Về Lai Châu nghe tiếng Xuân reo sớm

06/02/2018
(VBSP News) Vượt qua cung đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai êm như ru, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt đèo Ô Quy Hồ một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc để đến với mảnh đất Lai Châu. Con đường đèo cao nhất và dài nhất Việt Nam hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện cùng với bản làng xa xa lẫn trong mây trắng như tạc vào Lai Châu một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Nhưng phía sau cái cảm giác bồng bềnh như cõi thần tiên ấy, càng đi sâu vào các bản làng xa lắc, chúng tôi cảm nhận rõ hơn một Lai Châu khó khăn vất vả nhất cả nước đặc biệt là đồng bào dân tộc các huyện xã vùng cao khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế trao quà cho các hộ nghèo của xã Tà Tổng, huyện Mường Tè

Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế trao quà cho các hộ nghèo của xã Tà Tổng, huyện Mường Tè

Hành trình trao quà Tết của đoàn cán bộ Công đoàn cơ sở Hội sở chính NHCSXH phối hợp với Công đoàn cơ sở Trung tâm CNTT và Đoàn TNCS NHCSXH TW vì thế càng thêm ý nghĩa trao gửi yêu thương cho những người dân không đủ điều kiện đón Tết trong chương trình “Chăn ấm vùng biên” thường niên.    

Mới một giờ chiều mà Bí thư Chi bộ bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, Chìn A Tơi (người dân tộc Mảng) đã giục giã bà con trong bản vào hội trường để chuẩn bị nhận quà Tết của NHCSXH. Dù hai giờ mới trao quà tặng, song công tác chuẩn bị quan trọng không kém. Bởi phần lớn người dân của bản ông cũng như các hộ nghèo trong xã này đều không biết chữ. Phần ký xác nhận lấy quà phải thay bằng điểm chỉ. Ấy thế mà nhiều người vẫn run bần bật vì lần đầu đến một chương trình long trọng và đông người như vậy. Phần nữa là địa hình trắc trở, bản xa nhất xã chỉ 20km như Nậm Nó 1 nhưng để về xã phải mất 2 tiếng còn đi bộ thì gấp đôi thời gian. Vì vậy, ông Tơi và cán bộ xã đều cố gắng để cùng NHCSXH trao quà Tết xong sớm, cho bà con kịp về nhà vào buổi tối.

Dù không phải là người trực tiếp nhận quà song ông Tơi vui lắm. Vui vì trong 70 phần quà của xã gia đình ông có hai người đó là bố và con trai cả của ông. Ông kể, vợ chồng hiếm muộn, nhưng hiện có bốn con vốn là của anh em ruột ông nhưng vì điều kiện quá khó khăn hoặc mất sớm nên ông nhận nuôi các cháu. Ông cũng chẳng phải khấm khá gì, làm ruộng và công tác thôn bản, song rau cháo qua ngày cũng nuôi được bốn đứa con khôn lớn. Cậu lớn Chìn A Dơi, vốn là con trai của người anh cả đã mất, ông cũng lo cho nó học được cái chữ, cái nghề, cất được cho nó cái nhà gỗ để lấy vợ sinh con và hiện đang làm y tế bản. Con thứ hai của ông hiện đang là học sinh lớp 11 Trường Hữu Nghị 80 dưới Hà Nội - nơi đào tạo nguồn cán bộ cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa và hải đảo. Hai đứa sau còn đang học phổ thông.

Ông tâm tư, người dân tộc Mảng mang họ Chìn của ông giờ không còn nhiều, cũng bởi vậy ông càng gắng gượng nuôi các con ăn học, bảo ban con làm kinh tế. Như con cả ông, dù đã làm y tế bản, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám nhiều năm nay. Ông khuyến khích vợ chồng con vay vốn NHCSXH huyện Nậm Nhùn 18 triệu đồng chăn nuôi thêm để bước qua đói nghèo. Giờ nó đã có đàn trâu 6 con, vừa bán một con để tiêu dùng và trả nợ ngân hàng. Khoe thằng cháu trai được một tuổi, ông lại càng thêm vui khi đại diện cho bố ông và con trai nên nhận quà Tết. Thêm chiếc chăn ấm, đợt gió lạnh đạng đang tràn xuống cuối tháng 1/2018 này ông chẳng còn phải lo bố ông và cháu ông không đủ ấm. Tết năm nay cũng thêm ấm áp khi nhà bố ông có thêm gạo thịt, và cháu ông có thêm sữa uống…

800.000 đồng một suất quà Tết có chăn ấm và tiền mặt đối với nhiều người đó là một món tiền nhỏ, song nếu nhìn vào thu nhập bình quân đầu người các xã mà đoàn tới là món quà không nhỏ. Như ở xã Trung Chải này, tách ra từ xã Nậm Ban cùng với thời điểm huyện Nậm Nhùn năm 2013 là nơi sinh sống của hơn nghìn người chủ yếu là đồng bào Mảng, người Mông, đến nay còn 69% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới được 9 triệu đồng, ấy là tính cả những người khá giả, gia sản cả 80 chục con trâu cùng 4 - 5ha rừng như ông Tào A Tơi.

