Góp sức chuyển động vùng đồi rừng Bắc Giang

31/10/2017
(VBSP News) Những năm qua, cùng với các ngành, đoàn thể, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã tham gia hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo của địa phương thông qua việc thực hiện các chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo của Bắc Giang có điều kiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam - cây đặc sản địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hộ nghèo của Bắc Giang có điều kiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam - cây đặc sản địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao

Miền quê Bắc Giang có đặc điểm địa hình của cả miền núi lẫn trung du đang được xem là nơi có trình độ phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình so với cả nước. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với mức bình quân chung toàn quốc, cụ thể năm 2016 còn 11,72%, và một huyện vùng cao thuộc chương trình 30a của Chính phủ cùng 447 xã, thôn bản của 6 huyện miền núi nằm trong diện đặc biệt khó khăn.

Từ thực tế đó, giảm nghèo ở Bắc Giang đã trở thành mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đồng thời thu hút các cấp, các ngành cùng tham gia, trong đó NHCSXH đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần giúp người dân phát triển sản xuất, vượt khó thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh đánh giá: Tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đã góp phần tạo nguồn lực to lớn cho người nghèo, đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống, thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đến với đối tượng dễ bị tổn thương và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế trong xã hội.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh Bắc Giang thực hiện 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ gần 3,5 nghìn tỷ đồng. Hiện có hơn 500 nghìn hộ vay vốn ưu đãi, mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 2% - 4%/năm.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang, Ngô Gia Quát cho hay, đạt được những kết quả trên, trước hết có sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đặc biệt, có sự đồng thuận, quyết tâm cao trong thực hiện từ các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Hội CCB.

Bên cạnh đó, NHCSXH đã tranh thủ được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn, nhân lực, cơ sở vật chất từ Trung ương. Đội ngũ cán bộ có đủ năng lực quản lý, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đáng mừng là không có kiến nghị về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên NHCSXH cũng như việc quản lý, sử dụng vốn không đúng quy định.

Điều không thể không nhắc tới là mạng lưới hoạt động của NHCSXH ở 230 Điểm giao dịch xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản đã tạo cầu nối, kênh dẫn vốn hiệu quả giữa nhu cầu của hộ nghèo với tín dụng ưu đãi không vì lợi nhuận của Nhà nước, mang tính nhân văn sâu sắc.

Tại Bắc Giang, người nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh

Tại Bắc Giang, người nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh

Nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho những hộ gia đình ở miền quê khác nhau trong tỉnh phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xuất hiện các mô hình đạt thu nhập cao. Tiêu biểu như gia đình chị Ngô Thị Bền ở thôn Đồng Cún 3, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động 3 năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện bởi đã biết sử dụng đồng vốn vay vay ưu đãi vào việc phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng. Với hai lần vay 70 triệu đồng thuộc chương trình hộ nghèo và chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, chị Bền đầu tư cải tạo khu đồng lúa năng suất thấp sang trồng táo lai giống Đài Loan, bưởi da xanh và khai hoang trồng 3ha rừng keo lá chàm. Vụ thu hoạch năm ngoái, cơ ngơi vườn đồi, vườn rừngđạt mức thu trên 400 triệu đồng, chị Bền phấn khởi trả hết nợ vay trước kỳ hạn 18 tháng và triển khai kế hoạch đầu tư mở rộng trang trại trồng trọt lên 10ha.

Ông Giáp Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động chia sẻ: Những năm gần đây, đời sống của nhân dân vùng cao huyện Sơn Động đã từng bước ổn định và có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4% - 5%. Trong đó, hoạt động tín dụng chính sách góp phần không nhỏ vào công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Đây là một chính sách quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân trong huyện.

Hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa lớn khi không chỉ giúp cho nhiều gia đình có vốn để phát triển sản xuất mà còn mang lại cơ hội học tập cho con em gia đình nghèo. Ông Trần Văn Thơ ở thôn Sau, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng tôi đã cố gắng làm lụng để các con được ăn học. Nhưng chi phí học tập cho các con ngày càng lớn khi cả 3 cháu đều thi đỗ đại học. Các con học giỏi thi đỗ đại học thật sự là niềm vui đối với gia đình nhưng cùng là nỗi lo vì không có tiền cho con ăn học. Trong lúc gặp khó khăn, gia đình tôi đã được tiếp cận tín dụng HSSV của NHCSXH với lãi suất thấp, các cháu học xong ra trường mới phải trả gốc. Nhờ vậy mà các con tôi đều được đến trường theo đuổi ước mơ của mình”.

Hiện nay, các con ông đã ra trường có việc làm ổn định, giúp bố mẹ trả nợ NHCSXH và phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống, gia đình tôi đã thoát hẳn nghèo.

Có thể thấy, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã khẳng định được vai trò là kênh dẫn vốn ưu đãi hiệu quả đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, được người dân luôn quan tâm ủng hộ.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác