Tạo nguồn vốn lớn để phát triển vùng cây ăn quả trọng điểm

01/12/2017
(VBSP News) Lục Ngạn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km. Phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu của địa phương, những năm qua, cán bộ và nhân dân trong huyện đã không ngừng phấn đấu xây dựng Lục Ngạn sớm trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, với đặc trưng là cây vải thiều và tập đoàn cây ăn quả có múi với giá trị kinh tế cao.

Nông dân Lục Ngạn sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển diện tích trồng cây có múi cho giá trị kinh tế cao

Nông dân Lục Ngạn sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển diện tích trồng cây có múi cho giá trị kinh tế cao

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây ăn quả có múi đem lại nên những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình, nghiên cứu, đánh giá các giống cây ăn quả như: cam đường Canh, cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh… Qua khảo sát cho thấy, các giống cây ăn quả này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Lục Ngạn và thực tế đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân. Trên cơ sở đánh giá thực tế, Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII đã triển khai thực hiện 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, trong đó đặc biệt là Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa đã tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân sản xuất các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cùng đó, huyện ủy, UBND huyện đã triển khai Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn giai đoạn 2013 - 2020. Đồng thời thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn đến năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Năm, Đề án này được đề ra cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Một trong những giải pháp chủ yếu là tăng cường nguồn lực đầu tư, trong đó chú trọng đổi mới phương thức cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển cây ăn quả, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa NHCSXH với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Thực tế trong suốt những năm qua, cán bộ tín dụng chính sách ở huyện Lục Ngạn đã luôn bám sát các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự chỉ đạo của ngành, tập trung huy động các nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụngưu đãi của Nhà nước, đáp ứng kịp thời nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách chuyển hướng nông, lâm nghiệp, thâm canh, phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Kết quả chặng đường thực hiện tín dụng chính sách ở Lục Ngạn không chỉ nằm trong khuôn khổ tạo được nguồn vốn đến 500 tỷ đồng, mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn, góp phần đắc lực giúp cho 76.853 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn liếng chủ động trong SXKD, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó 25.537 lượt hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; tạo cho 35.553 lao động có việc làm ổn định… Đặc biệt trong 5 năm lại đây, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng nhanh, nhiều hộ dân trên vùng cao Lục Ngạn còn có điều kiện tham gia “Đề án phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn giai đoạn 2013 - 2020”. Đó là việc đầu tư trực tiếp hơn 100 tỷ đồng để duy trì, ổn định diện tích 16 nghìn hec-ta vải thiều, trong đó có 9.500ha, tăng 6.500ha so với năm 2010 sản xuất theo tiêu chuẩn VIET GAP; hỗ trợ kịp thời nhiều gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Thanh Hảo và Trù Hựu cải tạo đồng ruộng, mở rộng vườn cây, đồi cây có múi. Nhờ đó, việc phát triển cây có múi trong toàn huyện tăng nhanh, từ 195ha năm 2010 lên 1.230ha năm 2014 với nhiều giống cây đầu dòng và đạt tiêu chuẩn nhân giống.

Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân ở các xã Tân Quy, Quý Sơn, Trù Hựu, Cấm Sơn, Hồng Giang… đã chủ động chuyển đổi trồng màu năng suất thấp sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản, từng bước thoát cảnh nghèo khó, thay đổi cuộc sống gia đình. Điển hình có vợ chồng anh Giáp Văn Tiện, chị Nguyễn Thị Thuý ở thôn Hựu xã Trù Hựu với 30 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo, cộng với số tiền vay thêm của người thân, vợ chồng anh Tiện, chị Hồng đã chọn cho mình một mô hình kinh tế tổng hợp: Đó là trồng cam Vinh, bưởi Diễn kết hợp nuôi gà đồi. Sau 4 năm cần cù lao động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, cơ ngơi của gia đình có 2ha cam và bưởi cùng 400 con gà đồi, mỗi năm cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng. “Nhờ vay vốn ưu đãi thuận lợi và tham gia học tập kinh nghiệm của một số mô hình kinh tế trong xã, trên huyện đã giúp vợ chồng tôi xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây ăn quả như hôm nay. Kinh tế gia đình bây giờ khấm khá rồi, tôi lại có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất, đồng thời còn giúp đỡ bà con xung quanh cách thức làm ăn cũng như bán chịu không tính lãi nhiều giống câyăn quả tốt”, anh Tiện chia sẻ.

Dự kiến đến năm 2020, huyện Lục ngạn mở rộng diện tích cây cam đường canh là 1.500ha, cam Vinh là 650ha, cam V2 200 ha; 750ha bưởi. Cùng với đó là diện tích nhãn lồng tăng lên đạt 1.000ha và có 250ha táo Đài Loan.

Giám đốc NHCSXH huyện Lục Ngạn, Trương Quang Sơn cho biết: Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của địa phương, NHCSXH tiếp tục tăng trưởng dư nợ, đổi mới phương thức đầu tư vốn ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào các dân tộc trên địa bàn đầu tư sản xuất vùng cây ăn quả trọng điểm, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn ngày càng tươi vui no đủ.

Bài và ảnh Minh Uyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác