Sức sống mới trên vùng Đồng Tháp

12/10/2017
(VBSP News) Thuộc vựa lúa của cả nước và ấm áp lòng người với câu ca “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, ít ai biết rằng Đồng Tháp hơn 40 năm trước đã từng được coi là vùng đồng đất chết nhiễm phèn, là rốn lũ của khu vực ĐBSCL mà nhiều khoa học quốc tế đánh giá là không thể khai phá. Sự chuyên cần làm lụng của người dân với cây lúa cùng sự ưu đãi của thiên nhiên nơi đây cũng chưa đủ giúp dân thoát nghèo khi diện tích đất đai hữu hạn và thu nhập từ cây lúa chỉ đủ ăn...

Thông qua 133 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã kịp thời chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng

Thông qua 133 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đã kịp thời chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng

Chính vì vậy, ấm no chỉ đong đầy khi người dân thay đổi tư duy tập quán sản xuất hàng hóa nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng chất lượng cao hoặc dịch chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp. Và khi dòng vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp bắt nhịp vào đúng những định hướng này của chính quyền địa phương, cũng như nhu cầu của người dân, một Đồng Tháp với những cơ hội và tiềm năng mới đang dần rõ…

“Không có ruộng, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê và đan dây lục bình, thu nhập không được là bao lại nuôi 2 con ăn học. Hàng ngày, gia đình tôi phải chạy từng bữa ăn, cái mặc vì không có vốn làm ăn”, anh Phạm Hữu Chánh ở ấp Tân Hựu, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành hồi tưởng lại cuộc sống những ngày tháng trước năm 2010. Chính vì vậy, khi được NHCSXH huyện Châu Thành cho vay vốn hộ nghèo 7 triệu đồng, anh đã đầu tư nuôi 3 con heo sinh sản. Hàng tháng anh trích từ tiền đan dây lục bình để đóng lãi và gửi tiết kiệm, phần còn lại cùng nguồn thu từ heo nái lớn dần giúp cuộc sống gia đình anh tuy không khá giả như bao gia đình khác nhưng cũng đủ lo cái ăn cái mặc và cho các con đi học. Tháng 8/2011, đứa con lớn của anh nhận được thông báo trúng tuyển từ trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp, mừng vui không sao tả nổi, nhưng cũng đầy lo âu khi chưa biết lấy đâu lo tiền cho con đi học. “Ngay cả những lúc ấy, chưa bao giờ, tôi nghĩ đến chuyện phải cho con nghỉ học vì tôi biết chỉ có con đường học vấn mới giúp con cũng như gia đình có thể vươn lên có cuộc sống đầy đủ như mọi người”, anh kể. Thế rồi anh lại nhớ đến NHCSXH với chương trình cho vay HSSV và cánh cửa cơ hội lại mở ra với anh lần nữa. Một năm sau - 2012, con trai anh tiếp tục đậu vào trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ước mơ lớn nhất của cháu đã được toại nguyện cũng từ sự hỗ trợ của NHCSXH.

Mới đó, mà cũng gần 8 năm trôi qua, với 64 triệu đồng vay cho con đi học, cô con gái lớn của anh giờ đã có việc làm ổn định, hàng tháng nhận lương đều trả nợ cho ngân hàng theo quy định và tích lũy thêm một phần để giúp đỡ bố mẹ lo cho em đang đi học. “Nếu không có chương trình cho vay HSSV thì các con tôi không thể nào bước được vào giảng đường đại học, để rồi ra trường có công ăn việc làm ổn định, có thêm thu nhập để giúp ích, trang trải cuộc sống gia đình, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo một cách bền vững vào năm 2016”, anh Chánh tâm sự.

Những cuộc sống bếp bênh “thân lục bình” của anh Chánh bước qua đói nghèo từ đồng vốn chính sách ngày càng nhiều. Đến nay, 11 chương trình tín dụng được triển khai trên địa bàn huyện Châu Thành với nhiều chương trình mang tính kết nối và kế thừa hỗ trợ các chương trình trước đó, như những nhịp cầu đưa người dân không chỉ bước qua thời khốn khó mà sang bờ bên kia với kinh tế phát triển bền vững, nuôi dưỡng một tương lai mới cho con em họ. Đặc biệt cùng với tâm huyết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo của tỉnh thông qua việc chuyển vốn cho vay thực hiện các chương trình mục tiêu của tỉnh ủy thác giải ngân qua NHCSXH đã cộng hưởng thành một chuỗi các chương trình tín dụng chạm vào từng nhu cầu thiết thân của người dân cũng như hứa hẹn những tương lai mới cho mảnh đất này.

Ví như ông Nguyễn Văn Quý ở ấp An Hòa Nhì, xã Tân Bình, huyện Châu Thành. Vay 7 triệu đồng nuôi heo. Những tưởng cuộc sống nuôi 5 đứa con sẽ sớm qua ngày cơ cực thế nhưng chẳng được bao lâu thì ông bị tai nạn giao thông. Nằm liệt 9 tháng, tưởng như không bao giờ đứng dậy được, thế rồi trời thương, khi những bước chân đầu tiên vững trên đất, ông nghĩ đến chuyển đổi nghề vá ép, làm giỏ xe máy honda. Cũng vì cảm thương hoàn cảnh ông, bộ đội cho ông dựng cái lán để mở tiệm ở lề đường của đất doanh trại, bà nhà chăn nuôi con lợn, con gà cuộc sống vì thế cũng với phần cơ cực. Ông tằn tiện nuôi 05 đứa con ăn học, cho đến ngày đứa con lớn vào đại học ngành công nghệ thông tin. Ở nhà rau cháo thì đỡ qua ngày, chứ con đi học, một bước ra cửa cũng cần đến tiền, quả là sức ông khó gánh. Chính bởi vậy, việc được vay vốn là cứu cánh cho ông đứa con đầu sinh năm 1991 vào đại học ngành công nghệ thông tin. Và cũng từ ngày ấy, 04 đứa con của ông lần lượt vào đại học cùng với nguồn vốn vay HSSV của NHCSXH.

Thế nhưng khi con ra trường xin việc không dễ, trong khi áp lực trả nợ cho 4 đứa con mà ông bà đang gánh trên vai không nhỏ. Trong cái thế bí ấy, một lần nữa ông được chính quyền địa phương hướng cho con đi XKLĐ. Cái thiếu vào khó nhất là chi phí cũng được mở với việc NHCSXH giải ngân vốn cho vay XKLĐ từ ngân sách của tỉnh ủy thác qua. Năm 2016, với khoản vay 94 triệu đồng, con trai đầu của ông đã đi XKLĐ sang Nhật với mức lương hiện tại 32 triệu đồng/tháng. Với chu kỳ vay 36 tháng, trả nợ 6 tháng/lần, gia đình đã trả được 15 triệu đồng gốc. Đứa con thứ hai vừa tốt nghiệp ông cũng chuẩn bị cho XKLĐ sang Nhật và NHCSXH đã giải ngân lần đầu 30 triệu đồng. Ông kể nó đi Nhật lần này hết 114 triệu đồng, nhưng tôi chỉ vay 100 triệu đồng cùng với khoản con gửi về và lao động tích lũy, ông đã trả được lãi và gốc ngân hàng đúng hạn. Căn nhà của ông đã được sửa sang gọn gàng, dù vẫn còn tuềnh toàng, chưa có đồ đạc gì quý, nhưng 04 đứa con của ông đã học đại học và các cháu đang dần ổn định cuộc sống với ông là một gia tài lớn. Ông bảo: “Ước mơ của tôi cho con đi Nhật cũng không chỉ vì muốn cho các con cơ hội tích lũy kinh tế, mà hơn thế, các cháu đã học đại học, giờ sang Nhật làm đúng nghề cũng là một dịp trau dồi nghề nghiệp khi trở về có thể vào guồng cùng quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh nhà, ổn định sinh kế lâu bền”.

Hộ nghèo ở thị xã Sa Đéc vay vốn ưu đãi trồng hoa kiểng

Hộ nghèo ở thị xã Sa Đéc vay vốn ưu đãi trồng hoa kiểng

Những ước mơ được viết lên từ nguồn vốn Chính phủ, nguồn vốn địa phương thông qua NHCSXH giải ngân càng thấy rõ qua những nỗ lực của các cán bộ NHCSXH trong việc mở rồng mạng lưới, trăn trở với từng con số tăng trưởng tín dụng cũng như nâng cao chất lượng hoạt động.

Tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đến nay đạt trên 2.710 tỷ đồng, tăng 2.579 tỷ đồng so với đầu năm 2003 (gấp 20,5 lần so với đầu năm 2003). Bên cạnh nguồn vốn của Trung ương, huy động trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp còn nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương với trên 208 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mô hình Điểm giao dịch xã là một trong những sáng tạo của NHCSXH đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hiện có, tiết kiệm chi phí đi lại của người nghèo. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 133 Điểm giao dịch xã/144 xã, phường, thị trấn, có trên 80% số lượng giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại xã. Cùng với đó là việc nối dài cánh tay triển khai thực thi tín dụng chính sách cùng chính quyền địa phương, hội, đoàn thể với 3.388 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý đặc thù của NHCSXH đã tập hợp được nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó với dân, hiểu được dân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngành mình và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng, góp phần đưa dòng vốn không chỉ lan tỏa rộng mà còn tăng vòng quay vốn trên địa bàn. Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 5.848 tỷ đồng với 628.830 lượt hộ vay vốn. Doanh số thu hồi nợ đạt 3.175 tỷ đồng để cho vay quay vòng, đáp ứng hơn 50% nhu cầu vốn vay của người dân. Như vậy, so với dư nợ khi nhận bàn giao vào đầu năm 2003 là 119 tỷ đồng với 5 chương trình cho vay đến nay dư nợ cho vay tăng gấp 23 lần, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm là 21,4%/năm, đặc biệt là những năm đầu mới thành lập tăng trưởng dư nợ cho vay rất lớn (2004 tăng 41,9% so với năm 2003).

Nợ quá hạn giảm cho thấy chất lượng sử dụng vốn tăng lên cũng như ý thức sử dụng vốn của người dân cũng đã thay đổi. Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Lại Văn Bé Chín cho biết, nợ quá hạn hiện chỉ chiếm tỷ lệ 0,35% tổng dư nợ.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 120.849 lao động, 73.117 hộ thoát nghèo, 104.598 HSSV được vay vốn, 219.463 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được cải tạo và xây mới; 33.953 căn nhà được xây dựng theo chương trình nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ vùng ĐBSCL; 10.693 căn nhà xây dựng theo chương trình nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167.

Xuất phát từ hộ nghèo, vay vốn ưu đãi 2 triệu đồng từ NHCSXH, Cơ sở chế biến muối Ngọc Yến do ông Huỳnh Văn Bé ở huyện Thanh Bình làm chủ đã tạo được việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 5 - 7 triệu đồng/tháng

Xuất phát từ hộ nghèo, vay vốn ưu đãi 2 triệu đồng từ NHCSXH, Cơ sở chế biến muối Ngọc Yến do ông Huỳnh Văn Bé ở huyện Thanh Bình làm chủ đã tạo được việc làm ổn định cho 50 lao động địa phương, thu nhập mỗi người từ 5 - 7 triệu đồng/tháng

 

Thành quả là thế, song câu chuyện hỗ trợ người dân có sinh kế vững bền và chất lượng cuộc sống cao hơn vẫn là câu chuyện mà NHCSXH phải kiên trì bước tiếp. Không chỉ vì những con số hộ nghèo của tỉnh còn cao, mà hơn thế, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp mong muốn chung tay vào phong trào xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa ngành nghề và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp; phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi giá trị bền vững các sản phẩm nông nghiệp, bình quân mỗi năm có 1.000 người đi lao động ở nước ngoài.

Với mong ước đó, NHCSXH tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu phấn đấu về chất lượng và dịch vụ đảm bảo chất lượng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể khắc phục những hạn chế, thiếu sót để tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác như chặng đường 15 năm qua.

Bài và ảnh Khánh Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác