Thắp lửa trên mặt trận giảm nghèo
Chuyện “cõng” vốn lên bản người A Rem
Nổi tiếng với di sản thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi tắm du lịch Đá Nhảy, cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma, vị trí địa lý thiên thời địa lợi ấy đang ẩn chứa những tiềm năng bứt phá cho huyện Bố Trạch (Quảng Bình) về phát triển kinh tế du lịch. Còn trên mặt trận giảm nghèo thì 15 năm qua, cái tên NHCSXH huyện Bố Trạch đã thân thuộc với người dân địa phương nơi đây.
Đến vùng đất này, cán bộ NHCSXH vẫn nhắc lại câu chuyện những ngày đầu “cõng vốn” lên bản của người dân tộc A Rem ở xã Tân Trạch lọt thỏm trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, nằm giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước đây, đường vào bản A Rem rất khó khăn, NHCSXH phải thuê xe ô tô u-oát để vào xã. Bắt đầu từ con đường Hồ Chí Minh nhánh đông rẽ vào con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại theo sườn Tây Trường Sơn - nơi xem như cầu nối duy nhất giúp bà con ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch của huyện Bố Trạch hòa nhịp với hơi thở cuộc sống miền xuôi. Từ động Phong Nha lên bản A Rem chỉ khoảng 39km nhưng ô tô cũng phải “bò” mất nửa ngày.
“Dù ngày ấy nhiều lần đi về tay trắng, song cán bộ tín dụng không ngừng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động bà con đổi mới nếp nghĩ, cách làm, vay vốn sản xuất”, một cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Bố Trạch nhớ lại.
Ông Nguyễn Chí Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho biết: “Chúng tôi thường xuyên theo sát người dân để “cầm tay chỉ việc”, nói cho dân hiểu và làm theo. Từ đó người dân sẽ tích lũy được vốn kiến thức để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. So với thời điểm 2003, số hộ của bản đã tăng gần gấp đôi lên 97 hộ, có 91 hộ đồng bào dân tộc. Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã đến với 62 hộ gia đình nơi đây để phát triển chăn nuôi và 20 hộ gia đình vay vốn làm nhà ở”.
Sau những nỗ lực của cán bộ NHCSXH và Đảng ủy, chính quyền xã, trong thăm thẳm mênh mông núi rừng, thay vì cuộc sống “ăn lông ở lỗ” như mấy mươi năm về trước, sức sống mới đang hiện lên trong từng nếp nhà mái tôn đỏ tươi của người A Rem, Điển hình như gia đình anh Đinh Cất, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH để chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả.
Ông Đinh Pin cũng từ nhờ vay 5 triệu đồng chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi năm 2004, đến nay, ông đã có một “gia tài” với 7 con bò, đàn dê 15 con. Hộ ông Đinh Trặp vay vốn chương trình hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, nay đã thoát nghèo, trở thành hộ khá của bản, mua được tivi…
Cũng từng là hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở xã Tân Trạch, ông Đinh Rầu tâm sự: “Lúc mới về định cư ở bản A Rem này mình cũng chỉ biết sống nhờ rừng, đi săn con chim, bẫy con thú mà sống. Được chính quyền quan tâm giúp đỡ cùng với 5 triệu đồng vốn cho vay vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn mình đã biết trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện cuộc sống”. Hiện gia đình ông nuôi 10 con bò, 10 con lợn, ngoài ra ông còn nuôi thêm ngỗng… nên cái nghèo đang lùi xa dần.
Giúp dân “an cư” và làm giàu
Không chỉ tiếp sức ở những vùng sâu, vùng xa mà đồng vốn chính sách còn hỗ trợ nhu cầu thiết thực, cấp bách của người dân trong những lúc gặp thiên tai để thắp lên khát vọng vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt trong năm địa phương chịu ảnh hưởng của bão, sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi, NHCSXH đã kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý nợ rủi ro và tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người dân khắc phục và ổn định sản xuất.
Bà Lê Thị Hoàn ở thôn 8 ngọn Rào, xã Xuân Trạch, chỉ vào cháu gái đang chạy vào sân và nói: “Nó đó. Năm 2013, nước lụt dâng hơn 30m, cả nhà trèo lên nóc chờ cứu hộ, trong một tích tắc, nước xiết cuốn luôn con bé, may mà mắc vào cái cột nhà nên cứu được”.
Ngay sau đó, gia đình bà Hoàn đã được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng từ vốn xây nhà chống lũ để yên tâm an cư, lập nghiệp”. Hay như sự cố môi trường biển miền Trung năm ngoái, NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm giúp người dân mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi, bám biển.
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Hồ Sỹ Lương ở thôn Thượng Đức, xã Xuân Trạch khi anh đang kiểm tra lại các vằng lưới chuẩn bị cho chuyến ra biển chiều tối. Một đời bám biển, dù nay biển không còn mang lại cuộc sống khấm khá như trước, nhưng hai vợ chồng anh vẫn chẳng thể rời bỏ.
Chị Trần Thị Tám - vợ anh Lương cho biết, cũng như bao cặp vợ chồng ở làng chài này, mỗi sớm mai chị vẫn chờ chồng đi biển về để mang cá, mang tôm ra chợ bán. Số tiền 110 triệu đồng được đền bù từ sự cố môi trường biển cùng với số tiền 30 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH, gia đình chị đầu tư thêm ngư lưới cụ, cải tạo con thuyền để vươn khơi, ổn định cuộc sống.
Nhìn lại hành trình 15 năm của NHCSXH, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định: NHCSXH đã góp phần cùng với huyện thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho tầng lớp nhân dân có thu nhập thấp, bộ phận dân cư ở các vùng miền khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, NHCSXH huyện Bố Trạch đã đạt tổng dư nợ 432 tỷ đồng, tăng so với năm 2002 là 399,8 tỷ đồng.
Với 15 chương trình tín dụng đang triển khai, đã có trên 79.500 lượt hộ gia đình được vay vốn; tạo việc làm cho 30 nghìn lao động; 10.970 lượt HSSV có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp; 12.610 lượt hộ gia đình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Những con số ấn tượng ấy đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Bố Trạch giảm từ 24% năm 2005 xuống còn 9,85% năm 2016 theo chuẩn mới và cơ bản không còn hộ đói, không còn hộ ở nhà tạm.
Có thể khẳng định rằng, những kết quả trên thể hiện sự nỗ lực, vượt khó nhưng cũng đầy trách nhiệm của các cán bộ NHCSXH huyện Bố Trạch. Và đây cũng là nền tảng tạo động lực thôi thúc các cán bộ NHCSXH huyện Bố Trạch làm tốt hơn nữa, góp phần đưa tín dụng chính sách không chỉ là một chính sách giảm nghèo hiệu quả mà còn trở thành điểm tựa để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của huyện nhà.
Bài và ảnh Nguyễn Tuấn Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 15 NĂM VÀ HÀNH TRÌNH REO VANG BÀI CA NO ẤM
- » Yêu thương đã đến với “Lá chưa lành” tại Kiên Giang
- » Tỉnh Sóc Trăng có 124 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo từ vốn vay chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Tây Ninh đã giúp cho 36 ngàn lao động trên địa bàn có việc làm ổn định
- » Tỉnh Trà Vinh tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách đã phát huy vai trò trên địa bàn TP Đà Nẵng
- » Tín dụng chính sách ở Hưng Yên đã giúp cho gần 10 nghìn lượt hộ thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại Quảng Ninh
- » Tỉnh Đồng Tháp tổng kết 15 năm tín dụng chính sách xã hội
- » 15 năm tín dụng chính sách trên quê hương đất Tổ