Gia đình chị Lò Lý Xó, người dân tộc La Hủ, ở xã Tá Bạ, huyện Mường Tè vay vốn NHCSXH đã cải tảo vườn đồi và chăn nuôi bò, đời sống gia đình bớt phần nghèo khó

Gia đình chị Lò Lý Xó, người dân tộc La Hủ, ở xã Tá Bạ, huyện Mường Tè vay vốn NHCSXH đã cải tảo vườn đồi và chăn nuôi bò, đời sống gia đình bớt phần nghèo khó

Còn như xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, nơi sinh sống của 391 hộ dân với 80 % là người La Hủ, còn lại là người Hà Nhì thu nhập xã chỉ bằng phân nửa với 4,2 triệu đồng/người/ năm. Đây cũng là xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh và của tỉnh nghèo nhất cả nước.Tá Bạ nghèo từ nguồn nước, đến diện tích canh táclại thêm thời tiết khắc nghiệt lúc rét cắt da cắt thịt, lúc nắng cháy nên mùa màng bấp bênh.Thiếu đói lúc giáp hạt dăm ba tháng không phải là chuyện bất thường với người dân nơi đây. Phó Chủ tịch xã Lỳ Ló Hừ cho biết nếu không có khoản thu 10 triệu đồng tiên tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng một năm cùng những hỗ trợ từ đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” của Chính phủ các chương trình tín dụng chính sách triển khai trên mảnh đất này, thì thu nhập người dân còn thấp hơn và chẳng thể giảm được hơn 5% hộ nghèo trong năm 2017 đưa tỷ lệ hỗ nghèo của xã đến thời điểm hiện tại là 80,25%.

Càng đi càng thấm những khó khăn vất vả của cán bộ tín dụng nơi vùng cao biên giới. Đánh rằng người dân tộc Mảng và La Hủ, người Cống hay người Mông chưa quen với việc phát triển kinh tế mà sống dựa vào rừng và thiên nhiên đôi khi có chút ỉ lại vào trợ cấp Nhà nước. Song, câu chuyện phát triển kinh tế hàng hóa không dễ dàng khi đường xá chưa thông thương thuận lợi. Như bản Là Pê II, đường sang xã bạn Ka Lăng chỉ 11km nhưng muốn vào trung tâm xã Tá Bạ mất 70km và phải “đi nhờ”qua Ka Lăng. Thu Lũm - xã xa nhất Mường Tè này tính từ trung tâm huyện vào trung tâm xã là 110km. Gặp ngày khô ráo, đi ô tô cũng mất cả buổi. Gặp hôm mưa lũ, thời gian còn kéo sang cả ngày.

Cán bộ tín dụng đi giao dịch cụm này không có chuyện sáng đi tối về như nhiều địa phương mà đi biền biệt cả tuần giao dịch từ xã xa nhất là Thu Lũm rồi về gần tới Ka Lăng, Tá Bạ… mong mang vốn kịp thời cho người dân chăn nuôi, trồng trọt bước qua đói nghèo.

Phó Chủ tịch huyện Mường Tè kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Trần Đức Hiển cho biết, 15 năm qua, NHCSXH đã đồng hành đến tận các xã, thôn bản để hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vươn lên phát triển kinh tế. 48,54% hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2017 là một con số khá cao, song so với con số 80% hộ nghèo của 5 năm trước với tiêu chí nghèo đa chiều cho thấy sự quan tâm của NHCSXH từ tỉnh đến Phòng giao dịch đối với công tác giảm nghèo.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh với 13 chương trình tín dụng triển khai trên địa bàn năm 2017, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Lai Châu đạt 637,571 tỷ đồng với 18.780 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng đạt 1.706,494 tỷ đồng. Cán bộ chi nhánh cũng đã đóng góp hơn 404 triệu đồng để ủng hộ tết cho hộ nghèo cũng như các chương trình an sinh xã hội… Những nỗ lực và sẻ chia này đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2017 giảm 4,98% so với năm 2016, còn 29,83%.

Chia tay Lai Châu, con đường cũ qua đèo Ô Quý Hồ thêm bừng sáng cùng ánh năng hanh chiếu rọi cùng những cành đào theo xe về xuôi. Vẫn biết Lai Châu đang đón đợt rét được xem là mạnh nhất từ đầu đông đến nay, song một Lai Châu mới ấm áp hơn như vẽ ra trước mắt cùngvới quyết tâm đẩy mạnh tín dụng chính sách của NHCSXH lồng ghép cùng các các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo của địa phương tạo cho người dân sinh kế làm “chiếc cần câu” thoát nghèo.

Vui mừng hơn là nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế thoát nghèo. Như chị Chu Mò Xó, 38 tuổi ở bản Là Pê II không chỉ vui mừng vì được nhận quà Tết của NHCSXH chị đang chờ kỳ giải ngân tháng sau vay vốn NHCSXH 25 triệu mua thêm một con trâu để có đủ cặp trâu nái, phần còn lại cùng tiền tích lũy nuôi lợn, bán trâu của lần vay trước cất căn nhà mới thay cho căn nhà gỗ ọp ẹp chỉ đủ che mưa. Hay như Chìn A Ơn, bản Nậm Nó I vừa vay 10 triệu đồng để đặt mua 2 con bê còn đang trong bụng mẹ với mong ước có thêm nguồn tích lũ nuôi các con đi học và tương lai sẽ không còn cảnh thiếu ăn 3 tháng mùa mưa.

Những mùa xuân mới vì thế có thêm những niềm tin và hy vọng như Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc Chi nhánh Lai Châu, Hoàng Minh Tế trao gửi cùng 270 suất quà cho ba xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) và Tá Bạ, Tà Tổng (huyện Mường Tè) cho những người không đủ điều kiện đón Tết trong dịp cuối tuần qua. “Mong bà con tu chí phát triển kinh tế, từ những hỗ trợ của nhà nước đặc biệt là từ nguồn vốn tín dụng chính sách để gia tăng thu nhập, tạo sinh kế vươn lên thoát nghèo bền vững, sánh vai cùng bà con các vùng thuận lợi hơn”, Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế nói.

Ghi chép của Minh Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác