Giục từng tấc đất hóa ngọt bùi

10/10/2017
(VBSP News) Đến Gia Lai hôm nay, kể cả những vùng trước đây vì thiếu nước khó trồng trọt, cũng hiếm thấy khoảng đất trống. Thay vào đó là gam màu xanh của cây công nghiệp, cây ăn quả trải từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn. Kể cả ngày đông qua, cũng chẳng mấy lúc để lộ ra màu đất đỏ, bởi chỉ ít lâu sau đó lại bật lên sắc trắng hoa cà phê, hồ tiêu. Và nay khi nắng thu vàng phủ tràn, giữa bạt ngàn cà phê lại ánh lên sắc đỏ của mùa quả chín, những rừng mía cũng đang vào mùa tạo đường cùng những rừng cao su xanh mát hun hút tầm mắt càng đẹp và lên thơ hơn trong những câu chuyện kể về hành trình tín dụng chính sách 15 năm qua đã đến và mang cơ hội đổi đời cho những con người một thời cùng cực...
Tín dụng chính sách đã giúp đồng bào tỉnh Gia Lai, đặc biệt phụ nữ DTTS thay đổi tư duy làm kinh tế

Tín dụng chính sách đã giúp đồng bào tỉnh Gia Lai, đặc biệt phụ nữ DTTS thay đổi tư duy làm kinh tế

Xuất thân từ cán bộ cơ sở, nhiều năm làm việc tại NHNo&PTNT huyện trước khi chuyển sang Ngân hàng Phục vụ người nghèo và nay là NHCSXH tỉnh Gia Lai, hơn ai hết, Giám đốc Lê Văn Chí hiểu được những khoảng trống tín dụng khu vực nông nghiệp - nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của người dân nhiều hơn tích lũy và mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận của các NHTM ngày ấy, nguồn vốn chỉ trải ở những nơi có điều kiện phát triển kinh tế còn chưa đủ, huống chi vươn tới được những vùng sâu, vùng xa, nơi những con đường chưa về đến trung tâm xã, đồng bào chưa quen với sản xuất hàng hóa phát triển kinh tế. Chính vì vậy, khi chuyển sang Ngân hàng Phục vụ người nghèo rồi NHCSXH ông lại càng thấm giá trị nhân văn của dòng vốn tín dụng chính sách, để rồi từ đó cùng anh em đặt quyết tâm “xóa trắng” tín dụng, giúp người dân Gia Lai, đặc biệt là đồng bào các DTTS tiếp cận tín dụng phát triển kinh tế.

Trên một địa bàn rộng và điều kiện đi lại khó khăn, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, cùng với việc ổn định bộ máy tổ chức, mở rộng mạng lưới, NHCSXH tỉnh đã tập trung huy động nguồn vốn, tranh thủ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó là mô hình tổ chức và phương thức, quản lý tín dụng được xây đặc thù hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương là một trong những giải pháp thành công trong việc xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách. Công tác tuyên truyền chính sách tín dụng kết hợp với chính quyền đặc biệt việc phát triển mạng lưới dẫn vốn từ các hội, đoàn thể đến Tổ tiết kiệm và vay vốn lồng ghép với hoạt động hỗ trợ, chuyển giao KHKT, đặc biệt là việc lựa chọn những hạt nhân điển hình phát triển kinh tế làm tuyên truyền viên dẫn đường cho vốn chính sách trở thành con đường dễ dàng và ngắn nhất đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Những mô hình làm ăn kinh tế giỏi từ vốn vay chính sách

Những mô hình làm ăn kinh tế giỏi từ vốn vay chính sách

Siu Biếp, sinh năm 1989 tại làng Koái, xã Ia Blang, huyện Chư Sê vẫn nhớ như in những ngày đầu mới ra ở riêng năm 2012. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố mẹ già yếu, nhà đông anh em, nên anh cùng vợ con đã tách khẩu ở riêng. Gia tài lúc ấy chỉ vẻn vẹn 1 sào đất bố mẹ cho làm một căn nhà tạm bợ. Thiếu đất sản xuất, không có vốn làm ăn nên Siu Biếp chỉ biết dựa vào đôi tay đi làm thuê để có tiền lo cho vợ con. Thế rồi, tháng 5/2012, Siu Biếp được NHCSXH huyện Chư Sê cho vay với số tiền 15 triệu đồng. Chọn cây tiêu để trồng trên mảnh đất hữu hạn, sau 3 năm, 100 trụ tiêu của gia đình Siu Biếp phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định, mỗi năm thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng. Không chỉ trả cho ngân hàng đúng hạn, Siu Biếp còn đầu tư mua thêm được 3 sào đất để mở rộng sản xuất.

Vườn tiêu tiếp tục được mở rộng với 30 triệu đồng của NHCSXH năm 2015. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Chư Sê, đến nay gia đình anh đã có 4 sào đất trồng được 500 trụ tiêu, 300 cây cà phê, 2 sào ruộng trồng lúa và chăn nuôi thêm 2 con bò… cho thu nhập bình quân gần 60 triệu đồng mỗi năm. Cuối năm 2017 gia đình Siu Biếp đăng ký xin thoát diện hộ nghèo của xã. Trước đó, tháng 10/2016, anh được bà con trong Tổ tiết kiệm và vay vốn tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Với kinh nghiệm vay vốn và sử dụng vốn vay, Siu Biếp đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại thôn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Chấp hành nộp lãi và gửi tiết kiệm đầy đủ hàng tháng, trả gốc đúng kỳ hạn.

Những điển hình vươn lên từ nghèo như Siu Biếp đang là tấm gương và người truyền lửa tín dụng thắp nên những khát khao ấm no của đồng bào trong các buôn làng Gia Lai. 25 năm khai hoang từng tấc đất ở xã Sơn Lang huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa Kbang của tỉnh Gia Lai, nắng gió cao nguyên đã thấm vào từng thớ thịt của Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang Trần Quốc Toản. Quê ở Nghệ An, 18 năm đi lính, qua cả chiến trường Campuchia, vì kinh tế quá khó khăn lại đông con, năm 1993 ông xuất ngũ đưa cả gia đình vào đây lập nghiệp. Dù chỉ cách trung tâm huyện 30km nhưng ngày đó muốn vào đây chỉ có một phương tiện duy nhất cuốc bộ cả ngày. Cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp, 7 đứa con nheo nhóc đói kém là chuyện thường. Năm 2005, ông được vay 10 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH để trồng cà phê, những tia hy vọng mới cho cuộc sống đã bắt đầu. Những vườn cà phê ngày càng mở rộng và xanh tốt, đã giúp ông không phải nói không với việc cho con đi học phổ thông cơ sở rồi trung học. Bức tranh cuộc đời ông thêm sáng khi ông được vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH để cho con ông học Đại học Luật. Cùng với việc đưa tiến bộ khoa học vào trồng cà phê, xen canh cùng các cây ăn quả chất lượng của như cà phê, bơ, sầu riêng, không chỉ thoát nghèo, trả nợ khoản vay cho con ăn học mà ông còn tiếp tục hiện thực hóa ước mơ vào đại học của 6 đứa con sau đó với những trường đại học mà trẻ con thành phố đều ước muốn như Đại học Luật, Hàng hải, Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh. Với 5ha cà phê…, mỗi năm ông thu nhập 200 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang Trần Quốc Toản tham dự tại một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Lang Trần Quốc Toản tham dự tại một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn

Những trải nghiệm của cuộc đời đã giúp ông vào vai Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn rồi Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã một cách tự tin, giúp những người cùng cảnh như ông một thời thay đổi cuộc đời vươn lên phát triển kinh tế. Ví như ở làng Hà Nừng, xã Sơn Lang này, hiện có 106 hộ, trong đó 100% dân số là người dân tộc thiểu số Bana, 3.147 khẩu. Thời điểm thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn làng Hà Nừng năm 2004 chỉ vẻn vẹn có 7 hộ vay. Cũng bởi tại thời điểm đó tập tục canh tác của các hộ dân trong làng còn rất lạc hậu vì vậy rất ít hộ mạnh dạn vay vốn hoặc vay với mức cao để đầu tư mà chỉ có một vài hộ đăng ký vay với mức rất thấp. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho nhân dân mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi là một trong những khó khăn lớn, ngoài ra để tuyên truyền cho các hộ dân chấp hành trả nợ gốc đúng định kỳ, nộp lãi hàng tháng, gửi tiết kiệm khó khăn không kém. Theo sát từng hộ dân, những hộ tuyên truyền nhiều lần không vay, ông đến tận nhà vận động phân tích. “Tại sao chị không vay, chị vay 30 triệu đồng đầu tư chăm sóc cây cà phê, nếu không bón phân thì được 7 tấn/ha, có chăm sóc 14 tấn/ha. Với giá 8 triệu/tấn, chỉ cần tính 7 tấn phụ trội đã được 56 triệu đồng, thừa để trả nợ”, ông nói. Còn với hộ nghèo, ông làm phép tính đơn giản là vay 50 triệu đồng, trong 5 năm, mỗi năm chỉ cần bỏ ra 5 tạ cà phê, cộng với tiền tiết kiệm hàng tháng và tiền tiết kiệm mỗi vụ là đủ trả nợ. Hay như câu chuyện huy động tiết kiệm, nhiều hộ vay bảo ông, tiền lãi còn lo không trả được, lấy đâu mà tiết kiệm, ông lại phân tích: “Bây giờ bà con đóng 30 - 50 nghìn đồng theo quy ước, mùa màng thì đóng 300 - 500 nghìn, cộng 60 tháng, mỗi tháng bình quân 200 nghìn đồng, như vậy 60 tháng đủ trả vay nước sạch. Cũng như hồi chiến tranh mỗi ngày góp một nắm gạo, hai nắm gạo, thành hũ gạo lớn đưa vào chiến trường để chiến thắng thì nay bà con mỗi ngày cứ thế cũng trả được nợ”. Ông nói và giải thích thêm phân tích như thế họ mới nghe ra, chứ bảo họ vay thì bắt buộc phải đóng tiết kiệm thì họ không đóng. Từ sự thông hiểu này hiện người dân đã thống nhất nâng mức gửi hàng tháng lên 50.000 đồng và đến nay là 100.000 đồng. Từ một Tổ tiết kiệm và vay vốn ban đầu với 7 hộ vay, nay đã có hai Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng hoạt động với 93 hộ đã tiếp cận nguồn vốn, dư nợ 3,7 tỷ đồng, tiết kiệm tại Tổ là 203 triệu đồng.

Sự lan tỏa của dòng vốn càng rõ qua con số 13 chương trình tín dụng với dư nợ 3.730 tỷ đồng, với trên 141 nghìn hộ vay của NHCSXH tỉnh Gia Lai tại thời điểm hiện tại. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 43,39 lần so với cuối năm 2002, bình quân mỗi năm tăng 30,78 %. Riêng 03 chương trình giảm nghèo có tầm ảnh hưởng rộng lớn là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 59% tổng dư nợ, đã lấp đầy “khoảng trống” chính sách đảm bảo cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững. Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,15% tổng dư nợ, giảm 9,45% so thời điểm nhận bàn giao.

Còn lượng hóa trong đời sống, vốn vay ưu đãi được hỗ trợ để phát triển SXKD, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cụ thể giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 23,73% còn 11,36%; năm 2016 giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn. Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới khi giúp cho 131.921 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết tạo việc làm cho 23.655 lao động; giúp trên 57.337 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chi phí học tập; trên 10.967 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở; xây dựng được 106.116 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 74.897 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào SXKD.

Càng từng trải trong công cuộc giảm nghèo, Giám đốc Lê Văn Chí và các cán bộ NHCSXH tỉnh Gia Lai càng hiểu sức nặng của đồng vốn - một công cụ không thể thiếu để bẩy các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Và với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2016 - 2020 cao (16,77%) với 168 xã vùng khó khăn, bên cạnh nguồn vốn Trung ương và huy động dân cư, Giám đốc Lê Văn Chí mong muốn cùng với những nỗ lực của từng cán bộ trong đơn vị, sự hỗ trợ từ NHCSXH Việt Nam, sẽ có thêm nhiều hơn nữa nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua chi nhánh hàng năm nhằm tăng cường nguồn vốn giảm nghèo địa phương, đáp ứng nhu cầu vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cùng với đó là việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kiến thức làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với sử dụng vốn tín dụng chính sách, tạo nên sự tác động hiệu quả đồng bộ của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trên địa bàn, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đưa Gia Lai đồng đều với nhịp phát triển chung của cả nước cũng như phát huy tiềm năng kinh tế của vùng đất đỏ.

Bài và ảnh Khánh Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác