Chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS - Ưu việt và nhân văn

12/12/2017
(VBSP News) “Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn, nhất là giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi. Qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc...”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định như vậy khi nói về hiệu quả của tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS.
Đồng vốn ưu đãi đã giúp đồng bào DTTS đổi đời

Đồng vốn ưu đãi đã giúp đồng bào DTTS đổi đời

“Gái có công, chồng chẳng phụ!”

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Vương Ngọc Hà từng ví von như vậy khi nói về mối quan hệ giữa những người làm tín dụng chính sách với bà con DTTS ở vùng cao nguyên đá. Bà Hà cho rằng, chính sự lăn lộn, bền bỉ bám trụ đưa vốn đến với bà con của cán bộ tín dụng; sự sát sao của các hội, đoàn thể thôn bản, tư duy vay vốn chính sách của bà con dân tộc ít người đã có nhiều chuyển biến tích cực. Và, ngày càng có nhiều bà con không yên phận với cái nghèo, mạnh dạn vay vốn chính sách để đầu tư SXKD. Con số 7.000 hộ DTTS của tỉnh Hà Giang đang vay vốn chính sách và đầu tư sản xuất có lãi, không nợ quá hạn là minh chứng cho nỗ lực của đồng bào cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà chủ lực là cán bộ của NHCSXH.

Trồng cỏ lấy thức ăn nuôi bò - một việc mà ông Tính ở thôn Thống Nhất, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ mới bắt tay làm 3 năm nay. Ban đầu là do nể Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn vận động ông vay 30 triệu đồng lãi suất thấp của NHCSXH để mua bò. “Có bò rồi, cán bộ lại hướng dẫn tôi cách chăm sóc và trồng cỏ. Cứ từng bước một, cán bộ động viên giúp đỡ, khiến tôi không cố không được - ông Tính nói - Cái sự “nể” ấy đã giúp gia đình ông thoát nghèo, không còn lo đứt bữa mỗi kỳ giáp hạt“.

Hay Dính - một phụ nữ người dân tộc Mông ở xã Lùng Tám, mạnh dạn vay 25 triệu đồng nguồn vốn chính sách cho hộ nghèo để trồng lanh và mua khung dệt vải. Đến nay, sau 3 năm, “từ chỗ thiếu ăn, nhà mình dư tiền để mua thêm bò, lợn về nuôi, mua thêm vải thêu túi, áo để bán và vui nhất là đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo”, chị Dính phấn khởi khoe.

Thực tế trên cho thấy, dưới sự sát sao của cán bộ tín dụng chính sách và các hội, đoàn thể thôn, bản tại vùng đồng bào dân tộc ít người, hiếm có người vay vốn chính sách để chi tiêu phung phí như những năm trở về trước. Tư duy vay vốn chính sách của bà con dân tộc ít người đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cũng chính vì thay đổi tư duy mà tổng dư nợ NHCSXH cho đồng bào DTTS vay cũng tăng dần qua từng năm. Nếu như năm 2007, tổng dư nợ các chương trình tín dụng cho đồng bào DTTS chỉ đạt 257 triệu đồng thì đến năm 2017, con số này đã đạt 2.047 tỷ đồng, với 208.809 hộ vay, tăng 1.961 tỷ đồng so với 10 năm trước. Hầu hết các hộ DTTS vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả; trả được nợ vay và dư nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 3,82%.

Tiếp tục là điểm tựa của đồng bào

Tuy nhiện, đến nay vẫn còn khoảng 10% - 15% hộ dân tộc ít người trong diện được vay vốn chính sách nhưng chưa vay. Điều này đặt ra một yêu cầu là cần tập trung lực lượng, tiếp tục vận động bà con vay và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng đối với đồng bào DTTS đôi khi còn chưa kịp thời. Mức cho vay tối đa từng chương trình nhìn chung còn thấp, không đủ đầu tư SXKD khi có biến động về giá cả thị trường. Tại một số địa phương không còn quỹ đất sản xuất để thực hiện cho vay đối với những hộ có nhu cầu để cải tạo đất sản xuất. Vì vậy hộ vay phải chuyển mục đích hỗ trợ đất sản xuất sang thực hiện chuyển đổi nghề, dẫn đến hiệu quả việc sử dụng vốn chưa cao.

Cùng với đó, việc phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… của các tổ chức Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH chưa được quan tâm thường xuyên, nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng sâu ,vùng xa đi lại khó khăn; hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi gia súc nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây khó khăn trong việc thoát nghèo bền vững. Một bộ phận hộ đồng bào DTTS sử dụng vốn vay chưa hiệu quả làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHCSXH…

Để giải quyết tình trạng này, NHCSXH cho rằng cần có sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức liên quan nhất là Ủy ban Dân tộc và NHCSXH trong việc chỉ đạo, điều hành, xử lý từ rà soát đối tượng cho vay đến sử dụng vốn vay… Đặc biệt, đối với vấn đề nguồn vốn, NHCSXH đề nghị Thủ tướng cho phép NHCSXH được phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài (khoảng 10 năm hoặc 15 năm) để bảo đảm được nguồn vốn, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ DTTS.

Bài và ảnh Vũ Thái Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác