Tổ chức hội, đoàn thể - Dây dẫn chuyền từ vốn vay của NHCSXH
70% - 80% đối tượng thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách là hội viên nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh. Nếu các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào trong truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách này sẽ vừa là cầu nối, vừa thực hiện được giám sát, phản biện xã hội cũng như xã hội hóa. Đây cũng là tiền đề để các nhà hoạch đinh chính sách đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa các tổ chức hội, đoàn thể vào cuộc. Thực tế, 15 năm hoạt động đã chứng minh quyết sách trên là hoàn toàn đúng.
Cộng hưởng chính sách từ sự thấu hiểu
Nếu không có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH có lẽ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Bến Trị, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), Kim Thị Thu Hà cũng như nhiều chị em chắc cũng bỏ xứ đi làm ăn xa chứ không trụ lại được ở mảnh đất này. Lần hồi lại ký ức những năm đầu 2000, không có vốn sản xuất, ngoài việc chăm bón ruộng vườn, chị như nhiều chị em trong ấp cũng chỉ biết nhặt từng đồng buôn bán ở chợ. “Hồi đó gia đình em nghèo khổ lắm, buôn bán chút đỉnh. Thế rồi các chị kêu em vô Hội Phụ nữ rồi mọi người bầu em làm Tổ trưởng. Em thấy mấy chị ở chợ còn nghèo khổ, em kêu vô Hội Phụ nữ, rồi đến từng nhà vận động họ vay vốn làm ăn, giải thích cho họ lãi suất rẻ để người dân hiểu, bày cho họ vay vốn phát triển kinh tế”, chị Hà kể.
Lúc đầu nguồn vốn vay hộ nghèo được 3 triệu đồng, chị Hà hướng dẫn các tổ viên ngoài buôn bán nhỏ nuôi thêm heo. Thế rồi, mức vay tăng 10 triệu đồng, chị bày cho bà con bắt một con bò, con nghé, nuôi thêm 1 - 2 năm có thêm con nghé. Với những nhà có ruộng nhưng không có vốn chăm bẵm, chị bày vay đầu tư mua phân bón chăm sóc ruộng vườn. “Ruộng nương trúng, họ cũng đỡ nghèo. Các hộ trước nghèo khổ lắm, giờ cũng đã có được 5 đến 10 con bò”, chị Hà cho hay. Bà con hiểu được lợi ích của đồng vốn tín dụng chính sách, tổ của chị ngày càng thêm đông, giờ đã có 50 thành viên, cao gấp đôi ngày đầu thành lập tổ. “Họ đã vươn lên thoát nghèo hết rồi. Bây giờ chỉ còn 02 hộ nghèo và hộ cận nghèo thôi”, chị khoe.
Những đường truyền vốn của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội, đoàn thể quản lý xuất phát từ “những người cùng khổ”, cùng cảnh ngộ, đã giúp đồng vốn tín dụng không chỉ đến đúng địa chỉ mà còn thúc đẩy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.
Ông Phạm Vũ Bảo - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, cùng với việc tuyên truyền vận động các thành viên trong hội vay vốn phát triển sản xuất, hội còn quyên góp vận động các thành viên đống góp, hỗ trợ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có nguồn vốn của NHCSXH huyện các hộ đã phát triển kinh tế từ hộ nghèo lên khá giàu, các cơ sở sản xuất đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Như ông nguyễn Văn Tuynh vay vốn phát triển SXKD năm 2011 giờ đã có 28ha vườn rừng công ăn việc làm thường xuyên cho 05 hội viên là người nghèo và con cái họ để phát triển kinh tế cũng như thêm nguồn trả nợ ngân hàng. Để rồi nhìn lại 05 thôn do Hội Cựu chiến binh xã quản lý từ năm 2014 đến nay đã có trên 267 lượt hộ được tiếp cận với nguồn vốn chính sách, góp phần giảm được 102 hộ nghèo (đến cuối 2016 còn 51 hộ nghèo) tạo được việc làm cho 189 lao động.
Đáng nói là các tổ chức hội, đoàn thể tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chuyển giao KHKT đã giúp hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, tạo sinh kế lâu bền để phát triển kinh tế.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi, Trần Xuân Cường bộc bạch: “Mình phải rất thân với các tổ chức hội, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn do họ ở sát dân nhất, hiểu dân nhất và không chỉ làm công tác cho vay, họ còn động viên khích lệ tình thần vươn lên phát triển kinh tế của các hội viên cũng như có nhiều những tương trợ khác để cộng hưởng hiệu ứng của dòng vốn chính sách”.
Ví như ở Quảng Trị, riêng Hội Nông dân trong 15 năm qua, các cấp hội đã phối hợp tổ chức trên 6.000 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 300 nghìn lượt hội viên tham gia; xây dựng mới 1.500 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Hội tập trung tập huấn, đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo, bên cạnh đó, giao chỉ tiêu cho các cấp hội, các hộ SXKD giỏi kèm cập, giúp đỡ, hỗ trợ việc làm, tiêu thụ sản phẩm… chính nhờ vậy các hộ nghèo mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất trả nợ gốc và lãi đúng thời gian, các hộ đã có tiền tham gia gửi tiết kiệm.
Điển hình huyện Đakrông có tới 80% là đồng bào DTTS ít người, song với sự cầm tay chỉ việc của cán bộ hội, đoàn thể và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ việc nhỏ đến việc lớn giúp bà con trong sản xuất để thay đổi thói quen mong đợi từ thiên nhiên, thay đổi tư tưởng trông chờ ỷ lại, nên trong những năm qua, góp phần giảm nghèo của huyện mỗi năm bình quân giảm từ 3% - 4% hộ nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng DTTS miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, Hội Nông dân nhận ủy thác từ NHCSXH với 661 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 23.158 hộ vay vốn. Chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn và củng cố, số tổ xếp loại tốt và khá đạt 95%, có trên 95% thành viên vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Bàn đạp thực thi chính sách
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi, người từng 8 năm trực tiếp chỉ đạo Chương trình vốn vay 120, cho biết trước khi có NHCSXH, chương trình quốc gia về việc làm giao vốn qua Kho bạc Nhà nước và người ta nhìn vốn vay này như là ngân sách Nhà nước nên hiệu quả không cao. Song với việc triển khai qua NHCSXH “nhất là ở địa phương, chúng tôi đã hình dung ra các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc cho vay vốn có hiệu quả như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn và Hội Cựu chiến binh. Chúng tôi cho vay bằng hình thức phân bổ nguồn vốn cho các hội, đoàn thể. Tiếp đó, các đoàn thể lựa chọn các hộ tiêu biểu, tích cực và những người có kinh nghiệm trong sản xuất được vay vốn theo Chương trình quốc gia, từ đó tạo việc làm cho hội viên của mình. Đây chính là sự kết nối và phát triển bền vững cả về mặt xã hội, chính trị lẫn tổ chức hội”, ông Lợi phân tích.
Kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức chính trị - xã hội với vai trò vừa là người giám sát xã hội, vừa làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách đã góp phần chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí xã hội…
Với việc hợp tác trên cả tình và lý, NHCSXH đã uỷ thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện trên cơ sở các văn bản thỏa thuận, văn bản liên tịch được ký kết giữa NHCSXH với tổ chức chính trị - xã hội các cấp, làm căn cứ cho NHCSXH cấp huyện ký hợp đồng uỷ thác với tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và hợp đồng uỷ nhiệm một số nội dung công việc với Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động theo địa bàn thôn, bản.
Cứ như thế, hệ thống NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thành lập được 187.151 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại thôn, ấp, bản, làng; tổ chức giao dịch tại 10.974 Điểm giao dịch đặt tại UBND cấp xã. Hiện nay, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 163.985 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng dư nợ của NHCSXH, trong đó Hội Phụ nữ quản lý 64.682 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 39,4%/dư nợ ủy thác); Hội Nông dân 52.850 tỷ đồng (chiếm 32,2%/dư nợ ủy thác); Hội Cựu chiến binh 25.732 tỷ đồng (chiếm 15,7% dư nợ ủy thác) và Đoàn Thanh niên là 20.721 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 12,6% dư nợ ủy thác).
Thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội này, những yêu cầu đặt ra của Chính phủ giao cho hoạt động ngân hàng là bảo toàn vốn, dân chủ hóa cơ sở mới thực hiện được. “Gần như vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tỷ lệ bảo toàn nguồn vốn rất cao. Tỷ lệ thu hồi vốn của NHCSXH đạt trên 99,4%, còn 0,06% chủ yếu là do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn và các rủi ro khác”, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết.
Khẳng định đây vẫn là một hướng đi nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Với một người đã kinh qua nhiều vị trí xây dựng và thực thi chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm như ông Bùi Sỹ Lợi, ghi nhận: “Hiện nay, nợ quá hạn của NHCSXH khi cho người nghèo vay rất thấp so với các Ngân hàng thương mại. Đây là điểm sáng cho vay vốn để giải quyết việc làm. Có thể nói, NHCSXH là đơn vị duy nhất hoạt động theo cơ chế hành chính nhưng đạt hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, nếu hôm nay, chúng ta tiếp tục đi theo con đường cũ 15 năm qua, hiệu quả vẫn có nhưng sẽ chậm hơn, không bền vững. Vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ phương sách, cách thức quản lý, sử dụng mới tốt hơn nữa” - vấn đề ông Bùi Sỹ Lợi đặt ra cũng là thách thức đối với NHCSXH trong tương lai để phát huy hơn nữa công cụ truyền dẫn chính sách trực tiếp đến từng người dân nghèo, đối tượng chính sách mà Đàng và Chính phủ đang đặt trọng trách lên vai.
Minh Ngọc - Thùy Trang thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 15 NĂM VÀ HÀNH TRÌNH REO VANG BÀI CA NO ẤM
- » Tín dụng chính sách xã hội giúp giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh
- » NHCSXH chúc mừng 87 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Nghiệm thu đề tài “Xây dựng và quản lý phần mềm Sổ quản lý tín dụng trên điện thoại thông minh và máy tính bảng hệ điều hành Android”
- » Sức sống mới trên vùng Đồng Tháp
- » Khởi sắc vùng núi Ấn, sông Trà Quảng Ngãi
- » Tín dụng chính sách ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã giúp cho 360 ngàn hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế
- » Giục từng tấc đất hóa ngọt bùi
- » Thắp lửa trên mặt trận giảm nghèo
- » Yêu thương đã đến với “Lá chưa lành” tại Kiên Giang