Chung tay giúp xóa nghèo chuyển đổi sản xuất

19/01/2018
(VBSP News) Là một xã thuần nông thuộc huyện Cao Phong (Hòa Bình), Tân Phong có diện tích đất canh tác chỉ có 415ha, nhưng có đến 508/593 số hộ dân trong xã chủ yếu trồng lúa và ngô. Vì vậy, thu nhập của người dân còn bấp bênh. Trong những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã đã vận động bà con vay vốn tín dụng ưu đãi với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đẩy mạnh thâm canh các giống cây có năng suất, hiệu quả cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, điều kiện đất đai, lao động. Nhờ vậy, bộ mặt làng quê thay da đổi thịt, cuộc sống người dân ấm no tươi vui hơn, công tác giảm nghèo bền vững, trên địa bàn đạt hiệu quả rõ rệt.

Vào chính vụ, đâu đâu ở Cao Phong cũng tràn trong sắc vàng của cam, niềm vui hiện rõ khi đồng vốn ưu đãi đã cùng giúp người nghèo phát huy hiệu quả

Vào chính vụ, đâu đâu ở Cao Phong cũng tràn trong sắc vàng của cam, niềm vui hiện rõ khi đồng vốn ưu đãi đã cùng giúp người nghèo phát huy hiệu quả

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Bùi Văn Yển, cho biết: “Là xã thuần nông, tỷ trọng ngành nông nghiệp cao trong cơ cấu kinh tế. Bám sát định hướng phát triển kinh tế của huyện, Tân Phong xác định hướng đi là tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân vay vốn, sử dụng vốn tín dụng ưu đãi lồng ghép với đưa tiến bộ KHKT vào khai thác thế mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây mía, cây cam và cây bưởi. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nguồn vốn vay ưu đãi đã cùng giúp bà con nghèo Tân Phong có điều kiện để tăng gia sản xuất, không còn hiện tượng đất trống, các chỉ tiêu sản xuất với hiệu quả ngày càng cao. Đến nay 13 tỷ đồng nguồn tín dụng ưu đãi đã đầu tư trải khắp 8 thôn, xóm của xã thông qua 17 Tổ tiết kiệm và vay vốn”.

Hiện tổng diện tích cây cam, cây bưởi Tân Phong đạt xấp xỉ 200ha, trong đó có gần 80 hộ trồng cam với tổng diện tích khoảng 65ha, với 2/3 diện tích đang thời kỳ kinh doanh cho sản lượng 30 tấn/ha/vụ. Cùng với đó là hơn 30 ha bưởi Diễn, bưởi da xanh có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Đến Tân Phong vào những ngày này, không khó để gặp những nông dân đã thay đổi cuộc sống gia đình từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn kiêm Trưởng thôn Hải Phong, Nguyễn Thị Tám hay Chủ tịch Hội ND Đỗ Văn Giáp là những người vừa là cán bộ thôn, xã vừa là nông dân cần cù lao động, họ đã nhanh chóng bắt nhập xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp.

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Thị Tám thông tin: Tổ của chị có 50 thành viên vay vốn tín dụng chính sách với dư nợ đến nay đạt 1,5 tỷ đồng. Hiện các thành viên trong tổ đã thâm canh khoảng 15ha cam, bưởi, đạt mức thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Bùi Văn Quê, xóm Trung Giữa, trồng cam canh cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm; gia đình bà Bùi Thị Thơm cùng xóm Trung Giữa trồng 2ha cam lòng vàng giống mới, vụ đầu hái quả đã thu ngót 150 triệu đồng. Điều đặc biệt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn của của chị không có nợ quá hạn.

Hiệu quả thiết thực mà người dân xã Tân Phong đạt được khẳng định công tác đầu tư vốn chính sách ở vùng chuyển đổi cây trồng đã đi đúng hướng và góp phần quan trọng giúp cho sản xuất lâm nghiệp phát triển và thực hiện xóa nghèo nhanh, bền vững.

Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Yển, vấn đề quan trọng hàng đầu ở Tân Phong là tiếp tục cùng với NHCSXH sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tăng gia sản xuất với ứng dụng KHKT, đảm bảo chất lượng sản phẩm, gìn giữ và phát triển thương hiệu mang tên “Cam Cao Phong, bưởi Tân Phong” trên con đường xóa nghèo bền vững xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác