Tín dụng ưu đãi tiếp sức cho người nghèo ở Đắk Lắk

17/11/2017
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

15 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 748.573 lượt hộ được vay vốn ưu đãi

15 năm qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 748.573 lượt hộ được vay vốn ưu đãi

Được Hội Nông dân xã tín chấp, trong hai năm 2007 và 2010, gia đình anh Y Nheo Bkrông ở buôn Ja, xã Ea Trul, huyện Krông Bông đã được NHCSXH cho vay với tổng số tiền 18 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi dê và bò. Nhờ chăm chỉ, chịu khó chăm sóc, đàn bò, dê của gia đình ngày càng phát triển. Năm 2015, vợ chồng anh đã xây dựng được nhà, có chỗ ở ổn định và thoát khỏi danh sách hộ nghèo của buôn.

Hay như gia đình anh Nguyễn Hồng Bảo ở thôn 2, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk cũng vươn lên từ nguồn vốn vay ưu đãi. Từ nguồn vốn vay 60,5 triệu đồng trong ba năm 2012, 2013 và 2016, gia đình anh đã cải tạo lại 5 sào cà phê già cỗi, đào giếng, xây dựng công trình vệ sinh, phát triển chăn nuôi bò, gà và lo chi phí cho con vào đại học. Anh Bảo cho hay, sau khi giải ngân nguồn vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn và Hội Nông dân xã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nên các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Để đưa nguồn vốn đến tận tay đối tượng thụ hưởng, NHCSXH tỉnh đã thành lập 183 Điểm giao dịch đặt tại các xã, phường, thị trấn. Vào một ngày cố định trong tháng, Tổ giao dịch xã của NHCSXH các huyện được trang bị đầy đủ các công cụ, thiết bị để thực hiện các nghiệp vụ giao dịch với khách hàng như một ngân hàng thu nhỏ: cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm, tiếp nhận hồ sơ vay vốn, xử lý nợ, giao ban với hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn…

Ngoài ra, NHCSXH còn ký kết chương trình cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và mạng lưới gồm 4.340 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Các hộ tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ được vay vốn mà còn được tương trợ, giúp đỡ trong sản xuất và đời sống, được chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất để sử dụng đồng vốn hiệu quả, tăng thu nhập.

Ông Phan Trọng Tùng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH đánh giá: Tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều gia đình, giúp họ cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống và là một điểm sáng trong chính sách giảm nghèo, góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững. Nhờ nguồn vốn này, từ năm 2003 đến cuối 2016, toàn tỉnh đã có 214.807 hộ thoát nghèo; tạo việc làm 8.574 lao động; 14.401 hộ có cơ hội “an cư”…

“Từ 3 chương trình tín dụng chính sách khi mới thành lập với tổng nguồn vốn cho vay cuối năm 2002 là 102 tỷ đồng, đến nay, NHCSXH đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn 3.976 tỷ đồng (tăng 38 lần so với năm 2002). Tổng doanh số cho vay trong 15 năm qua là 9.209 tỷ đồng với 748.573 lượt hộ vay vốn”, ông Nguyễn Minh Hướng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết.

Bài và ảnh Nguyễn Xuân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác