Thổi bùng hơi ấm nông thôn mới
Và trong 68,9% các xã còn lại, càng ghi dấu những nỗ lực của cán bộ tín dụng NHCSXH đang từng ngày từng giờ mang đồng vốn bẩy người dân không chỉ bước qua nghèo về thu nhập mà còn bước qua các tiêu chí nghèo đa chiều trở thành một nhân tố góp vào bức tranh nông thôn mới của xã, của huyện cũng như cả nước.
Gian nan vượt từng tiêu chí
Theo kế hoạch, cuối năm 2018, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) sẽ cơ bản hoàn thành 19 chỉ tiêu nông thôn mới, dự kiến trở thành huyện cán đích nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị. Bí thư huyện ủy Cam Lộ, Đào Mạnh Hùng cho biết hiện Cam Lộ đã đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã. Ngay cả xã khó khăn nhất huyện là Cam Tuyền khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, chỉ đạt 5 tiêu chí, thì nay cũng đã vươn lên 16 tiêu chí. Đây cũng là xã mà huyện dự kiến sẽ về đích nông thôn mới sau cùng. Tuy nhiên, con đường cán đích không dễ dàng bởi theo Bí thư Hùng tiêu chí “nặng nhất” là hộ nghèo, môi trường. Và Bản Chùa, xã Cam Tuyền là địa bàn khó nhất trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Mặc dù ở Bản Chùa, trình độ canh tác ruộng nước của người dân đã ở mức cao so với đồng bào DTTS tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, nó cũng chỉ giúp bà con chủ động được lương thực, không còn phải phấp phỏng lo âu cảnh thiếu đói mỗi mùa giáp hạt. Hiện Bản Chùa có 74 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm đến 95%. Người dân trong bản đang trồng lạc, trồng sắn, cây cao su và trồng rừng, nhưng thu nhập một năm cũng chẳng đáng là bao. Như trồng rừng 7ha, 5 năm thu được 50 - 60 triệu, một năm chưa được 10 triệu đồng/ha. Chính vì vậy, để có thể hỗ trợ bà con thoát nghèo, cải thiện thu nhập Đảng ủy, UBND xã Cam Tuyền đã có hẳn một đề án “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ở Bản Chùa giai đoạn 2015 - 2020”. Huyện cũng dày công kéo Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao về đây xây dựng vùng nguyên liệu cho người dân Bản Chùa cơ hội đổi đời. 20ha dứa sắp vào mùa thu hoạch dự kiến được 60 - 70 triệu đồng/ha và người dân Bản Chùa chỉ cần 7 tháng là thu được. Đây sẽ là mô hình mà huyện và xã sẽ xem xét mở rộng hơn diện tích trồng trong những năm tới bên cạnh cây trồng kinh tế cao khác.
Việc hỗ trợ bà con tiếp cận phương thức sản xuất công nghệ cao huyện đã giao cho đoàn viên, thanh niên, lực lượng vũ trang, cán bộ kỹ thuật của xã đã về cùng ăn, cùng ở để giúp bà con trồng dứa đúng kế hoạch và quy trình kỹ thuật. “Còn vốn sản xuất của người nghèo chủ yếu dựa vào NHCSXH”, ông Hùng cho biết. Cùng những nút thắt nông thôn mới khác như nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm mà NHCSXH hỗ trợ người dân thông qua các nguồn vốn của mình Bản Chùa đang hứa hẹn những bước chuyển mới về thu nhập và điều kiện sống để hòa cùng Cam Tuyền cán đích nông thôn mới cuối năm 2018.
Nhìn rộng ra với tỉnh Quảng Trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó trên 95% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại 117 xã xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách trên địa bàn cũng đã tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo là đồng bào DTTS, cho vay đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn SXKD, cải thiện cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 31/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 26,5% số xã của tỉnh), tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 13,35 tiêu chí/xã, tăng 9,75 tiêu chí/xã so với năm 2010 và không còn xã dưới 5 tiêu chí.
“Chúng tôi xác định, nguồn lực từ NHCSXH là chủ yếu, quyết định góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”, Phó trưởng Ban Kinh tế TW Hội CCB Việt Nam Hoàng Tùng Lâm cho biết. Cũng từ nhìn nhận này Hội đã vận động hội viên thuộc đối tượng chính sách mạnh dạn vay vốn. Hiện nay, dư nợ của chúng tôi là gần 26.000 tỷ đồng. “Chính vì thế, chỉ tính riêng 5 năm gần đây, chúng tôi đã giảm được 114 nghìn hộ nghèo (2013 - 2017), xây dựng được 34.400 nhà mới, xóa nhà dột nát cho hội viên”, ông Lâm nói.
“Đặc biệt, việc huy động nguồn vốn tín dụng này góp phần xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng hội trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới”. Ông Lâm nhấn mạnh và giải thích thêm: Nguyên nhân là khi tổ chức thực hiện, Hội phải tổ chức các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ đấy chính là cộng đồng dân cư, bao gồm cả hội viên, cả dân cư trong khu vực trở thành một nhóm thống nhất cùng hoạt động, chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự quản lý của tổ chức hội gắn vào từng thôn, bản. Hội viên của mỗi tổ rất đông, thấp nhất là 30 tổ viên, cao có thể là 55 - 60 tổ viên cùng bàn cách làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả, quản lý vốn, cách tổ chức SXKD. “Chính hoạt động tổ này tạo được keo gắn kết giữa hội viên với hội, đoàn kết, hỗ trợ chia sẻ tình đồng chí đồng đội, tình làng nghĩa xóm và cộng đồng dân cư”, ông nói
Khi dòng chảy vốn dồn về một ngả
Đến nay NHCSXH đã và đang triển khai cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Những dòng vốn ấy là nền tảng để cải thiện về chất lượng sống của người dân vùng nông thôn. Chỉ khi đời sống người dân thực sự thay đổi về chất hay nói cách khác có sinh kế vững bền và thu nhập ổn định, những tiêu chí khác của nông thôn mới mới có thể được hiện thực hóa một cách bền vững nhà ở, môi trường cùng các nguồn vốn riêng cho lĩnh vực này.
Cũng bởi vậy, nhìn vào 20 chương trình tín dụng của NHCSXH, thấy rõ sự tập trung vốn của NHCSXH hướng vào mục tiêu này giảm nghèo, tăng thu nhập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 169 nghìn tỷ đồng tập trung chủ yếu vào 08 chương trình tín dụng lớn: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
Không chỉ là đưa vốn đến từng bản làng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn, NHCSXH quán triệt tới từng đơn vị trong toàn hệ thống dòng vốn được gắn liền với việc bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, lồng ghép với việc tổ chức triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. NHCSXH các tỉnh, thành đã bám sát kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh và 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH ưu tiên phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho các xã điểm của tỉnh, của huyện đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt với việc từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện, dòng vốn gắn tín dụng chính sách thêm sát sườn kế hoạch giảm nghèo và dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được phát động trong toàn hệ thống cộng với tâm huyết vì người nghèo ngấm vào máu thịt đã trở thành ý thức, động lực phấn đấu trong mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống NHCSXH. Từ việc thực thi các chính sách hỗ trợ thoát nghèo cho đến những vùng khó khăn cả về điều kiện giao thông lẫn phát triển kinh tế, nơi nào có người dân, nơi đó có dấu chân và dòng vốn tín dụng của NHCSXH trước là hỗ trợ người dân ổn định sản xuất phát triển kinh tế sau là mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ví như, chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã giúp trên 5,5 triệu lượt khách hàng được vay vốn góp phần cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Từ đó, cảnh quan và môi trường nông thôn “Xanh - Sạch - Đẹp” đang xuất hiện ở nhiều làng, xã. Hay chương trình cho vay giải quyết việc làm doanh số cho vay chương trình đạt 31.705 tỷ đồng với trên 1,9 triệu lượt hộ, khách hàng được vay vốn hiện còn 381 nghìn khách hàng còn dư nợ. Chương trình đã góp phần quan trọng giúp cho hơn 3,3 triệu lao động có việc làm góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn.
Nhìn lại 15 năm qua, nguồn vốn ưu đãi được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 424.158 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 265.853 tỷ đồng; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 104 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 525 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 111 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Những nỗ lực ấy đã góp phần tạo nên kỳ tích chung của cả nước trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 9/2017 cả nước có trên 2.776 xã (31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 416 xã (4,7%) so với cuối năm 2016. 34 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 04 huyện so với cuối năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, sẽ hoàn thành mục tiêu phấn đấu có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với diễn tiến này, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới không xa. Tuy nhiên, với những đòi hỏi về thu nhập điều kiện sống của người dân ngày một cao, để có thể đồng hành trên con đường chung tay xây dựng nông thôn mới cùng cả nước, hơn lúc nào hết NHCSXH đặt ra những mục tiêu và kỳ vọngcao hơn trong hoạt động của ngân hàng. Đó không chỉ mục tiêu hỗ trợ các địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới mà kiến tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho nông thôn từ việc hỗ trợ sinh kế dài hạn mà như quan điểm của Đảng và Chính phủ là “cho cần câu chứ không cho con cá”.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những chiến lược phát triển kinh tế ngày một rõ ràng và dài hạn của các địa phương, dòng vốn chính sách sẽ khơi chuyển mạch nguồn kinh tế hàng hóa về những vùng xâu, vùng xa nhất của tổ quốc, chắp nối những cơ hội đổi đời cho những người dân Việt Nam vốn cần cù chịu thương, chịu khó. No ấm vì thế sẽ ngày một đong đầy trong từng nếp nhà trên khắp làng quê Việt.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm tựa thực hiện bình đẳng giới
- » Chia sẻ yêu thương, kiến tạo tương lai
- » Tín dụng chính sách giúp 4,5 triệu lượt hộ vượt ngưỡng nghèo
- » Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ Quảng Nam, Quảng Ngãi
- » Bão tan, còn lại tình người
- » Viết tiếp huyền thoại Tơ Tung
- » Nuôi dưỡng khát vọng đổi đời từ “bút sách”
- » Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Tre
- » Góp sức chuyển động vùng đồi rừng Bắc Giang
- » Khi nguồn vốn ưu đãi được phát huy hiệu quả