Cánh cửa thoát nghèo cho người dân
Là tỉnh trong vùng Tây Bắc, Sơn La có diện tích xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, với 12 dân tộc cùng sinh sống. Theo Nghị quyết của Tỉnh uỷ là từng bước đưa người dân thoát nghèo, cải thiện đời sống không chỉ làm thay đổi cơ sở hạ tầng nông thôn mà còn tạo dấu ấn để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở vùng miền núi dân tộc.
Thực hiện mục tiêu đó, Sơn La đã triển khai có hiệu quả giải pháp tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các ban, ngành trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Sơn La đã vượt mọi khó khăn, kiên trì triển khai nhiều giải pháp phù hợp, chung tay góp sức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 37,1% năm 2008 đến nay xuống còn 25%. Đặc biệt số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo theo chương trình 30a của Chính Phủ cũng đã giảm rõ rệt. Đơn cử về Mường La, 1 trong 5 huyện của tỉnh Sơn La nằm trong chương trình 30a của Chính phủ có tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 là 41% giảm còn 31,9% giữa năm 2017, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.
Đã có hơn 5.000 đồng bào DTTS tại 157 xã và 1.341 thôn, bản đặc biệt khó khăn trong toàn tỉnh đã mạnh dạn sử dụng vốn vay ưu đãi lồng ghép với các chương trình 134, chương trình 135, dự án di dân tái định cư, khuyến nông, khuyến lâm… vào sản xuất nên đã mở rộng diện tích cây trồng có năng suất cao, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh, cho biết: Trong 15 năm qua, cùng với các ngành, các cấp trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Sơn La đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo. Căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, tiến hành xây dựng các giải pháp huy động, tạo lập nguồn lực tài chính; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Đáng kể sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác sang NHCSXH cho vay là 84,7 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh trên 77 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện gần 8 tỷ đồng. Hiện tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện tại Sơn La đạt 3.545 tỷ đồng, tăng gần 25,5 lần so với năm 2002.
Nhờ mạng lưới “phủ sóng” rộng khắp ở 204 Điểm giao dịch xã và 5.116 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại vùng núi cao biên cương rộng lớn, nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp cho 70.807 lượt hộ vay vốn thoát nghèo, thu hút tạo việc làm mới cho 30.856 lao động, giúp cho 22.868 HSSV được vay vốn đi học, xây dựng và sửa chữa 105.257 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng được 21.170 căn nhà ở cho hộ nghèo,…
Để mục sở thị nguồn vốn ưu đãi đã và đang phát huy hiệu quả, chúng tôi đến với gia đình ông Lò Văn Hòa, dân tộc Thái ở bản Hốc xã Nặm Păm, huyện Mường La đã sử dụng toàn bộ 68 triệu đồng từ 2 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và gia đình SXKD tại vùng khó khăn để nuôi trâu, bò sinh sản. Do làm tốt việc chăn thả, phòng bệnh, nên mỗi năm chuồng trại có thêm 4 con bê, nghé khỏe mạnh. Cuối năm 2016, gia đình ông Hòa thoát hẳn nghèo, trả hết nợ vay ngân hàng. Hiện nay, đàn gia súc của gia đình ông phát triển đến 6 cặp trâu, bò mẹ và 8 bê, nghé giá trị hơn 300 triệu đồng.
Hay ở Tân Lập, một xã nằm trên vành đai biên giới Việt - Lào của thảo nguyên xanh Mộc Châu, bà con dân tộc đã đoàn kết, mạnh dạn vay, sử dụng vốn vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lập vườn cây ăn quả đặc sản như cam Vinh, mận Hậu, phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Một số gia đình sử dụng vốn chính sách làm ăn phát đạt, với mức thu nhập 200 đến 300 triệu đồng/năm như ông Lò Văn Keng ở bản Hoa 2 nuôi đàn bò thịt 10 con, xây 3 chuồng lợn gồm 5 con lợn nái, 40 con lợn giống. Chị Lò Thị Dậu ở tiểu khu 34 khai hoang mở đất trồng 2ha ngô lai, 3ha mận hậu, hồng không hạt đã thoát cảnh nghèo, mua được máy cày đất, máy cắt cỏ.
Chủ tịch UBND xã Tân Lập, Vàng A Thào cho biết: “Vùng cao này hiện có 92% nhà ở của dân được xây mới, vững bền, thoáng đãng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 10%; thu nhập hằng năm đầu người tăng trên 28 triệu đồng. Thành tích đó có phần đóng góp thiết thực và to lớn của NHCSXH huyện Mộc Châu”.
Có thể nói, dòng vốn tín dụng chính sách đã và đang cùng đồng hành tiếp sức cho người nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống trên địa bàn tỉnh Sơn La. Phát huy thành tích đạt được, hoạt động NHCSXH tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, chuyển tải kịp thời nguồn vốn đầu tư cho các xã, bản đặc biệt khó khăn, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đắc lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Xuân Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách ở Đà Bắc
- » Hội Phụ nữ xã Chỉ Đạo làm tốt công tác ủy thác vốn vay chính sách
- » Tạo nguồn vốn lớn để phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm
- » Người nhân lên giá trị đồng vốn ưu đãi
- » Có vốn ưu đãi, nông dân vùng Đèo Ngang hết “đang nghèo”
- » Điển hình thực hiện ủy thác vay vốn chính sách ở vùng cao Ba Bể
- » Hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ lụt
- » Ghép lành những mảnh đời...
- » Hưng Yên có 10 nghìn lượt hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Huyện Thạch Hà có trên 50 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn SXKD