Có vườn cam sai quả, đàn trâu béo nhờ vay vốn ưu đãi

21/12/2017
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay NHCSXH, hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tậu được trâu, bò, xây được nhà khang trang, vươn lên thành triệu phú, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, nhiều hộ nghèo ở huyện Hàm Yên đã có vốn đầu tư phát triển diện tích trồng cam

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang, nhiều hộ nghèo ở huyện Hàm Yên đã có vốn đầu tư phát triển diện tích trồng cam

Ăn nên làm ra nhờ vốn vay ưu đãi

Gia đình anh Hoàng Văn Chương là một trong những hộ di dân từ lòng hồ thủy điện Na Hang về thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên sinh sống. Bắt đầu một cuộc sống mới, vợ chồng anh Chương gặp muôn vàn khó khăn, đất sản xuất ít, không có vốn, anh chị phải đi làm thuê tại các vườn cam trong làng. Hai năm vất vả, anh Chương cũng mua được 1ha vườn cam nhưng lại không có vốn để đầu tư chăm sóc nên cây cam không phát triển. Năm 2012, qua “kênh” Hội Nông dân, anh Chương được vay 15 triệu đồng.

Đến nay, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân vốn cho hơn 346.842 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách; giúp 111.091 hộ thoát nghèo; 23.166 lao động có việc làm ổn định; hơn 24.000 HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hơn 37.000 lượt hộ vùng khó khăn được vay vốn SXKD…

Có vốn, anh Chương đầu tư mua phân bón về chăm sóc 400 gốc cam. Từ vườn cam cằn, năng suất thấp, sau khi được chăm bón đầy đủ, vụ mùa năm đó gia đình anh Chương thắng lớn với 20 tấn cam, thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Chương phấn khởi cho biết: “Sang đến vụ cam năm 2014 tôi đã hoàn trả nợ trước hạn 7 tháng cho NHCSXH. Nguồn vốn vay NHCSXH giúp gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập ổn định như hôm nay”.

Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay NHCSXH, gia đình chị Vi Thị Liên ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn đã tậu được trâu, bò, xây được nhà khang trang. Chị Liên hồ hởi nói: “Gia đình tôi mới thoát nghèo chưa lâu, đang cần vốn để làm ăn thì được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ gia đình SXKD vùng khó khăn nên rất phấn khởi”.

Để tránh rủi ro, thất thoát đàn, chị Liên đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc trâu sinh sản, thực hiện nghiêm khâu tiêm phòng dịch bệnh. Từ một con trâu vốn ban đầu, nay chị Liên đã gây được đàn trâu 3 con, trước đó chị đã bán 2 con trâu với giá 40 triệu đồng.

Quản lý vốn vay chặt chẽ

NHCSXH tỉnh Tuyên Quang không chỉ đơn thuần lo giải ngân cho vay, thu nợ mà còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tư vấn hỗ trợ người nghèo làm ăn hiệu quả.  Hoạt động cho vay của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang thông qua phương thức ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục được triển khai thực hiện với quy mô ngày càng mở rộng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Phí Hà - Giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, thông qua phương thức ủy thác, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách giúp nguồn vốn được giải ngân nhanh chóng, kịp thời đến đúng đối tượng. Qua đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, có 2.140 tổ xếp loạt tốt, 369 tổ xếp loại khá, 33 tổ xếp loại trung bình, 23 tổ xếp loại yếu kém.

Sang năm 2018, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác xây dựng kế hoạch, biện pháp phù hợp để tạo sự gắn kết giữa các hội viên, đoàn viên với tổ chức hội.

Bài và ảnh Thu Hà

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác