dịch xã, phường. Đây là những chính sách ưu việt nhất của NHCSXH”.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Hậu Giang còn thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể một số nội dung trong quá trình vay vốn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 76 Điểm giao dịch xã và 2.280 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, trực tiếp hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách về thủ tục vay vốn, quản lý vốn vay, chuyển giao KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn các hộ vay biết cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Việc cho vay, thu nợ, thu lãi được cán bộ tín dụng thực hiện trực tiếp tại các Điểm giao dịch với thủ tục hành chính nhanh, đúng quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân.
Có thể nói, hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Hậu Giang mang lại đã góp phần củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn ấy như “cánh én” không chỉ mang mùa xuân mà còn đồng hành cùng nhân dân xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyễn Văn Vũ
Các tin bài khác
- » Ba mùa xuân chở đầy những niềm vui
- » Tín dụng chính sách ở vùng đất mỏ Quảng Ninh
- » Mùa xuân no ấm
- » Mang đến những mùa xuân ấm no, hạnh phúc
- » Vốn chính sách dệt nên mùa xuân ấm no ở Quảng Ngãi
- » Hành khúc Xuân Kỷ Hợi
- » Mùa xuân “gõ cửa” những gia đình thu nhập thấp ở Hà Tĩnh
- » Chăm chút từng hạt giống nông thôn mới
- » Chỉ thị 40 ở nơi “đất Phú trời Yên”
- » Kết nối sức mạnh hệ thống chính trị để “không ai bị bỏ lại phía sau”