Niềm tin yêu của mọi người dân cao nguyên

20/01/2018
(VBSP News) Được tách ra từ cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La vào tháng 6/2013, huyện Vân Hồ đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, đồng thời triển khai các hướng đi, biện pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Bà con nghèo vùng cao huyện Vân Hồ vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững

Bà con nghèo vùng cao huyện Vân Hồ vay vốn ưu đãi đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, cấp ủy, chính quyền huyện Vân Hồ đã khai thác tối đa mọi nguồn lực, nhất là chú trọng huy động nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và hộ gia đình là đồng bào DTTS, phát triển sản xuất, vươn lên tự thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Giám đốc NHCSXH huyện Vân Hồ, Phạm Việt Hải chia sẻ: “Xác định là kênh tín dụng quan trọng đối với người nghèo, NHCSXH huyện Vân Hồ đã vượt qua rất nhiều khó khăn của một đơn vị mới thành lập. Hoạt động NHCSXH luôn bám sát các chương trình, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, cùng với đó phối hợp với các ban ngành, hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách, củng cố hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế”.

Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên toàn huyện sau hơn 5 năm hoạt động tăng gấp 2 lần, hiện đạt trên 267 tỷ đồng với 11 chương trình tín dụng được triển khai, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo là 135 tỷ đồng, tiếp đến chương trình cho vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn 37,6 tỷ đồng và các chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn.

Cùng với việc xây dựng hệ thống Điểm giao dịch phủ kín 14 xã trong toàn huyện, đảm bảo công tác 3 đúng giao dịch với khách hàng: Giao dịch đúng đối tượng, đúng ngày quy định, đúng địa bàn dân cư; xây dựng củng cố được 214 Tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần tạo điều kiện giúp đỡ trên 10.249 lượt hộ dân trong toàn huyện tiếp cận thuận lợi.

Nhiều hộ gia đình ở xã Chiềng Khoa thuộc vùng 3 của huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh phát triển cây có múi như cam canh, quýt vàng, chanh leo, thoát dần cảnh nghèo khó, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình có anh Ngần Văn Liền ở bản Nà Nén đã sử dụng 50 triệu đồng vay vốn chính sách đầu tư trồng 1,5ha cây chanh leo, 1ha giống quýt bản địa. Chỉ sau thời gian ngắn, vườn cây đã cho thu hoạch vụ đầu được khoảng 30 triệu đồng. Nhân đà thắng lợi, anh liền vay tiếp 30 triệu đồng của NHCSXH huyện Vân Hồ để đầu tư mở rộng diện tích vườn cây ăn quả, chăn nuôi thêm bò sinh sản, đến nay, gia đình vừa thoát hết nghèo, vừa hoàn trả xong nợ vay.

Cũng như gia đình anh Liền, chị Lò Thị Thửa trước đây còn đứng trong tốp 20 hộ nghèo nhất xã Mường Đen. Tuy có ruộng nương rộng nhưng do thiếu vốn, lại không biết cách thức sản xuất nên gia đình chị chỉ loay hoay trồng ngô, sắn, thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ cuối năm 2013 được sự động viên giúp đỡ của chính quyền, Hội Phụ nữ phường, chị Lò Thị Thửa mạnh dạn vay vốn chính sách mua cây giống, cải tạo vườn tạp, trồng cam canh và táo lai giống Đài Loan. Qua năm tháng siêng năng lao động, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh chu đáo, vườn cây ăn quả đã cho nhà chị lời lãi ngót 200 triệu đồng/năm. Có của ăn của để, chị tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đồng thời mua sắm cả giàn máy cày đất, làm cỏ, phục vụ công việc đồng áng của gia đình và bà con thôn bản.

Ngày nay trên cao nguyên Vân Hồ, công tác tín dụng chính sách đang được các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Đồng bào các dân tộc vùng cửa ngõ Tây Bắc này đã chuyển biến sâu sắc nhận thức, biết cách sử dụng đầu tư hiệu quả vốn chính sách và thực hiện hoàn trả nợ gốc, nộp lãi vay đúng quy định. NHCSXH huyện Vân Hồ tiếp tục huy động nguồn vốn, đổi mới công tác đầu tư, tập trung ưu tiên cho vay có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ đắc lực hơn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững, vùng miền núi dân tộc.

Bài và ảnh Xuân Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác