Vay vốn trồng tỏi thoát được nghèo
Nuôi bò, trồng tỏi từ vốn ưu đãi
Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng cho hay, hàng trăm hộ dân trong thôn đã khá lên, trong đó có 8 hộ thoát nghèo bền vững nhờ vay nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê, trồng tỏi…
Tại thôn Xuân Đông, nghề trồng tỏi phát triển mạnh vài năm nay. Vốn chính sách đã tiếp thêm động lực cho các hộ sản xuất khó khăn có điều kiện đầu tư thâm canh tỏi. Bình quân, mỗi sào tỏi ở đây cho thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng, lãi gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa.
Hiện toàn thôn Xuân Đông có khoảng 70 hộ chuyên canh trồng tỏi. Ngoài tỏi, người dân còn xen canh trồng thêm một số cây trồng khác để có thêm thu nhập. Chỉ trong 5 năm “cắm đất” và phát triển cây tỏi, đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, thu nhập không ngừng tăng lên.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên cho biết: “Đồng vốn đã giúp các hộ nghèo có thêm nghị lực và biến những dự định, ý tưởng sản xuất, kinh doanh của bà con thành hiện thực. Các cấp, ngành, trong đó có các hội đoàn thể giúp ủy thác vốn vay và phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến nông, tập huấn KHKT, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm làm ăn… Thú thực, nếu không có các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH thì không biết hộ nghèo “bấu víu” vào đâu để vươn lên”.
Không lo nghèo mãi
Gia đình bà Nguyễn Thị Tám ở thôn Xuân Đông trước đây thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù gia đình có đất ruộng nhưng thiếu vốn làm ăn. Cuộc sống càng khó hơn khi chồng bà qua đời. Cách đây 7 năm, với số tiền 15 triệu đồng vay vốn của NHCSXH Vạn Ninh, bà Tám đã mua 2 con bò. Nuôi được 2 năm, thấy bò có giá nên bà xuất bán, rồi tích lãi mua thêm dê về nuôi. Cứ thế, nghề chăn nuôi của gia đình bà đi lên. Chỉ thời gian ngắn, bà đã trả được nợ cho ngân hàng, số còn dư còn lại bà đầu tư trồng lúa.
Đầu năm 2016, bà Tám tiếp tục vay 50 triệu đồng để trồng tỏi và mở rộng chăn nuôi. Hiện thu nhập gia đình đã ổn định nên bà đăng ký xin thoát nghèo. Lúc này, nhà bà đã có 5 con bò sinh sản, bình quân mỗi con trị giá từ 15 - 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, bà còn có trên 7 sào ruộng, sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa. Riêng vườn tỏi hơn 1 sào, mỗi vụ bà thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. “Nếu không có vốn của NHCSXH thì gia đình tôi giờ chắc vẫn còn thuộc diện hộ nghèo. Giờ thì yên tâm lắm, không lo nghèo mãi nữa…”, bà Tám tâm sự.
Ông Bùi Nhật Quang - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Vạn Ninh cho biết, tổng dư nợ các chương trình cho vay thông qua ủy thác các hội, đoàn thể của NHCSXH huyện Vạn Ninh đạt 281,4 tỷ đồng, tăng hơn 41,4 tỷ đồng so với cuối năm 2016, với 16.517 hộ đang vay. Tính đến nay, trên địa bàn huyện, các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã đến hầu khắp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể và người dân ghi nhận, ủng hộ, qua đó hỗ trợ phát triển làm ăn cho bà con và tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bài và ảnh Công Tâm
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hội nghị BCH Công đoàn NHCSXH lần thứ 12, khóa III
- » Tín dụng chính sách trên đất Tây Đô
- » Năm của những dấu ấn nổi bật
- » Nông dân giàu có từ đồng vốn nhỏ
- » “Bà đỡ” cho đồng bào DTTS thoát nghèo
- » Chi Lăng nỗ lực giảm nghèo
- » Có vườn cam sai quả, đàn trâu béo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hiệu quả từ những đồng vốn chính sách
- » Người nghèo ở Đức Thọ vay vốn phát triển kinh tế
- » Điểm tựa thoát nghèo của người dân Lang Chánh